12 dư chấn liên tiếp sau trận động đất 5.3 độ richte ở Sơn La, Thủ tướng chỉ đạo khẩn
Chưa từng có: Xuất hiện 12 dư chấn sau trận động đất lớn ở Sơn La, có thể còn tiếp diễn
Khánh Nguyên
Thứ ba, ngày 28/07/2020 18:56 PM (GMT+7)
Khoảng 17.24 phút ngày hôm nay 28/7, trên địa bàn huyện Mộc Châu (Sơn La) lại tiếp tục ghi nhận một trận động đất nhỏ. Như vậy, sau trận động đất mạnh 5.3 độ richte, chỉ trong 2 ngày Mộc Châu đã ghi nhận thêm 12 dư chấn.
Theo Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu, trong chiều nay lại tiếp tục xuất hiện những dư chấn của trận động đất có độ lớn 5.3 độ richte trên địa bàn huyện Mộc Châu (Sơn La) ngày 27/7.
Cụ thể, trận động đất thứ 12 trên địa bàn huyện Mộc Châu, Sơn La xảy ra vào lúc 10 giờ 24 phút 46 giây (GMT) ngày 28/7/2020, tức 17 giờ 24 phút 46 giây ngày 28/7/2020 (giờ địa phương).
Tọa độ trận động đất: 20.937N-104.698E Độ sâu khoảng 12.1 km Độ lớn: M=2.8. Cấp độ rủi ro thiên tai: 0.
Trận động đất thứ 13 xuất hiện ở Mộc Châu vào lúc 11 giờ 08 phút 04 giây (GMT), ngày 28/7/2020, tức 18 giờ 08 phút 04 giây, ngày 28/7/2020 (giờ địa phương). Tọa độ: 20.916N-104.736E Độ sâu: khoảng 8.1 km Độ lớn: M=3.5. Cấp độ rủi ro thiên tai: 0.
Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, đây đều là những dư chấn từ trận động đất có độ lớn 5,3 ngày hôm qua.
"Có thể những dư chấn này vẫn còn tiếp diễn, cần phải theo dõi thêm" - ông Xuân Anh khẳng định.
Trước đó, vào 12 giờ 15 phút ngày 27/7 trên địa bàn huyện Mộc Châu (Sơn La) đã xảy ra động đất có độ lớn 5,3 tại tọa độ 22,83 độ vĩ Bắc, 104,65 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 14,0 km, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4, gây thiệt hại đáng kể về nhà ở, cơ sở hạ tầng; tiếp sau đó đã xảy ra nhiều đợt dư chấn động đất với độ lớn 3,0-4,0 ở khu vực này.
Trước diễn biến của động đất trên địa bàn tỉnh Sơn La, ngày hôm nay 28/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục có công điện số 999/CĐ-TTg yêu cầu UBND các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình tiếp tục thông tin kịp thời về động đất và dư chấn động đất cho nhân dân, tránh tâm lý hoang mang, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Tổ chức kiểm tra, đánh giá thiệt hại do động đất, chủ động bố trí chỗ ở tạm cho các nhà bị hư hại, không đảm bảo an toàn; bố trí ngân sách và huy động các nguồn lực hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, ổn định cuộc sống; khắc phục cơ sở hạ tầng bị thiệt hại, đặc biệt là trường học, trạm y tế.
Chỉ đạo kiểm tra các công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các hồ đập thủy lợi, thủy điện, kịp thời phát hiện, khắc phục các sự cố, hư hỏng để bảo đảm an toàn công trình.
Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo kiểm tra, triển khai công tác bảo đảm an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập lớn (Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu, Bản Chát, Huội Quảng) tại khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng của động đất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.