65% bệnh nhân đái tháo đường biến chứng, chi phí điều trị lớn

Diệu Linh Chủ nhật, ngày 03/04/2022 16:35 PM (GMT+7)
Việt Nam có khoảng 4 triệu người mắc bệnh đái tháo đường nhưng chỉ 50% được chẩn đoán, 65% bệnh nhân được chẩn đoán lại có biến chứng… Chi phí khám chữa bệnh đái tháo đường cũng rất lớn…
Bình luận 0

57.200 ca tử vong/năm liên quan đến đái tháo đường

Ước tính, Việt Nam có 4 triệu người mắc bệnh vào năm 2021. Đây là số liệu của Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF) cho biết tại hội thảo trực tuyến Quản lý hiệu quả chi phí bệnh đái tháo đường do BHXH Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam vừa diễn ra.

Theo ước tính, Việt Nam có khoảng 57.200 tử vong/ 1 năm liên quan tới đái tháo đường hoặc 1.100 tử vong do đái tháo đường/1 tuần.

TS Kiều Thị Tuyết Mai (Đại học Dược Hà Nội) nhận định, dù Việt Nam có hơn 4 triệu người mắc đái tháo đường nhưng chỉ 2 triệu người bệnh (50%) được chẩn đoán.

65% bệnh nhân đái tháo đường biến chứng, chi phí điều trị lớn - Ảnh 1.

Chăm sóc biến chứng tắc mạch, hoại tử bàn chân của bệnh nhân đái tháo đường tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Ảnh Diệu Linh

Trong số 2 triệu bệnh nhân đái tháo đường típ 2 đã được chẩn đoán tại Việt Nam thì có đến 65% người bệnh đã xuất hiện biến chứng (dẫn đầu là tim mạch, thần kinh...).

Tuy số người đái tháo đường được điều trị có tăng trong những năm gần đây, nhưng vẫn còn rất nhiều người bệnh chưa được phát hiện và điều trị sớm. Theo báo cáo của Bộ Y tế, mới chỉ có 28,9% người bệnh đái tháo đường được quản lý tại các cơ sở y tế.

TS Mai chia sẻ, biến chứng khiến chi phí điều trị tăng cao- trung bình tăng gấp 2 lần/người bệnh so với điều trị bệnh nhân đái tháo đường thông thường vì các chi phí vượt trội từ việc nằm viện dài ngày, chi phí thuốc tăng, chi phí cấp cứu tăng.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bệnh đái tháo đường là "kẻ giết người" thầm lặng, gây ra những biến chứng nặng nề như mù lòa, cắt cụt chi, suy thận, tai biến mạch máu não, bệnh lý mạch vành…

Chi phí cho việc chữa biến chứng đái tháo đường trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Phần lớn ngân sách cho đái tháo đường hiện được dùng để điều trị các biến chứng liên quan. Đặc biệt chi phí ngoài y tế cũng tạo ra gánh nặng không hề nhỏ cho xã hội (giảm năng suất lao động cho biến chứng và tử vong sớm; chi phí ăn uống, đi lại, thực phẩm bổ sung, người chăm sóc…).

"Nếu ta kiểm soát tích cực hơn, toàn diện hơn thì chi phí sẽ được tiết kiệm tốt hơn. Nếu phát hiện và kiểm soát sớm bệnh đái tháo đường sẽ giúp tiết kiệm chi phí và giảm tốc độ gia tăng các biến chứng.

Đồng thời cần tăng cường giáo dục để bệnh nhân tuân thủ điều trị, hạn chế những biến chứng. Đây là cách làm bền vững nhất, có giá trị lớn về mặt xã hội và sức khỏe cho người bệnh", TS Mai khuyến cáo.

Chi phí BHYT cho bệnh nhân đái tháo đường rất cao

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, số bệnh nhân đái tháo đường có thẻ BHYT đang gia tăng trong 5 năm gần đây. 

65% bệnh nhân đái tháo đường biến chứng, chi phí điều trị lớn - Ảnh 3.

Người dân nên thường xuyên đi tầm soát đái tháo đường (Lấy máu xét nghiệm đái tháo đường tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Ảnh BVCC)

Theo Nghiên cứu dựa trên dữ liệu của BHXH Việt Nam, năm 2015, cả nước có gần 1,4 triệu người đang diều trị đái tháo đường bằng thẻ BHYT. Đến năm 2019, con số này đã tăng lên thành là 1,9 triệu người. 

Hiện nay trong việc chi trả của BHYT, một số bệnh mãn tính như tiểu đường và tăng huyết áp đang càng ngày càng gia tăng trong cơ cấu chi BHYT. Chi phí của những bệnh tiểu đường và huyết áp trước đây chỉ khoảng 5% (năm 2018), đến 2021 con số này đã lên đến 8,1% tổng chi phí BHYT chi cho bệnh nhân. 

"Chi phí cho điều trị biến chứng đái tháo đường chiếm hơn 70% tổng ngân sách BHYT dành cho điều trị đái tháo đường tại Việt Nam. Vì vậy, phòng ngừa biến chứng đái tháo đường hiệu quả là cách quản lý hiệu quả nhất nguồn ngân sách BHYT của chính phủ dành cho bệnh đái tháo đường", bà Vân nhận định. 

Chia sẻ về những thách thức trong quản lý chi phí bệnh đái tháo đường, ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến  (BHXH Việt Nam) cũng đánh giá, nhiều quy định về mặt danh mục, thanh toán cần phải tiếp tục được tháo gỡ, bên cạnh việc đảm bảo chỉ định điều trị một cách hợp lý và sử dụng thuốc hiệu quả thì cũng phải đảm bảo thuốc có chất lượng tốt, hiệu quả cao được đến tận tay người bệnh. 

Cần tăng cường tầm soát, giáo dục chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường

Bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng cho biết, Việt Nam mới quản lý được 50% người bệnh đái tháo đường, đây là con số rất quan ngại.

Hơn nữa, những biến chứng đái tháo đường gây ra những tốn kém chi phí rất lớn, chiếm đến 3/4 tổng chi phí điều trị đái tháo đường.

"Để phát hiện 50% người đái tháo đường còn lại, ngành y tế cần tăng cường tầm soát, sàng lọc, đặc biệt với những người trên 45 tuổi, những người có yếu tố nguy cơ cao. Bên cạnh đó, cần tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân, góp phần phát hiện…", ông Khoa nhận định.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem