Thứ trưởng Bộ GTVT đã "biến tướng" BOT Cai Lậy như thế nào?

Hữu Danh Chủ nhật, ngày 20/08/2017 10:17 AM (GMT+7)
Trong tất cả các văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về dự án tuyến tránh Cai Lậy, Bộ GTVT không đả động gì đến cụm từ “tăng cường mặt đường quốc lộ 1”, thời gian thu phí cũng được Bộ này “kê” lên 20 năm nhưng thực tế rút còn 1/3 nên phí thu buộc phải tăng để hoàn vốn...
Bình luận 0

Kiến nghị một đằng...

Theo hồ sơ, năm 2009, Bộ Giao thông Vận tải lập dự án đầu tư tuyến tránh Quốc lộ 1 qua thị trấn Cai Lậy (nay là thị xã Cai Lậy, Tiền Giang) và được Chính phủ đồng ý.

Đến tháng 9.2013, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể (hiện là Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng) ký quyết định công bố dự án tuyến tránh Quốc lộ 1 qua thị trấn Cai Lậy theo hình thức BOT dài 12km, tổng kinh phí 1.700 tỷ đồng. Ba tháng sau, theo tờ trình của Tổng cục Đường bộ, ông Thể ký tiếp quyết định phê duyệt dự án tuyến tránh và thay đổi tên "Dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang" thành "Dự án đầu tư xây dựng công trình Quốc lộ 1 qua đoạn tránh thị trấn Cai Lậy và tăng cường mặt đường theo hình thức hợp đồng BOT".

img

Tuyến tránh Quốc lộ 1 qua thị trấn Cai Lậy. Ảnh: H.D

Trong các văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, ông Thể “lờ” đi cụm từ “tăng cường mặt đường theo hình thức hợp đồng BOT” và Chính phủ đã có những văn bản đồng ý chỉ cho phép làm đường tránh theo hình thức BOT.

Cụ thể, ngày 20.9.2013, ông Thể ký văn bản về việc đầu tư tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy theo hình thức BOT với nội dung: "Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đấu tư Dự án tuyến tránh Cai Lậy theo hình thức BOT như sau: Quyết định số 06/2011/QĐ-TTg ngày 21.1.2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch GTVT vùng kinh tế trọng điểm phía nam đến năm 2020 và định hướng 2030 đã xác định xây dựng tuyến tránh Cai Lậy dài 12km, quy mô 4 làn xe.

Hiện tại, quốc lộ 1 đoạn qua Cai Lậy (km1987+528 đến km1998+665) có quy mô 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, lưu lượng xe lưu thông qua tuyến rất lớn (>20.000 xe quy đổi ngày/đêm) thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông. Ngay từ năm 2009, Bộ GTVT đã cho phép lập dự án tuyến tránh. Tuy nhiên do nguồn vốn khó khăn nên dự án chưa được triển khai. Thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư, Bộ GTVT đã nghiên cứu đầu tư dự án theo hình thức BOT. Theo đó dự án có chiều dài 12km, mức đầu tư khoảng 1.700 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn khoảng 20 năm; dự kiến trạm thu phí cách trạm gần nhất (trạm An Sương - An Lạc) khoảng 80km, đảm bảo khoảng cách theo quy định hiện hành. UBND tỉnh Tiền Giang đã có văn bản thống nhất kiến nghị đầu tư dự án tuyến tránh Cai Lậy theo hình thức BOT.

Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Đề án mở rộng quốc lộ 1 giai đoạn 2012-2020 đã chỉ đạo "... các đoạn đã mở rộng, một số đoạn qua đô thị đã có quy mô 4 làn cho xe cơ giới hoặc tuyến tránh sẽ xem xét ở bước sau”.

Tuy nhiên, QL1 qua thị trấn Cai Lậy với quy mô như trên không đáp ứng được nhu cầu vận tải hiện tại cũng như trong tương lai, kể cả khi có tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (dự kiến năm 2020). Do vậy, để giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại, phục vụ phát triển kinh tế xã hội khu vực nói chung và thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang nói riêng, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai đầu tư dựng tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua thi trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang theo hình thức BOT và tổ chức thực hiện theo cơ chế của các dự án đầu tư quốc lộ 1 từ Hà Nội - Cần Thơ đang triển khai.

Làm một nẻo!

Sau khi ông Thể gửi văn bản, 10 ngày sau, vào ngày 30.9.2013, VPCP có văn bản gửi Bộ KHĐT, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Tiền Giang có ý kiến bằng văn bản về đề nghị của Bộ GTVT về những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý và gửi về VPCP trước ngày 12.10.2013.

img

Trạm thu phí BOT Cai Lậy. Ảnh: H.D

Đến ngày 15.1.2014, Thủ tướng Chính phủ có văn bản 97/TTg-KTN (do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký thay) nội dung: “Đồng ý về nguyên tắc việc áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án BOT tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đáp ứng yêu cầu hoàn thành đồng bộ toàn tuyến quốc lộ 1. Bộ GTVT chịu trách nhiệm toàn diện việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, bảo đảm đúng quy định hiện hành”.

Như vậy, có thể thấy là trước khi ông Thể kiến nghị bằng văn bản, Thường trực Chính phủ đã có thông báo chỉ đạo rõ là "... các đoạn đã mở rộng, một số đoạn qua đô thị đã có quy mô 4 làn cho xe cơ giới hoặc tuyến tránh sẽ xem xét ở bước sau”.

Sau khi được Thủ tướng đồng ý, đối chiếu với văn bản do ông Thể ký gửi Thủ tướng thì việc thực hiện dự án đã thay đổi hoàn toàn. Cụ thể, cụm từ “tăng cường mặt đường quốc lộ 1” đã được Bộ này tự “điều chỉnh” đưa vào dự án để có cớ cho nhà đầu tư đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1; tiếp đến, thời gian thu phí “20 năm” (tương tự những dự án BOT khác) đã rút ngắn còn chưa đến 1/3 đồng nghĩa phí thu phải tăng lên gấp 3 lần; Bộ nói làm tuyến tránh có đến 4 làn xe (quy mô như quốc lộ 1) nhưng thực tế chỉ có 2 làn xe cơ giới và không có cả hành lang an toàn; báo cáo này nói rằng trạm phí cách trạm An Sương - An Lạc 80km nhưng hiện nay, xe cộ đi đường cao tốc Trung Lương - TPHCM và trạm gần nhất (trạm Thân Cửu Nghĩa) chỉ cách trạm thu phí Cai Lậy chưa đầy 30km.

Ngoài ra, tất cả các báo cáo cũng như hợp đồng BOT đều thể hiện phải xây 7 cây cầu như thực tế hiện nay chỉ có 5 cây cầu được xây mới; vị trí đặt trạm cũng thay đổi so với ban đầu...

Nếu Bộ GTVT thực hiện theo đúng với những gì đã báo cáo với Thủ tướng, sẽ không có chuyện gây bức xúc xã hội dẫn đến “vỡ trận” BOT Cai Lậy như thời gian vừa qua.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem