Dự án triệu đô, để truy xuất nguồn gốc lợn, gà

Thuận Hải Thứ bảy, ngày 17/12/2016 06:45 AM (GMT+7)
Với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 50 triệu USD, trang trại chăn nuôi Hùng Nhơn, Công ty TNHH De Heus Việt Nam và một số đối tác ngành chăn nuôi đã cùng hợp tác xây dựng chuỗi chăn nuôi an toàn, truy xuất được nguồn gốc.
Bình luận 0

Sau thịt heo, người tiêu dùng cả nước có thể truy xuất được nguồn gốc thịt gà, trứng và một số loại rau quả, trái cây…

1.200 tỷ đồng truy xuất nguồn gốc heo, gà

Theo nội dung bản ghi nhớ giữa Công ty TNHH thương mại Xuất khẩu tổng hợp và dịch vụ Hùng Nhơn (xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) và Công ty TNHH De Heus (có trụ sở tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương), hai bên sẽ cùng nhau xây dựng và phát triển chuỗi chăn nuôi khép kín từ giai đoạn con giống đến thành phẩm.

img

Trang trại chăn nuôi của Hùng Nhơn. ảnh: Thuận Hải

Sẽ có 6 sản phẩm nông sản được xây dựng trong chuỗi dự án “Thung lũng thực phẩm an toàn” ở tỉnh Bình Phước và Đồng Nai, gồm thịt heo, thịt gà, trứng gà, rau củ quả, một số loại trái cây và phân bón. Sản lượng dự kiến bao gồm 3 triệu con gà thịt và 1 triệu con gà đẻ, 1.600 con heo nái và 15.000 heo thịt mỗi năm, sản xuất và cung cấp rau, củ, quả với sản lượng 900 tấn/năm.

Ông Vũ Mạnh Hùng – Giám đốc Công ty Hùng Nhơn cho biết, với mục tiêu cung cấp thực phẩm sạch, an toàn và có truy xuất nguồn gốc cho thị trường Việt Nam và xuất khẩu, tổng giá trị dự kiến đầu tư cho chương trình là 50 triệu USD, tương đương 1.200 tỷ đồng.

Tham gia vào dự án, De Heus sẽ đảm nhiệm vai trò làm việc với các đối tác cung cấp đầu vào cho chuỗi như gà giống, heo giống, thức ăn…, đảm bảo chuỗi thực phẩm này có được đầu vào. De Heus cũng tham gia kiểm soát chuỗi từ con giống cho tới khi thành phẩm tới tay người tiêu dùng. Doanh nghiệp này cũng sẽ bố trí đội ngũ nhân viên có kinh nghiệm để hỗ trợ kịp thời cho Hùng Nhơn trong việc nuôi, trồng và quản lý chuỗi theo cam kết giữa hai bên.

Ngoài ra, chương trình sẽ có sự tham gia đồng hành của các công ty chuyên tư vấn quản lý thực phẩm sạch và các công ty chuyên cung cấp con giống có chất lượng như Công ty TNHH Bel Gà (Vương quốc Bỉ)…

Hướng tới thị trường xuất khẩu

Truy xuất phân bón thật - giả bằng smartphone
Ngoài các sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt, trong năm 2017, Hùng Nhơn sẽ áp dụng công nghệ barcode (quét mã vạch) để truy xuất nguồn gốc phân bón, phân biệt sản phẩm thật – giả của doanh nghiệp này. Sẽ có 40.000 tấn phân bón hữu cơ của Hùng Nhơn được kiểm soát bằng việc quét mã vạch bằng điện thoại thông minh (smartphone).

Cùng với việc cung cấp thực phẩm sạch, truy xuất được nguồn gốc, dự án “Thung lũng thực phẩm an toàn” cũng đặt ra mục tiêu xuất khẩu ức gà trong 1 – 2 năm tới.

Ông Gabour Fluit – Tổng Giám đốc Công ty TNHH De Heus, cho rằng, thị trường gà trắng (gà công nghiệp) tại Việt Nam hiện đang phải cạnh tranh rất khốc liệt với các sản phẩm nhập khẩu, giá các sản phẩm gà công nghiệp nhập khẩu tại Việt Nam đang ở mức rất thấp. Do đó, nếu không thay đổi được hệ thống chăn nuôi cũng như hệ thống luật pháp về xuất nhập khẩu sản phẩm gia cầm thì trong thời gian tới, Việt Nam có thể mất thị trường gà trắng vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.

Tuy nhiên, ông Fluit tự tin khẳng định rằng, một khi dự án cung cấp thực phẩm sạch giữa Hùng Nhơn, Deheus và các bên đi vào thực hiện, các bên mong muốn không chỉ đáp ứng nguồn cung thực phẩm sạch, có truy xuất nguồn gốc cho thị trường nội địa mà còn có thể xuất khẩu được ức gà Việt Nam trong tương lai gần.

Trả lời thắc mắc về các thủ tục thú y đang là rào cản cho xuất khẩu thịt gà của Việt Nam, ông Fluit cho rằng, ông tin Việt Nam và các nước sẽ sớm có được những thỏa thuận về kiểm dịch, thú y cho xuất khẩu. Hiện tại, Bộ NNPTNT cùng cơ quan thú y trong nước đang đàm phán với Nhật Bản, Nga cũng như các nước EU để đi tới thỏa thuận về thú y giữa các bên.

Song song với quá trình đàm phán, giải quyết các vấn đề về rào cản kỹ thuật giữa các nước, doanh nghiệp cũng phải sẵn sàng nguồn hàng đạt chất lượng quốc tế. Mục tiêu là ngay khi có giấy phép xuất khẩu thì có thể xuất hàng đi được ngay. “Nếu chần chừ, chờ khi có giấy phép rồi mới chuẩn bị nguồn hàng, tức phải tốn thêm 2 – 3 năm nữa là thua ngay” - ông Fluit nhấn mạnh.

Còn theo ông Hùng, việc đầu tư truy xuất nguồn gốc cho chăn nuôi tốn chi phí rất lớn, tuy nhiên, đây là xu thế tất yếu và là yêu cầu của thị trường trong tương lai. Thời gian đầu khi đầu tư, các trang trại có thể sẽ tốn kém nhiều. Tuy nhiên, sau khi các trang trại đã đi vào nề nếp, đạt chứng nhận GlobalGAP thì việc phát triển sẽ bền vững, chi phí giảm và đảm bảo lợi nhuận cho các bên. /.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem