Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Thanh tra Chính phủ, các Bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính cùng UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc xin ý kiến đối với kết quả thanh tra toàn diện dự án Khu nhà ở cho người thu nhập thấp (The Diamond Park) tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội.
Theo đó, Văn phòng Chính phủ đề nghị Thanh tra Chính phủ, các Bộ và UBND tỉnh Vĩnh Phúc có ý kiến bằng văn bản về nội dung báo cáo của UBND TP.Hà Nội kết quả thanh tra toàn diện dự án The Diamond Park và gửi Văn phòng Chính phủ để tổng hợp báo cáo Thủ tướng.
Tuy có tên gọi là Dự án Khu nhà ở cho người thu nhập thấp (The Diamond Park) nhưng năm 2008, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt nội dung đầu tư dự án đa phần diện tích là xây dựng nhà biệt thự và nhà liền kề (chiếm 70,92% tổng điện tích đất ở)… gây bức xúc.
Trước đó, UBND TP.Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thanh tra toàn diện dự án The Diamond Park tại huyện Mê Linh do Công ty cổ phần Tập đoàn VIDEC làm chủ đầu tư và chỉ ra hàng loạt sai phạm của Videc cùng với đó là sai phạm của các sở ngành thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.
Trong báo cáo kết quả thanh tra toàn diện dự án Khu nhà ở cho người thu nhập thấp (The Diamond Park) vừa gửi Thủ tướng, UBND TP.Hà Nội cho biết, dự án có tên xây dựng nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp nhưng quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc vẫn đồng ý cho Tập đoàn Videc làm nhà liền kề, biệt thự.
Theo UBND TP.Hà Nội, quá trình chuẩn bị và thực hiện đầu tư chủ yếu diễn ra khi huyện Mê Linh thuộc Vĩnh Phúc. Khi thanh tra, hồ sơ dự án không còn lưu giữ tại tỉnh Vĩnh Phúc. Hồ sơ lưu tại chủ đầu tư và các sở thuộc UBND TP Hà Nội nhận bàn giao từ Vĩnh Phúc không đầy đủ.
UBND TP.Hà Nội cũng cho biết, qua xem xét hồ sơ, đoàn thanh tra liên ngành phát hiện sau khi huyện Mê Linh hợp nhất về Hà Nội, quá trình thực hiện dự án còn hạn chế của chủ đầu tư.
Cụ thể, về việc huy động vốn, từ năm 2010 đến 2018, chủ đầu tư đã thực hiện việc huy động vốn trái quy định của pháp luật hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, năm 2010, trước khi GPMB và chưa xây dựng hạ tầng, chủ đầu tư đã ký 74 hợp đồng huy động vốn giá trị hợp đồng tới 86 tỷ đồng, đến thời điểm thanh tra đã thu gần 80 tỷ đồng.
Đến năm 2013, chủ đầu ký Hợp đồng hợp tác đầu tư với nhà đầu tư cá nhân 02 căn nhà liền kề tổng giá trị hợp đồng là hơn 1,3 tỷ đồng, đến thời điểm thanh tra đã thu hơn 515 triệu đồng khi chưa được phê duyệt lại dự án và không có báo cáo sở Xây dựng là vi phạm Nghị định số 71/2010/NĐ- CP ngày 23/6/2010 của Chính phủ.
Riêng trong năm 2017, 2018, chủ đầu tư ký 87 hợp đồng mua bán với các hộ dân (bao gồm cả giá trị xây dựng) tổng giá trị hợp đồng hơn 226,3 tỷ đồng, đến thời điểm thanh tra đã thu gần 89,5 tỷ đồng khi chưa điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, chưa thông báo nhà ở đủ điều kiện bán… vi phạm Khoản 1, 2, Điều 55 Luật Kinh doanh Bắt động sản năm 2014.
Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) không niêm yết công khai, lấy ý kiến của các hộ dân, theo UBND TP Hà Nội, cũng chưa đúng quy định. Chủ đầu tư đã thi công một số hạng mục, công trình hạ tầng trước khi được Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 và chấp thuận đầu tư. Quá trình thi công không có sự giám sát của UBND huyện Mê Linh.
Về tiến độ thực hiện dự án, UBND TP.Hà Nội nhận định, bên cạnh nguyên nhân khách quan, dự án chậm tiến độ còn do chủ đầu tư lập nhiệm vụ, đồ án chưa đảm bảo chất lượng, phải chỉnh sửa bổ sung 2 lần. Năng lực của chủ đầu tư cũng chưa đáp ứng được điều kiện quy định khi chỉ có vốn chủ sở hữu 20 tỷ đồng vào năm 2007, không đạt 20% tổng mức đầu tư là 134 tỷ.
Ngoài ra, kết quả thanh tra TP.Hà Nội chỉ ra, không chỉ lộ loạt sai phạm của chủ đầu tư, UBND TP.Hà Nội đã có kết luận nội dung sai phạm của các sở ngành thuộc Vĩnh Phúc như phê duyệt dự án, phê duyệt quy hoạch, chỉ định chủ đầu tư, năng lực chủ đầu tư,... Do đó, UBND TP.Hà Nội cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc rà soát thủ tục đầu tư xây dựng dự án trước ngày 1/8/2008./.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.