Xuất khẩu gạo đến... cạn kho

Thuận Hải Thứ hai, ngày 18/01/2016 10:55 AM (GMT+7)
Xuất khẩu gạo tăng trưởng vượt bậc 2 tháng cuối năm giúp giải phóng gần như toàn bộ lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp (DN).
Bình luận 0

Các đơn hàng xuất khẩu gối đầu sang quý I.2016 cũng khá dồi dào. Cùng với đó, nhiều DN xuất khẩu, kinh doanh lúa gạo đã xây dựng được nhãn hiệu gạo ngon, an toàn, hướng tới xây dựng thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam.

Ngược dòng ngoạn mục

Ông Huỳnh Minh Huệ - Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) - cho biết, xuất khẩu gạo trong năm 2015 đã ngược dòng ngoạn mục những tháng cuối năm. Tuy nhiên, dù tăng về lượng, giá trị kim ngạch mang lại từ xuất khẩu gạo vẫn giảm, do giá giảm sâu.

img

Đưa gạo lên tàu xuất khẩu, tại cảng Sài Gòn.  Ảnh:   T.H

Cụ thể, năm 2015, cả nước xuất khẩu hơn 6,56 triệu tấn gạo các loại, tăng 4% so với cùng kỳ 2014. Tuy nhiên, trị giá FOB (giá tại cửa khẩu bên xuất) đạt 2,68 tỷ USD, giảm khoảng 4% so với cùng kỳ năm trước, do giá xuất khẩu bình quân chỉ đạt khoảng 408 USD/tấn, giảm đến 33,7 USD/tấn so với 2014.

Ngoài ra, theo số liệu của VFA, số lượng gạo xuất khẩu qua biên giới có đăng ký hợp đồng khoảng 300.000 tấn, lượng gạo chuyển từ ĐBSCL ra miền Bắc để xuất khẩu sang biên giới Trung Quốc ước khoảng 1,5 triệu tấn. Năm 2015, Việt Nam tiếp tục xếp thứ ba toàn thế giới, sau Thái Lan với hơn 9,5 triệu tấn và Ấn Độ với 10,2 triệu tấn.

Nhận xét tình hình xuất khẩu gạo năm 2015 và quý I.2016, ông Huỳnh Thế Năng – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II) - Chủ tịch VFA cho biết, năm 2015 khởi đầu là năm khó khăn cho hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam do thị trường trầm lắng, cạnh tranh quyết liệt. Đến cuối tháng 10.2015, lượng lúa gạo tạm trữ tại các địa phương cũng không bán hàng ra được.

Tuy nhiên, quý IV đột phá, xuất khẩu gạo lội ngược dòng, giải quyết được hơn 1,5 triệu tấn gạo tồn kho của các DN, thông qua 2 hợp đồng tập trung lớn với Philippines và Indonesia. Do đó, kết thúc năm 2015, các DN chỉ còn tồn kho khoảng 300.000–400.000 tấn gạo các loại, giảm mạnh so với mức 800.000–1 triệu tấn những năm trước.

Cũng theo ông Năng, các hợp đồng phải giao hàng trong quý I.2016 đến 1,2 triệu tấn gạo các loại. Trong khi đó, vụ đông xuân 2016 thu hoạch chưa nhiều, số lượng hạn chế, ông Năng cho rằng để có đủ hàng giao cho đối tác, việc tiêu thụ lúa gạo trong nước cho nông dân những tháng tới khá tốt, giá cao.

“Hiện giá thu mua gạo trong nước của các DN đã cao hơn so với Thái Lan ở mức 10USD/tấn, cao hơn Ấn Độ vài chục USD mỗi tấn. Do đó, đây là khó khăn đầu tiên DN kinh doanh, xuất khẩu gạo Việt Nam phải đối mặt trong quý đầu năm nay”- ông Năng nhận định. 

Đảm bảo chất lượng  “chuẩn quốc tế”

  Theo khảo sát của VFA, trên 54 DN thành viên, hiện đã có 100 nhãn hiệu gạo các loại được xây dựng, được người tiêu dùng trong nước chấp nhận nhờ chất lượng đảm bảo, giá cả cạnh tranh.

Theo các DN, trước mắt, DN kinh doanh gạo hướng tới thị trường trong nước với lượng tiêu thụ xấp xỉ 11 triệu tấn mỗi năm, sau đó, hướng tới xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam xuất khẩu.

Trong khi tình hình xuất khẩu có phần khả quan, tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2015 của VFA tổ chức vừa qua, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc BVTV trong sản phẩm gạo Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Tiến - Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex), cho rằng Việt Nam đang đi đúng hướng khi tích cực đẩy mạnh xuất khẩu gạo thơm, gạo trắng cao cấp trong năm 2015.

Tại những thị trường chuộng gạo trắng chất lượng thấp trước đây như Trung Quốc và châu Phi cũng đã tăng dần nhu cầu gạo thơm và gạo cao cấp, kể cả xuất khẩu qua biên mậu.

Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng, vấn đề các DN xuất khẩu gạo cần đảm bảo tuân thủ trong thời gian tới là chất lượng gạo, các vấn đề liên quan tới tồn dư thuốc BVTV… Cũng theo ông Tiến, đã xảy ra vài vụ liên quan tới vấn đề chất lượng gạo xuất khẩu, đánh động các đối tác nhập khẩu gạo Việt Nam.

“Hiện nay, Việt Nam đã tham gia vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP, cũng như nhiều hiệp định tự do thương mại khác. Nếu không giải quyết được vấn đề tồn dư kháng sinh, hóa chất trong sản phẩm thì nguy cơ thua ngay trên sân nhà là rất lớn, kế cả mặt hàng gạo”- ông Tiến nhấn mạnh. Ông Huỳnh Văn Thòn – Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời thì cho rằng Việt Nam đang tích cực xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu, do đó, cần đặc biệt quan tâm tới chất lượng sản phẩm.

Hiện tại, Tập đoàn Lộc Trời đã tham gia vào chuỗi sản xuất lúa gạo bền vững (gọi tắt là SRP) của Liên Hợp Quốc và Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) vừa công bố. Chương trình này bao gồm 46 tiêu chí để sản xuất lúa gạo bền vững trên toàn cầu.

“Nếu làm tốt 46 tiêu chí này thì sẽ xây dựng được thương hiệu lúa gạo ra thị trường quốc tế. Đây là bộ tiêu chí quốc tế, nông dân tham gia không phải đóng góp tiền phí hay phải chứng nhận, tái chứng nhận như các chứng chỉ VietGAP, GlobalGAP…”- ông Thòn khẳng định. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem