10 tỉnh bị điểm tên vì còn sai phạm trong khai thác thủy sản, là những tỉnh nào?

Khánh Nguyên Thứ hai, ngày 27/06/2022 06:00 AM (GMT+7)
Sau 5 năm triển khai chống hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), dù đã đạt được nhiều kết quả nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để tiến tới gỡ “thẻ vàng” IUU của Ủy ban châu Âu (EC).
Bình luận 0

Đã hoàn thiện hệ thống pháp luật để tiến tới gỡ thẻ vàng IUU

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), sau 5 năm triển khai các hoạt động chống khai thác IUU, đến nay, hệ thống pháp luật về thủy sản đã được hoàn thiện và cơ bản đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế, chống khai thác IUU; công tác quản lý đội tàu từng bước đi vào nền nếp, giảm dần số lượng tàu cá và nghề khai thác ảnh hưởng đến ngư trường nguồn lợi thủy sản để giảm cường lực khai thác.

Theo đó, Bộ NNPTNT đã phân bổ hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản ở vùng khơi, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển đã công bố hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản ở vùng ven bờ và vùng lộng. 

Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) cơ bản đã hoàn thiện đối với khối tàu từ 15m trở lên. Số lượng tàu cá đã thực hiện đánh dấu theo quy định là 88.545/91.716 tàu (đạt 96,5%).

Nhìn lại 5 năm chống khai thác IUU: Còn rất nhiều việc phải làm!  - Ảnh 1.

Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để tiến tới gỡ “thẻ vàng” IUU của Ủy ban châu Âu (EC). Trong ảnh: Ngư dân Bình Định đưa cá ngừ đại dương lên bờ. Ảnh: Dũ Tuấn

Từ quý IV/2021, Bộ đội Biên phòng đã làm thủ tục xuất, nhập bến cho 409.823 lượt tàu cá; tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá trước khi xuất bến đi khai thác phải đảm bảo đầy đủ giấy tờ, trang thiết bị, lao động trên tàu theo quy định.

Từ quý IV/2021, Bộ đội Biên phòng đã làm thủ tục xuất, nhập bến cho 409.823 lượt tàu cá; tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá trước khi xuất bến đi khai thác phải đảm bảo đầy đủ giấy tờ, trang thiết bị, lao động trên tàu theo quy định.

Tính đến ngày 16/6/2022, công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đạt 93,4% (28.079/30.074 tàu).

Việc thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác tại vùng biển Việt Nam được kiểm soát theo chuỗi qua cơ chế xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác hải sản đảm bảo thống nhất với hồ sơ kiểm soát tàu ra vào cảng. 

Năm 2021 cấp được 3.300 giấy chứng nhận với 43.998 tấn sang các thị trường yêu cầu chứng nhận khai thác, trong đó xuất khẩu vào thị trường EU được 2.715 giấy với khối lượng đạt 31.881 tấn. 

Từ đầu năm 2022 đến ngày 15/6/2022, đã cấp 1.581 giấy với khối lượng đạt 21.389 tấn. Tính đến tháng 6/2022 tất cả các lô hàng thủy sản khai thác được xác nhận cam kết đều được thông quan, chưa có lô hàng nào có vướng mắc hoặc trả về do nguyên nhân xác nhận cam kết IUU.

Đáng chú ý, theo Tổng cục Thủy sản, đến nay đã ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương; từ quý IV/2021 đến nay, đã kịp thời ngăn chặn, yêu cầu 210 tàu cá vi phạm vùng biển các nước trong khu vực quay về vùng biển Việt Nam.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm ở các nước trong khu vực vẫn tiếp tục xảy ra, có giảm so với trước nhưng chưa có dấu hiệu chấm dứt. Từ đầu năm 2022 đến nay, tiếp tục xảy ra 35 vụ/50 tàu/449 ngư dân tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Bình Định, Bình Thuận, Tiền Giang, Khánh Hòa, Bạc Liêu, Bà Rịa Vũng Tàu, Quảng Ngãi bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.

Không chấm dứt vi phạm ở vùng biển nước ngoài, khó gỡ "thẻ vàng" IUU

Ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, phía EC khẳng định, nếu không ngăn chặn, chấm dứt được tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài sẽ không gỡ cảnh báo "thẻ vàng" IUU.

Do vậy, để gỡ cảnh báo "thẻ vàng" IUU, Bộ NNPTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo người đứng đầu các ban, bộ, ngành T.Ư có liên quan và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư ven biển đề cao trách nhiệm, trực tiếp chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, sâu sát hơn nữa, hiệu quả hơn nữa để chống khai thác IUU có kết quả, thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ, của Ban chỉ đạo quốc gia về IUU, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách cần tập trung nguồn lực tổ chức triển khai thực.

Bộ Quốc phòng chủ trì cùng với Bộ Công an và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tập trung triển khai các giải pháp kiên quyết xử lý, ngăn chặn triệt để tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. 

Điều tra, xử lý, xử phạt dứt điểm hành vi cố tình hoặc các tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư ven biển khẩn trương rà soát, thực hiện cấp giấy phép khai thác thủy sản, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho tàu cá, đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá.

Thực hiện nhập dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia theo quy định để đáp ứng yêu cầu việc tra cứu thông tin, quản lý tàu cá ra vào cảng cá.

Bộ NNPTNT cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét, sớm phê duyệt đề án "Phòng, chống khai thác IUU đến năm 2025" để nâng cao năng lực, triển khai toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống khai thác IUU, sớm gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của EC. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem