Lao lý, kỷ luật vì… đất “vàng”
Ngày 19.11 vừa qua, Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM) về hành vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Ngoài ông Tín, cơ quan cảnh sát điều tra còn bắt tạm giam 2 người khác có cùng tội danh trên, gồm Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM) và Trương Văn Út (Phó trưởng phòng Quản lý đất đai Sở TN&MT TP.HCM) do liên quan đến cuộc điều tra mở rộng của cảnh sát đối với Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") tại vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí đối với sai phạm xảy ra tại dự án số 15 Thi Sách và Vi phạm các quy định về quản lý đất đai tại dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng (Quận 1, TP.HCM) của Tổng công ty bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Trước đó, ngày 10.11, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố 5 người nguyên là cán bộ tại TP.HCM trong vụ án liên quan khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng trên. 5 người gồm: ông Nguyễn Hữu Tín, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM; Đào Anh Kiệt, cựu Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM; Lê Văn Thanh, Phó chánh văn phòng UBND TP.HCM; Nguyễn Thanh Chương, Trưởng phòng Đô thị thuộc Văn phòng UBND TP.HCM và Trương Văn Út, Phó trưởng phòng Quản lý sử dụng đất thuộc Sở TN&MT TP.HCM).
Loạt quan chức bị khởi tố lần lượt từ trái sang gồm: Nguyễn Hữu Tín, Đào Anh Kiệt, Lê Văn Thanh, Nguyễn Thanh Chương và Trương Văn Út.
Tại Đà Nẵng, từ tháng 4.2018 đến nay, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với hơn 10 bị can nguyên là lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng và Bộ Công an. Trong đó có ông Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng (giai đoạn 2006 - 2011), ông Văn Hữu Chiến, nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng; Nguyễn Điểu, nguyên Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng; ông Trần Văn Toán, nguyên Phó giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng; Lê Cảnh Dương, Giám đốc Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư TP. Đà Nẵng...
Khởi tố 2 nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng là Ông Văn Hữu Chiến và ông Trần Văn Minh.
Bên cạnh nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo bị khởi tố vì vi phạm quy định về quản lý đất đai, nhiều lãnh đạo ở các tỉnh như: Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ, Khánh Hoà, Gia Lai... cũng bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc.
Đơn cử như, tại An Giang, tháng 6.2018, UB Kiểm tra Tỉnh ủy An Giang đã có kết luận xử lý kỷ luật đối với Ban Thường vụ Huyện ủy An Phú trong hai nhiệm kỳ 2000-2005, 2005 - 2010 và các đảng viên có sai phạm về quản lý, sử dụng đất đai. Theo kết luận này, hàng loạt cán bộ bị kỷ luật.
Chuyển nhượng đất “vàng” rẻ như cho
Từ ngày 12 đến 14.11 vừa qua, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra Thông cáo báo chí thứ 31 có kết luật sai phạm rất nghiêm trọng với ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành uỷ TP.HCM.
Những vi phạm của ông Tất Thành Cang là rất nghiêm trọng.
Theo Ủy ban Kiểm Trung ương, ông Tất Thành Cang đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc, vi phạm quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu Đảng bộ Thành phố và các quy định pháp luật trong việc quyết định chủ trương hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp thuộc Thành ủy, chấp thuận chủ trương để người đại diện phần vốn của Thành ủy biểu quyết phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược tại doanh nghiệp; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để lĩnh vực được phân công phụ trách có nhiều vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Đảng bộ Thành phố.
Cụ thể, ông Tất Thành Cang đã tự ý chấp thuận chủ trương chuyển nhượng hơn 32ha đất tại Phước Kiển (huyện Nhà Bè) với giá “bèo”. Khi giữ chức Giám đốc Sở GTVT TP, ông Cang đã vi phạm quy định pháp luật trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Bốn tuyến đường gần 12km với tổng mức đầu tư lên tới hơn 12.000 tỷ đồng. Đường Thủ Thiêm được xếp vào danh sách những tuyến đường “đắt nhất hành tinh”.
Ngoài ra, trong thời gian giữ cương vị Thành ủy viên, Ủy viên UBND Thành phố, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, đồng chí đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 04 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
“Những vi phạm của đồng chí Tất Thành Cang là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Thành ủy, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật”, Ủy ban Kiểm Trung ương kết luận.
Có thể thấy, trường hợp của ông Cang trên là điển hình. Hiện nay, thông qua hình thức hợp tác kinh doanh, hay “đổi đất lấy hạ tầng”, hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhiều khu đất công ở vị trí đắc địa đã lọt vào tay các doanh nghiệp tư nhân với giá rẻ mạt, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước. Nhiều khu đất vàng nhanh chóng biến thành các trung tâm thương mại, chung cư cao cấp, mang lại nguồn lợi khổng lồ cho những kẻ trục lợi.
Tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ mới đây cũng đã ra kết luận về quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại vị trí đắc địa của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2003-2016. Thanh tra Chính phủ kết luận: Tổng số tiền sai phạm được phát hiện qua thanh tra 38 dự án chuyển mục đích sử dụng đất là gần 4.000 tỷ đồng.
"Có doanh nghiệp sau khi sắp xếp lại đất đai thì hoạt động sản xuất kinh doanh hoàn toàn không có hiệu quả, sống nhờ vào cho thuê đất, mặt bằng", ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính)
|
Các nhà máy, xí nghiệp của doanh nghiệp nhà nước sau khi di dời khỏi nội đô hầu hết đã được Hà Nội cấp phép làm nhà ở, trung tâm thương mại. Điều đáng nói, nhiều doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có đất vàng khi hợp tác liên doanh với tư nhân đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật, để chủ đầu tư hưởng lợi khủng trong khi ngân sách thất thu vài ngàn tỷ.
Theo kết quả giám sát, tình trạng lãng phí, thất thoát nguồn lực đất đai, tài sản... diễn ra phức tạp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, vẫn còn hiện tượng sau cổ phần hóa, doanh nghiệp cổ phần không đưa đất vào sử dụng, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất và không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định.
Một số doanh nghiệp Nhà nước chuyển nhượng đất được Nhà nước cho thuê dưới hình thức góp vốn liên doanh, hợp tác đầu tư bằng giá trị lợi thế quyền thuê đất, sau đó thực hiện thoái toàn bộ phần vốn góp, thực chất là hình thức lách luật để chuyển nhượng đất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.