1 triệu căn nhà ở xã hội và giấc mơ an cư của người thu nhập thấp
1 triệu căn nhà ở xã hội: Giải pháp nâng cao khả năng thụ hưởng cho người thu nhập thấp
Thái Nguyễn
Thứ tư, ngày 28/06/2023 06:00 AM (GMT+7)
Ngày 28/6, dưới sự chủ trì của Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã tổ chức hội thảo “1 triệu căn nhà ở xã hội: Giải pháp nâng cao khả năng thụ hưởng cho người thu nhập thấp”.
Ngày 03/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" (gọi tắt là Đề án), trong đó, Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành, địa phương giám sát việc triển khai thực hiện Đề án nhằm đảm bảo mục tiêu đã đề ra.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 1608/BXD-QLN ngày 24/4/2023 đôn đốc các địa phương triển khai các nhiệm vụ đã được giao tại Đề án.
Để "hiện thực hóa" Đề án, các Bộ, ngành đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, để hoàn thiện, ban hành Luật Nhà ở (sửa đổi) đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), pháp luật về Thuế, trong đó tập trung sửa đổi các cơ chế chính sách về nhà ở xã hội, trong đó quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng.
Cùng với đó, hoàn thiện các quy định về việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án; trình tự thủ tục thực hiện dự án; các cơ chế chính sách ưu đãi của nhà nước… Đồng thời có chính sách riêng về nhà lưu trú công nhân, nhà ở dành cho lực lượng vũ trang để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi phát triển.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.
Tổng hợp báo cáo của các địa phương, trong giai đoạn 2021-2025, hiện đã hoàn thành 19.516 căn, đang tiếp tục triển khai khoảng 288.500 căn. Như vậy, để hoàn thành mục tiêu ngắn hạn đến 2025, bên cạnh việc hoàn thành đầu tư xây dựng 288.500 căn hộ đang triển khai, thì phải mở mới và hoàn thành đầu tư xây dựng khoảng 120.000 căn.
Bộ Xây dựng cũng đặt ra nhiệm vụ trong thời gian tới, tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Tiếp tục làm việc với một số địa phương trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc việc triển khai nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng và các gói tín dụng cụ thể để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn từ 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank).
Trong đó, quyết tâm triển khai Đề án đã thu hút được sự quan tâm của xã hội, đặc biệt là người thu nhập thấp, người nông dân hoá công nhân, những người lao động nông thôn bị mất đất không có việc làm phải chuyển đổi nghề…
Đây là lý do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt thực hiện tổ chức hội thảo "1 triệu căn nhà ở xã hội: Giải pháp nâng cao khả năng thụ hưởng cho người thu nhập thấp".
Những vấn đề mà người thu nhập thấp quan tâm về việc tiếp cận vốn vay thế nào để mua nhà ở xã hội, điều kiện để người lao động tiếp cận và mua nhà ở xã hội, chính sách và giải pháp giảm giá thành cho người lao động nghèo ra sao, điều kiện để doanh nghiệp tham gia xây nhà xã hội được vay lãi suất thấp, những chính sách gì cần tiếp tục khai thông để Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội sớm đi vào hiện thực… sẽ được đưa ra tại hội thảo này.
Cụ thể, hội thảo "1 triệu căn nhà ở xã hội: Giải pháp nâng cao khả năng thụ hưởng cho người thu nhập thấp" sẽ lắng nghe các báo cáo tham luận của Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, các địa phương và chuyên gia. Bên cạnh đó, hội thảo sẽ thảo luận với 4 nội dung chính:
Nội dung 1: Vai trò của Bộ Xây dựng trong việc hướng dẫn và triển khai quy hoạch quỹ đất cũng như quy hoạch nhà ở xã hội đầy đủ hạ tầng để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người thu nhập thấp. Cần nghiêm chỉnh xử lý 20% quỹ đất khi chủ đầu tư không thực hiện cam kết.
Nội dung 2. Giải pháp thu hút chủ đầu tư tham gia dự án nhà ở xã hội. Trong đó, đề cập tới chính sách thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, chính sách lệ phí trước bạ; Bỏ quy định chủ đầu tư chỉ được hưởng tối đa 10% lợi nhuận đối với chủ đầu tư tham gia dự án nhà ở xã hội…
Nội dung 3. Các giải pháp, kế hoạch để gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hấp dẫn người vay và chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Nội dung 4. Đối tượng và điều kiện thụ hưởng khi tham gia đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội
Tham dự và phát biểu tại hội thảo, có lãnh đạo của Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước,… và Sở, ngành địa phương. Cùng với đó, lãnh đạo các doanh nghiệp và nhiều chuyên gia cũng sẽ đóng góp những ý kiến, giải pháp thiết thực để thúc đẩy Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030". Từ đó, giúp cho công nhân, nông dân, người thu nhập thấp sớm hiện thực hóa "giấc mơ an cư".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.