3 nhiệm kỳ Đại hội Đảng nào không cơ cấu nhân sự Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương?

PVCT Thứ tư, ngày 20/01/2021 11:26 AM (GMT+7)
Trong lịch sử các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc (viết tắt Đại hội) của Đảng Cộng sản Việt Nam, có 3 nhiệm kỳ Đại hội không cơ cấu nhân sự Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Bình luận 0

Ở nhiệm kỳ Đại hội I (1935-1951), Ban Chấp hành Trung ương có 24 Ủy viên chính thức, có 5 Ủy viên Dự khuyết, có 2 trường hợp đến tháng 8/1945 trở thành Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương chính thức.

Đến nhiệm kỳ Đại hội II (1951-1960), Ban Chấp hành Trung ương có 19 Ủy viên Chính trị, có 16 Ủy viên Dự khuyết, đến tháng 3/1955, có 7 Ủy viên Dự khuyết thành Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Ba nhiệm kỳ Đại hội Đảng nào không cơ cấu nhân sự Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương? - Ảnh 1.

Công tác bầu nhân sự tại Đại hội XII của Đảng (ảnh mang tính minh họa, ảnh VOV).

Đến Đại hội III (1960-1976), Ban Chấp hành Trung ương có 47 Ủy viên chính thức, có 33 Ủy viên Dự khuyết (trong đó 2 Ủy viên Dự khuyết Trung ương được bầu bổ sung năm 1961); trong số 33 Ủy viên Dự khuyết có 2 trường hợp trở thành Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng chính thức vào năm 1972.

Đến Đại hội IV (1976-1982), Ban Chấp hành Trung ương có 101 Ủy viên chính thức, có 31 Ủy viên Dự khuyết, có 2 trường hợp Ủy viên Dự khuyết trở thành Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương chính thức vào tháng 11/1981.

Đại Đại hội V (1982-1986), số Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng là 116 người, số Ủy viên Dự khuyết là 36 người. Trong số Ủy viên Dự khuyết có 2 trường hợp trở thành chính thức vào năm 1983, 3 trường hợp trở thành chính thức vào năm 1984.

Đại hội VI (1986-1991), Ban Chấp hành Trung ương có 124 Ủy viên chính thức, có tới 49 Ủy viên Dự khuyết. Có 3 trường hợp Ủy viên Dự khuyết trở thành chính thức vào năm 1989 và 3 trường hợp trở thành chính thức vào năm 1990.

Đến Đại hội VII (1991-1996), Đại hội VIII (1996-2001) và Đại hội IX (2001-2006), trong cơ cấu tổ chức của Ban Chấp hành Trung ương không còn nhân sự Ủy viên Dự khuyết. Nhiệm kỳ Đại hội VII có tới 226 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương này là lớn nhất so với tất cả các kỳ Đại hội. Đến Đại hội VIII, số Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương chỉ có 170 người. Đến Đại hội IX, số Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương là 148 người.

Theo PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia HCM), sau một thời kỳ Đảng không cơ cấu Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương nhưng đến Đại hội X Đảng thấy cần thiết phải cơ cấu Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương để có bước chuyển tiếp trong công tác cán bộ, đưa cán bộ trẻ làm Ủy viên Dự khuyết để tiếp tục bồi dưỡng và đưa lên thành chính thức. "Do yêu cầu nhiệm vụ của mỗi thời kỳ nên Trung ương đặt ra cơ cấu tổ chức cho phù hợp", PGS –TS Nguyễn Trọng Phúc nói. 

Chính vì thế từ Đại hội X, XI và XII, kể cả Đại hội XIII, Đảng tiếp tục cơ cấu nhân sự Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương, đó là những cán bộ tuổi dưới 50. Trong nhiệm kỳ Đại hội X và XII, số Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương là 20 người, nhiệm kỳ Đại hội XI, số Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương là 24.

Theo ông Vũ Trọng Kim, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, để bồi dưỡng và phát triển các cán bộ kế cận đảm bảo sự kế thừa nên Trung ương đưa ra yêu cầu có Ủy viên Dự khuyết. Đó là những cán bộ trẻ trên 40 và dưới 50 tuổi, họ chưa phải là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh của bộ, ngành, đang là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở huyện, ở các cơ sở.

Vào tháng 5/2020, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 12 khóa XII, Trung ương thống nhất trình Đại hội XIII số lượng Ủy viên Trung ương khóa mới khoảng 200 người, trong đó 180 ủy viên chính thức, 20 ủy viên dự khuyết (số lượng bằng khóa XII).


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem