Ngày 17.12 năm nay chắc chắn là ngày khó quên trong lịch sử ngành tố tụng. Toàn những vụ động trời: Phiên tòa xét xử vụ thảm sát 6 người tại tỉnh Bình Phước, xử lưu động, hai án tử hình. Một án tử hình nữa tại Bà Rịa- Vũng Tàu cho kẻ đã thực hiện 4 vụ giết 4 người tại 4 tỉnh: T.P Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, Hải Phòng và Bà Rịa Vũng Tàu.
Vụ con ruồi trong chai nước ngọt Tân Hiệp Phát tuy không có án tử cho ai, nhưng với 7 năm tù cho anh Võ Văn Minh, niềm tin vào sự tử tế của con người nói chung và doanh nghiệp nói riêng có lẽ là thứ đã bị đem ra xử bắn ngay từ những tranh luận kéo dài hơn một năm qua cho đến phiên tòa này.
Một ngày đầy bất ổn, nếu đọc báo, xem TV và lướt mạng.
Nhưng chẳng có sự bất ổn nào lớn bằng và kéo dài không biết đến chừng nào, nếu như có mặt trong phiên tòa xử lưu động vụ thảm sát Bình Phước. Một khu đất rộng tới 4ha, nằm trong khu trung tâm hành chính huyện Chơn Thành, cạnh trường THPT Chơn Thành.
Hàng trăm cảnh sát cơ động được huy động để bảo vệ trật tự khu vực xử án. Rà soát bom mìn từ mấy ngày trước. An ninh được thắt chặt ngay từ vòng ngoài. Nhiều người dân cũng đã có mặt để giữ “vị trí đẹp”. Nhiều hàng quán bán nước lưu động cũng được người dân dựng lên để phục vụ cho người dân tham dự. Có khoảng 4.000 người đến nghe phiên tòa ấy. 4.000 người háo hức, tò mò...
Trong những năm đất nước còn chiến tranh, có lần ở nơi sơ tán, tôi cũng đã có mặt tại một phiên tòa xử lưu động. Ngẫu nhiên thôi, vì tòa cũng chọn chỗ gần trường học để công lý thực thi sức mạnh. Dạo ấy còn nhỏ quá nên tôi chẳng nhớ được bị cáo mắc tội gì, hình như trộm cắp, chỉ thấy dân làng la ó, chửi bới như lên đồng tập thể và mẹ của bị cáo rũ rượi, ngất lên ngất xuống, cứ chắp tay lê gối trên đất lạy khắp mọi người.
Nỗi đau đớn của người mẹ ấy, những cái vái lạy đám đông đầy thê thảm ấy rốt cuộc thành một ám ảnh trĩu nặng mà tôi mang đi rất lâu trong đời mình. Tôi xót thương người mẹ và như cảm giác của một đứa trẻ, không cần biết pháp luật đem lại sự công bằng cho xã hội đến đâu, tôi ghét ông chủ tọa phiên tòa mặt hầm hầm, tôi ghét đám đông bị kích động và vô cùng man rợ.
Trong 4.000 người đến dự phiên tòa ngày 17.2 ở Bình Phước, không biết có bao nhiêu đứa trẻ chưa biết nghĩ, có cảm xúc tương tự như tôi ngày ấy.
Để răn đe ư? Có cần không khi phải tổ chức lưu động một phiên tòa quá nhiều sự dã man, quá nhiều đau thương và nước mắt như thế. 6 người đã bị giết với 6 di ảnh thân nhân mang đến trước phiên tòa, hai kẻ cũng sẽ bị tử hình vì tội ác của họ.
Trong phiên tòa ấy, họ cũng có người thân đến dự, có cha mẹ họ hàng anh em, những người không gây ra tội ác nhưng sẽ được nếm nỗi đau tận tận cùng, nỗi nhục nhã bị phơi bày trước đám đông, sẽ suốt đời suốt kiếp không quên được.
Và truyền thông, với hơn 100 phóng viên đăng ký đến dự và đưa tin, có báo đến với 4,5 phóng viên, họ miêu tả thế nào: “Gió trưa Bình Phước liên tục giật, từng xoáy bụi cuộn lên khi bị cáo khai những chi tiết bàn tính, ra tay giết người man rợ...”.
Từng tình tiết của tội ác được thuật lại tỷ mỷ, có làm người ta ghê sợ cái ác hơn không? Báo chí đã “lăn” theo vụ Lê Văn Luyện đến mức người ta có cảm giác rằng chính báo chí tiếp tay cho cái ác, kích động sự tò mò với cái ác.
Với phiên xử lưu động này, cảm giác ấy trở lại. Hàng trăm tin bài, truyền hình trực tiếp, trong ngày hôm ấy, mọi tin tức khác đều chìm lấp. Trong đám đông chật cứng khu đất 4ha, những gương mặt người chen chúc hầu như không biểu cảm...
Tôi hình dung hôm ấy, gió trưa Bình Phước liên tục giật, xoáy bụi cuộn lên che khuất mặt người.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.