Toạ đàm “Làm thế nào để kinh doanh hiệu quả với thị trường Trung Quốc” do VCCI tổ chức ngày 19.5.2017, tại TP Cần Thơ, ông Phan Hoài Phong, cơ sở Hương Miền Tây buôn bán với thương lái Trung Quốc, nói rằng thương lái Trung Quốc đến đặt hàng ngày càng tăng từ đầu năm 2016, mỗi ngày ông tiếp 14 – 15 đoàn khách.
Buôn bán nhỏ lẻ ngay tại biên giới Việt – Trung, cho tới nay thực sự chưa có làm ăn giữa những doanh nghiệp lớn với nhau.
Kinh nghiệm “làm ăn” với Trung Quốc, theo ông Phong, tiền bạc thanh toán phải sòng phẳng, rõ ràng. “Họ rất mánh khi ấn định ngày giao hàng là thứ năm, thứ sáu, nhưng không chịu chuyển tiền với lý do thứ bảy, chủ nhật ngân hàng không làm việc, để hàng về biên giới rồi mặc cả”, ông Phong nói.
Thương nhân Trung Quốc cho rằng hàng hoá Việt Nam có chất lượng, khối lượng không ổn định, chỉ là nguồn cung bổ sung khi thị trường bên ấy khi thiếu hụt. Doanh nghiệp nhỏ Trung Quốc chỉ khai thác mậu dịch biên giới nhỏ lẻ, không tạo mối quan hệ lâu dài để đem lại lợi ích đôi bên. Thị trường Việt Nam chưa sẵn sàng xây dựng kế hoạch làm ăn lâu dài với doanh nghiệp Trung Quốc do thời cơ chưa đến…
Ông Phan Chánh Dưỡng, chuyên gia kinh tế, nhấn mạnh: doanh nghiệp lớn của Trung Quốc chưa có mối quan hệ gắn bó với thị trường Việt Nam, và doanh nhân lớn của Việt Nam cũng không quan tâm nhiều đến thị trường Trung Quốc.
Theo ông Dưỡng, doanh nghiệp Việt Nam chỉ khai thác lợi ích kinh doanh từ nguyên phụ liệu, máy móc giá rẻ của Trung Quốc. Doanh nhân biết thị trường Trung Quốc lớn, hấp dẫn nhưng đầy rủi ro do chưa có pháp lý đảm bảo hoạt động kinh doanh lâu dài, nên không hoặc chưa phải là thị trường mục tiêu hiện nay.
Đối với làn sóng du khách từ Trung Quốc, tâm lý của họ thường nghĩ Việt Nam là nước láng giềng có quan hệ lịch sử lâu đời, có văn hoá xã hội gần gũi, kinh tế phát triển nhanh. Sản phẩm nông, thuỷ sản phong phú, món ăn ngon, giá rẻ, cảnh quan bờ biển đẹp... Do đó, họ dễ dàng trở thành thương lái nhỏ khi nhận ra cơ hội làm ăn (khai thác chênh lệch giá và kinh doanh theo thời vụ) theo đường tiểu ngạch là chính. Điều này gây ra nhiều phản cảm cho đôi bên.
“Thương lái mua sản phẩm dựa trên chênh lệch giá và đẩy qua đến biên giới – kiểu làm ăn chụp giật. Chúng ta đang khổ sở vì loại “doanh nhân” này, nhưng lại không có cách nào khác để gặp ông doanh nhân thực sự”. Một thị trường ngầm (tiêu cực) hình thành cho nền kinh tế nước ta”, chuyên gia Phan Chánh Dưỡng khẳng định.
Theo ông Dưỡng, các doanh nhân Việt Nam cần có kế hoạch tìm hiểu, nắm bắt thị hiếu, độ lớn của thị trường từng vùng của Trung Quốc, xây dựng đầu mối giao dịch ngay tại cửa khẩu (khu ngoại quan), mạng lưới cung ứng hàng phải đến tận nơi tiêu thụ; phát triển logistics tổng hợp nhằm giảm chi phí và rủi ro;...
“Mời gọi hợp tác với những người có tay nghề chế biến của Trung Quốc đến Việt Nam cùng các doanh nghiệp, xí nghiệp Việt Nam tạo ra sản phẩm phù hợp tiêu dùng của người Trung Quốc, nâng giá trị hàng xuất khẩu của ta; khuyến khích doanh nghiệp lớn Trung Quốc hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong việc khai thác thị trường Trung Quốc, cũng như thế giới”, theo ý kiến chuyên gia Phan Chánh Dưỡng.
Ông Phong chia sẻ: “Khi mình giao hàng chất lượng đàng hoàng, đúng tiêu chuẩn HACCP, có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, có phiếu kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm… Họ thấy không thể mánh được thì sẽ làm việc sòng phẳng, ít dám trở mặt”.
“Nên phân tích làm ăn với ông nào lời, làm ăn với ông nào lỗ, tại sao lỗ, tại sao lời và tỉnh táo làm lại. Hãy khẳng định thương hiệu của ta với một thị trường lớn nhất và bán giữ mối ở thị trường thứ hai, thứ ba…Phải hiểu rằng nội dung quyết định thương hiệu chứ không phải hình thức hay logo”, ông Dưỡng chia sẻ.
Hà My (Thế Giới Tiếp Thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.