Vươn lên làm kinh tế, thương binh nặng ở Bắc Ninh có đời sống khá giả

Khương Lực Thứ ba, ngày 19/07/2022 14:35 PM (GMT+7)
Với bản chất người lính bộ đội cụ Hồ, nhiều thương binh, bệnh binh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã vượt qua khó khăn và những cơn đau để tham gia phát triển kinh tế, gây dựng những mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu ở địa phương, xây nhà cửa khang trang và có cuộc sống khá giả.
Bình luận 0

Sáng 19/7, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu tỉnh Bắc Ninh năm 2022 với 245 đại biểu là cán bộ lão thành cách mạng tiền khởi nghĩa, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và các thương binh, bệnh binh và thân nhân gia đình liệt sỹ, người hoạt động kháng chiến, nhiễm chất độc màu da cam... và các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Tham dự hội nghị có bà Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Quyền Bộ trường Bộ Y tế, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh; Ông Nguyễn Quốc Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh;  ông Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh; ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và lãnh đạo các sở, ban ngành và địa phương của tỉnh Bắc Ninh.

Vươn lên làm kinh tế, thương binh nặng ở Bắc Ninh có đời sống khá giả - Ảnh 1.

Ông Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh trao tặng bằng khen cho các thương binh, bệnh binh có thành tích tiêu biểu. 

Ảnh: Khương Lực.

Mặc dù đang nằm viện điều trị, nhưng ông Nguyễn Văn Lưu, thương binh 1/4 ở thôn Đạo Sử, thị trấn Thứa, huyện Lương Tài vẫn cố gắng có mặt tại hội nghị để chia sẻ với đại biểu dự hội nghị về quá trình chuyển đổi 5.000 m2 đất trũng sang nuôi thủy sản và trồng cây rau màu, ăn trái.

Theo ông Lưu, năm 1974, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra rất ác liệt, nghe tiếng gọi thiêng liên của Tổ quốc "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai", ông đã làm đơn xung phong, lên đường nhập ngũ. Ông tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam, giải phóng đất nước. Đến năm 1976, ông xuất ngũ về địa phương. 

Là thương binh hạng nặng 1/4, đầy thương tích trên người nhưng với bản chất  người lính bộ đội cụ Hồ, với tinh thần lạc quan thương binh tàn nhưng không phế, ông đã xin địa phương chuyển đổi 5.000m2, từ ruộng lúa không hiệu quả, cho thu nhập thấp sang mục đích nuôi thủy sản, trồng cây rau màu và cây ăn trái lâu năm, cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Với hai ao nuôi cá giống để bán cho đồng đội, các cựu chiến binh và bà con nông dân, mỗi năm gia đình ông thu về khoảng 70 triệu đồng. Cùng với đó, gia đình ông trồng rau màu, cây ăn quả như: mít, xoài, hồng xiêm, bưởi... cho thu nhập 50 triệu đồng. Với thành tích trên, ông đã nhận được bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, UBND tỉnh Bắc Ninh.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Tiến Thắng, bệnh binh 2/3, Chủ tịch Hội Doanh nhân Cựu chiến binh huyện Gia Binh cho biết, năm 17 tuổi ông bắt đầu nhập ngũ vào binh chủng đặc công. Sau 12 năm sống trong quân ngũ, ông về quê phát triển kinh tế gia đình và tham gia các hoạt động xã hội.

Từ một cửa hàng tạp hóa nhỏ, ông đã nâng cấp lên thành cửa hàng, rộng 80m2, kinh doanh nhiều mặt hàng. Từ chỗ bán lẻ, gia đình ông nhận làm đại lý cấp 1 cho các doanh nghiệp, bán buôn nhiều sản phẩm tiêu dùng trên địa bàn. Mới đây, gia đình ông đầu tư 2 tỷ đồng mở siêu thị tư nhân, trang bị điều hòa mát lạnh nên thu hút nhiều khách hàng. Cùng với đó, siêu thị cũng tạo công ăn việc làm cho 5 lao động.

Vươn lên làm kinh tế, thương binh nặng ở Bắc Ninh có đời sống khá giả - Ảnh 2.

Lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và tỉnh Bắc Ninh chụp ảnh lưu niệm với các thương binh, bệnh binh nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh.

Ảnh: Khương Lực.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Chung, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh cho biết, trong sự nghiệp bảo vệ đất nước, hàng vạn người con quê hương Bắc Ninh đã anh dũng lên đường nhập ngũ, chiến đấu, hy sinh xương máu của mình. 

"Toàn tỉnh có 123.651 người có công, trong đó có gần 16.500 liệt sỹ, trên 16.000 thương binh, bệnh binh, 14 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 1.434 Mẹ Việt Nam anh hùng"- ông Chung thông tin và cho biết trong những năm qua, tỉnh Bắc Ninh luôn coi trọng việc chăm sóc gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và những người có công với cách mạng.

Cùng với sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, những năm qua các đồng chí thương binh, bệnh binh và thân nhân liệt sỹ, người có công với cách mạng đã nỗ lực phấn đấu, vượt lên mọi đau thương mất mát, khắc phục khó khăn, tận tâm tận lực để cải thiện đời sống gia đình, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. "Họ là những tâm gương sáng, kính phục thể hiện ý chí vươn lên của các thế hệ nối tiếp, học tập, noi theo" - ông Chung nhấn mạnh.

Tăng thêm 900 tỷ đồng chi trả phụ cấp, trợ cấp ưu đãi người có công

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bày tỏ sự kính trọng và cảm phục đối với ý chí tự lực, tự cường của các thương binh, bệnh binh, các gia đình thân nhân liệt sỹ, người có công với cách mạng đã vượt lên thương tật, khắc phục khó khăn, hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, nêu những tấm gương sáng trong lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu và học tập, góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

"Bộ Lao động - Thương binh  và Xã hội đã tham mưu cho Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2022; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 75/NĐ-CP ngày 24/7/2021, theo đó dự kiến hàng năm ngân sách tăng thêm 900 tỷ đồng để chi trả phụ cấp, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng"- ông Hoan nói.

Cùng với đó, Nghị định số 131/NĐ-CP ngày 31/12/2021 đã chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công với cách mạng và các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

Trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh  và Xã hội tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng và tổ chức triển khai tốt từ Trung ương tới địa phương, trong đó có tỉnh Bắc Ninh, góp phần bù đắp những đau thương, mất mát của các thương binh, bệnh binh và gia đình người có công với cách mạng.

"Mỗi đơn vị cũng như mỗi cá nhân bằng một việc làm ý thức trách nhiệm sẽ có những hoạt động cụ thể, thiết thực, coi đó là bổn phận, là tình cảm để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước" - ông Hoan nhấn mạnh.

Nhân dịp này, để ghi nhận thành tích xuất sắc trong công tác đền ơn đáp nghĩa giai đoạn 2017-2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh Bắc Ninh đã quyết định trao tặng Bằng khen cho 27 tập thể và 24 cá nhân là các thương binh, bệnh binh trên địa bàn tỉnh.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem