Vũng Tàu có đặc sản tên nghe kỳ kỳ: đọc đã khó, ăn rồi đảm bảo khó quên luôn

Tuệ Lâm Thứ hai, ngày 17/05/2021 06:26 AM (GMT+7)
"Bánh khọt" - Cái tên dù hơi khó nghe, khó đọc, khó nhớ nhưng khi được thưởng thức là sẽ bị ấn tượng ngay. Bởi so với nhiều món ăn cầu kỳ khác, bánh khọt mang hương vị rất riêng của biển Vũng Tàu và được nhiều người ưa thích, từ người dân địa phương cho đến du khách trong nước và quốc tế.
Bình luận 0

Thật hiếm nơi nào sở hữu nền ẩm thực phong phú, đa dạng như Việt Nam. Bên cạnh những "món ăn quốc dân" đã quá nổi tiếng như phở, bún, bánh mì,… thì mỗi vùng miền, mỗi tỉnh thành lại xuất hiện nhiều loại đặc sản trứ danh khác nhau khiến du khách ăn một lần là nhớ mãi. Trong đó nổi bật hơn cả có lẽ là những món bánh.

Ai ngờ Vũng Tàu có đặc sản tên nghe kỳ kỳ như thế này: đọc thì khó, ăn rồi đảm bảo khó quên luôn - Ảnh 1.

Đến thành phố biển Vũng Tàu, du khách dễ dàng tìm thấy món bánh khọt Vũng Tàu từ quán cóc bình dân đến nhà hàng cao cấp. Dù quán ăn bình dân hay nhà hàng sang trọng thì người làm bánh khọt vẫn giữ cách làm cũng như hương vị đặc trưng riêng để rồi một lần nếm thử sẽ thật khó quên và lòng sẽ hẹn lòng lần sau trở lại Vũng Tàu…

Tại sao lại tên là bánh khọt?

Theo những người gắn bó lâu năm với nghề làm bánh khọt, nguồn gốc của loại bánh này xuất phát từ bánh căn của vùng Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa.

Khi người dân di cư vào vùng đất mới đã đem theo món ăn truyền thống của cha ông rồi dần thay đổi cách làm, hương vị cho phù hợp với nguồn nguyên liệu, phong vị của người bản địa. Còn cái tên bánh "khọt", theo giải thích của nhiều người là do khi đổ bánh, để lóc bánh ra khỏi khuôn, người ta phải dùng muỗng khẩy lên, khi muỗng va chạm vào thành khuôn phát ra tiếng kêu "khọt khọt", tên gọi của bánh cũng bắt đầu từ đấy. Nhưng cũng có cách lý giải tên bánh theo một ý nghĩa khác. Đó là ngày xưa, những người nghèo, cơ cực, không đủ tiền ăn cao lương mỹ vị mà chỉ ăn loại bánh làm toàn bằng bột chứ không có thịt thà gì. Vì vậy, người ta đặt tên cho loại bánh ấy là "khộp", nghĩa là nghèo khổ (theo từ cổ). Lâu dần, cái tên "khộp" ấy được đọc trại thành "khọt".

Trước đây, món ăn này chủ yếu được các bà, các mẹ làm vào những ngày nghỉ, các dịp gia đình sum họp tạo không khí quây quần, vui tươi, đầm ấm vì mọi người cùng giúp nhau xay bột, nhặt rau, đổ bánh… sau đó thưởng thức hương vị món ăn để nhớ về quê hương bản xứ.

Ai ngờ Vũng Tàu có đặc sản tên nghe kỳ kỳ như thế này: đọc đã khó, ăn rồi đảm bảo khó quên luôn - Ảnh 2.

Lâu dần, món ăn ấy không còn là riêng của những người dân xứ Nam Trung bộ mà trở thành món ăn chung được cư dân bản địa ưa thích. Dần dà, quá trình phát triển du lịch mạnh mẽ của thành phố Vũng Tàu đã tạo điều kiện thuận lợi giúp bánh khọt đến dần với du khách và trở thành món ăn danh tiếng của địa phương.

Ai ngờ Vũng Tàu có đặc sản tên nghe kỳ kỳ như thế này: đọc thì khó, ăn rồi đảm bảo khó quên luôn - Ảnh 3.

Bánh khọt Miền Đông - một trong những điểm hẹn ẩm thực hàng ngày của người dân địa phương và du khách thập phương.

Đến bây giờ, chẳng ai còn nhớ thời điểm cũng như nhân vật đầu tiên đưa bánh khọt đến Bà Rịa-Vũng Tàu, nhưng những tên như bánh khọt Gốc Vú Sữa, Miền Đông, Cây Sung, Cô Ba Vũng Tàu, cô Hai… trở thành điểm hẹn ẩm thực hàng ngày của người dân địa phương và du khách thập phương mỗi khi đến với phố biển.

Ẩn chứa trong chiếc bánh khọt giản dị là cả một nghệ thuật

Nguyên liệu chính để làm bánh là bột gạo nguyên chất. Người ta có thể pha thêm một ít bột nghệ để bánh có màu vàng bắt mắt. Nhân bánh khá đa dạng, có thể là sò điệp, tôm tươi, thịt bằm, chả cá, mực…thêm một ít mỡ hành hay chút ruốc, ăn kèm với các loại rau sống như: cải xanh, xà lách, tía tô, diếp cá, rau thơm, đu đủ thái sợi,…

Công thức chung như thế nhưng để tạo dấu ấn riêng hấp dẫn khách hàng, mỗi quán đều có bí quyết riêng trong khâu pha chế, sáng tạo nhân và trang trí làm đẹp chiếc bánh. Ngoài món bánh khọt được đổ theo cách truyền thống sử dụng nguyên liệu chính từ gạo, để thay đổi khẩu vị, màu sắc cho bánh nhiều hàng quán cải tiến cách làm bánh, có bánh đậu xanh, bánh chay, nhân cũng đủ loại theo sở thích của khách hàng.

Ai ngờ Vũng Tàu có đặc sản tên nghe kỳ kỳ như thế này: đọc thì khó, ăn rồi đảm bảo khó quên luôn - Ảnh 4.

Đổ bánh khọt như thế nào để được vàng đều, giòn ngon, đó là cả một nghệ thuật lớn, đòi hỏi sự khéo léo từ đôi bàn tay của đầu bếp.

 Bánh khọt được đổ trong những chiếc mâm bằng nhôm hoặc bằng inox, bên trên bề mặt khuôn được tạo hình tròn lõm nhỏ bằng chiếc bánh.

Trước khi đổ bánh, đầu bếp đặt khuôn lên bếp cho nóng, sau đó dùng mỡ heo thoa đều các khuôn, chế một lượng bột vừa đến mặt khuôn, cho tôm tươi đã bóc vỏ vào giữa và đậy nắp lại chờ bánh chín.

Ai ngờ Vũng Tàu có đặc sản tên nghe kỳ kỳ như thế này: đọc thì khó, ăn rồi đảm bảo khó quên luôn - Ảnh 5.

Bánh khọt Vũng Tàu được ăn kèm với nước mắm pha chua ngọt, rau sống các loại như cải bẹ xanh, xà lách, tía tô, diếp cá... và đu đủ thái sợi.

Bánh khọt ngon phải là những chiếc bánh vừa giòn vừa dai, vị béo của bột gạo, nước dừa và gạch tôm hòa quyện, vàng ruộm và thơm lừng, được ăn kèm với nước chấm và các loại rau sống.

Ai ngờ Vũng Tàu có đặc sản tên nghe kỳ kỳ như thế này: đọc thì khó, ăn rồi đảm bảo khó quên luôn - Ảnh 6.

Gắp một cái bánh khọt, cho chiếc bánh ngập trong chén nước mắm một chút, lấy một lá cải bẹ xanh to, cho thêm một ít rau thơm và các thứ ăn kèm vào cuốn lại, chấm vào chén mắm ớt, để vài cọng đồ chua nằm trên cuốn bánh, cắn một miếng, bạn sẽ cảm nhận hết những gia vị rất dân dã nhưng cực ngon.

Ai ngờ Vũng Tàu có đặc sản tên nghe kỳ kỳ như thế này: đọc thì khó, ăn rồi đảm bảo khó quên luôn - Ảnh 7.

Thịt tôm bùi bùi, cộng với sự giòn giòn của bột, thơm thơm của mỡ hành, một ít vị chua của đồ chua, mặn của nước mắm hòa vào hương vị đặc trưng của các loại rau... thoáng một cái bạn đã ăn hết vèo cả chục chiếc bánh lúc nào không biết.

Ẩn chứa trong những chiếc bánh khọt giản dị là cả một nghệ thuật và sự tinh tế không dễ diễn đạt bằng lời. Sự tinh tế ấy không hẳn có thể giải thích được rõ ràng.

Có thể nó nằm trong cách pha chế bột cực kỳ khéo léo, cũng có thể nằm ở nhân bánh được chế biến từ hải sản tươi ngon rất sẵn của biển Vũng Tàu, cũng có thể hương vị đặc biệt nằm ở món nước chấm đậm đà được pha chế từ nước mắm chính hiệu nơi này.

Ai ngờ Vũng Tàu có đặc sản tên nghe kỳ kỳ như thế này: đọc thì khó, ăn rồi đảm bảo khó quên luôn - Ảnh 8.

Ở Vũng Tàu người ta coi bánh khọt như là một thứ điểm tâm nhưng cũng có thể như là một bữa ăn chính hay một món ăn chơi vào buổi tối.

Ở Vũng Tàu người ta coi bánh khọt như là một thứ điểm tâm nhưng cũng có thể như là một bữa ăn chính hay một món ăn chơi vào buổi tối.

Chính vì thế, trong những buổi chiều lộng gió, được ngồi bên đĩa bánh khọt nóng hổi, thưởng thức hương vị thơm ngon, đậm đà của món ăn vừa ngắm cảnh đẹp của thành phố biển khi chiều xuống thì không còn gì bằng.

Bánh khọt - đặc sản Vũng Tàu nằm trong 12 món ăn được xác lập kỷ lục châu Á

Bánh khọt là một trong những món đặc sản của thành phố biển Vũng Tàu và cũng là một trong 12 món ăn Việt Nam được xác lập kỷ lục châu Á. Năm 2012, Trung tâm Kỷ lục Việt Nam đã công bố danh sách 12 món ăn Việt Nam xác lập kỷ lục châu Á, trong đó có bánh khọt Vũng Tàu. Khác với bánh khọt miền Nam, bánh căn miền Trung, bánh khọt của Vũng Tàu được chế biến theo phong cách rất riêng biệt.

Đặc biệt, tin vui cho những tín đồ ẩm thực ưa thích bánh khọt, gần đây nhất vào ngày 02/05/2021, thương hiệu Bánh khọt Cô Ba Vũng Tàu đã vinh dự đón nhận kỷ lục "Thương hiệu bánh Khọt làm bằng phương pháp thủ công truyền thống có nhiều chi nhánh nhất tại Việt Nam" từ Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem