Báo cáo tài chính của Tổng công ty cổ phần bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vừa được công bố cho thấy cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế đều giảm so với năm trước.
Lợi nhuận giảm 11%, vạn tỷ gửi ngân hàng
Cụ thể, trong quý IV.2018, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần giảm nhẹ về 10.406 tỷ đồng, trong khi giá vốn hàng bán tăng khiến lợi nhuận gộp giảm 11%, chỉ còn 2.184 tỷ đồng. Nguyên nhân được cho từ giá các nguyên liệu đầu vào đang tăng mạnh. Tỷ suất lợi nhuận theo đó giảm từ mức 23,4% về còn 21%.
Trong quý vừa qua, công ty phát sinh chi phí tài chính 37 tỷ, trong khi cùng kỳ năm ngoái được hoàn nhập 38 tỷ đồng. Chi phí bán hàng, lợi nhuận từ các liên doanh, liên kết và lợi nhuận khác cũng sụt giảm. Tổng hợp những biến động lớn trên, Sabeco báo lãi sau thuế 919 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ 2017.
Lũy kế cả năm, Sabeco tăng doanh thu 5% lên 36.035 tỷ đồng, trong đó tăng trưởng có doanh thu bia và bao bì vật tư, trong khi các mảng còn lại bao gồm nước giải khát, rượu… sụt giảm. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều được tiết giảm, nhưng bù lại phát sinh thêm chi phí tài chính và giảm lãi tại công ty liên doanh - liên kết nên lợi nhuận sau thuế giảm đến 11%, chỉ còn 4.400 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên công ty bia Sài Gòn do cổ đông ngoại tiếp quản và điều hành.
Với năm 2018, Sabeco đưa ra kế hoạch kinh doanh với doanh thu 36.092 tỷ và lợi nhuận sau thuế 4.007 tỷ đồng. Như vậy, công ty chưa hoàn thành chỉ tiêu doanh thu nhưng đã vượt 10% kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Tính đến ngày 31.12.2018, Sabeco ghi nhận 22.378,5 tỷ đồng tổng tài sản, trong đó tài sản ngắn hạn chiếm đến 66% với 14.690 tỷ.
Đáng chú ý, Sabeco đang nắm giữ hơn 12.000 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn, bao gồm hơn 4.460 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng kỳ hạn dưới 3 tháng cùng 7.544 tỷ đồng tiền gửi trên 3 tháng và dưới 1 năm.
ThaiBev của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi - một trong những người giàu nhất Thái Lan, được kỳ vọng sẽ hỗ trợ làm tăng biên lợi nhuận hiện tại của Sabeco, đồng thời lấy lại thị phần tại Tp.HCM cũng như đưa thương hiệu bia Việt ra tầm thế giới. Tuy nhiên, từ ngày về tay chủ ngoại, tình hình kinh doanh của Sabeco dường như vẫn chưa thấy khởi sắc.
Dù vượt mục tiêu lợi nhuận đề ra, nhưng kết quả kinh doanh tụt dốc trong năm đầu tiên về tay tỷ phú Thái Lan cũng khiến Sabeco đứt mạch tăng trưởng sáu năm liên tiếp.
Sabeco nộp thuế gần 10.000 tỷ đồng
Báo cáo tài chính của Sabeco cũng cho thấy, năm 2018 công ty này phát sinh 9.649 tỷ đồng các khoản phải nộp nhà nước gồm thuế thu nhập doanh nghiệp và cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng...
Tính đến thời điểm cuối năm, công ty đã nộp hơn 9.681 tỷ đồng và các khoản phải nộp Nhà nước, riêng thuế tiêu thu đặc biệt lớn nhất với 6.870 tỷ; thuế thu nhập doanh nghiệp 1.141 tỷ và thuế giá trị gia tăng 1.442 tỷ đồng.
Công ty đang còn nợ hơn 1.000 tỷ tiền thuế các loại do tồn đọng từ các năm trước, chiếm gần 18% tổng nợ ngắn hạn.
Sabeco cũng nhắc lại việc nhận được các quyết định cưỡng chế hơn 3.100 tỷ đồng tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính với thuế tiêu thụ đặc biệt giai đoạn 2007 - 2015 từ Cục thuế TP HCM. Tuy nhiên, ban lãnh đạo công ty khẳng định không có hành vi sai phạm trong việc kê khai và nộp thuế, đồng thời thực hiện đúng hướng dẫn bằng văn bản của Bộ Tài chính và cơ quan thuế nên không ghi nhận số tiền này vào báo cáo tài chính.
Trước đó, Cục thuế Tp.HCM đã bất ngờ có quyết định cưỡng chế thuế và tiền phạt thuế lên tới 3.140 tỷ đồng đối với Sabeco bằng hình thức trích tiền từ tài khoản. Một số nguồn tin ghi nhận, Cục thuế Tp.HCM đã không thể cưỡng chế vì tài khoản của Sabeco không còn tiền, Sabeco cũng đã có công văn gửi lên Cục thuế Tp.HCM, đăng tải thông tin lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), HoSE bày tỏ sự không đồng ý với quyết định này. Ngày 3.1.2019, Sabeco chính thức thông tin được Thủ tướng chỉ đạo dừng cưỡng chế truy thu thuế.
Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakd
Ngay sau đó, ThaiBev liền tiến hành tái cơ cấu khoản vay của BeerCo (công ty con 100% thuộc sở hữu của ThaiBev) cho Công ty TNHH Vietnam Beverage nhằm mua cổ phần Sabeco hồi tháng 12.2017. Đây là động thái tiếp nối động thái ngày 3.12.2018 – Sabeco được chấp thuận nới tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 100%. Được biết, việc chuyển đổi khoản vay nói trên sẽ giúp giảm tổng nợ quốc gia của Việt Nam gần 5 tỷ USD, Vietnam Beverage "sau một đêm" trở thành công ty ngoại lớn nhất cả nước.
Hiện tại, ThaiBev đã chính thức sở hữu trực tiếp hơn 53,59% vốn của Sabeco và biến công ty bia lớn nhất Việt Nam thành công ty nước ngoài. Bộ Công Thương hiện vẫn giữ 36% vốn ứng với 230 triệu cp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.