Bắc Kạn: Ở "Tuyệt tình cốc", nông dân trồng thứ cây xanh rì, hở chỗ nào thơm chỗ đó, mong có người đến xem
Bắc Kạn: Ở "Tuyệt tình cốc", nông dân trồng thứ cây xanh rì, hở chỗ nào thơm chỗ đó, mong có người đến xem
Chiến Hoàng
Thứ tư, ngày 25/11/2020 06:25 AM (GMT+7)
Nông dân xã Kim Lư, huyện Na Rì (tỉnh Bắc Kạn) đã tập trung trồng cây quế, chiết xuất tinh dầu quế, đưa loài cây được ví như "vàng xanh" này trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế rừng gắn với phát triển du lịch ở vùng đất như "Tuyệt tình cốc" này.
Clip: Cây quế - cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế rừng tại xã Kim Lư, huyện Na Rì (tỉnh Bắc Kạn). Nơi non xanh nước biếc này, khách có thể khám phá hồ nước và lên đồi, rừng khám phá rừng trồng cây quê mà bộ phận nào của cây cũng tỏa mùi thơm...
Để vào được khu vực trồng quế tại thôn Khuổi Ít, xã Kim Lư, nơi tập trung nhiều rừng quế nhất huyện Na Rì, chúng tôi phải đi mảng mất gần 1 giờ đồng hồ qua hồ Khuổi Khe - nơi được mệnh danh là "Tuyệt Tình Cốc" của Bắc Kạn. Trời lất phất mưa mà mặt hồ Khuổi Khe vẫn một màu xanh biếc bởi những cánh rừng bạt ngàn quế đổ bóng xuống lòng hồ.
Chị Hoàng Thị Thu Nguyệt, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) huyện Na Rì bảo, phần lớn diện tích cây quế của xã Kim Lư đều được trồng trên những quả đồi bao bọc xung quanh hồ. Tổng diện tích của vùng nguyên liệu quế ở đây là hơn 150ha.
Theo chị Nguyệt, trước đó, bà con đã được dự án trồng rừng 147 cấp giống để thực hiện trồng rừng sản xuất. Đến thời điểm hiện hay, huyện Na Rì có 700ha diện tích trồng cây quế đang cho khai thác lá.
Về đầu ra cho cây quế tại địa phương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Na Rì nhiệm kỳ 2015-2020 đã đưa vào việc xây dựng cơ sở chế biến tinh dầu quế. Hiện, tại Na Rì đã có HTX Cộng đồng Khuổi Khe là HTX chuyên chế biến và sản xuất tinh dầu quế, giúp đảm bảo đầu ra cây nguyên liệu cho bà con.
"Từ khi trồng quế đến nay, cây quế ở Na Rì phát triển ổn định, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, chưa phát hiện các loại sâu bệnh hại cây. Đặc biệt, cây quế từ khi trồng đến thu hoạch có rất nhiều sản phẩm có thể thu được, từ cành, lá, vỏ và gỗ...", chị Nguyệt cho hay.
"Cây quế bắt đầu có thể thu hoạch lá từ năm thứ 3. Hiện các rừng quế tại huyện Na Rì đã cho thu hoạch lá. Chúng tôi đang tiếp tục hỗ trợ bà con trồng rừng phân tán (nhà nước hỗ trợ 100% cây giống) bằng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế huyện. Việc này hằm khuyến khích người dân sử dụng đất phân tán tại vườn nhà để phát triển thêm diện tích trồng cây quế", chị Nguyệt cho biết thêm.
Dẫn chúng tôi lên những cánh rừng quế xanh mướt ven hồ Khuổi Khe, anh Nguyễn Văn Thuận, thành viên HTX Cộng đồng Khuổi Khe khẳng định, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất tinh dầu quế của HTX hiện nay đang rất ổn định, không chỉ ở huyện Na Rì mà còn các huyện lân cận như Chợ Mới và một số huyện của tỉnh Lạng Sơn.
Ngoài chế biến và sản xuất tinh dầu quế, HTX Cộng đồng Khuổi Khe còn làm tinh dầu từ cây xả. Trung bình mỗi ngày, HTX chưng cất được 2-3 mẻ tinh dầu quế, 2 mẻ tinh dầu xả. HTX mới được thành lập, tuy còn khá khiêm tốn nhưng có đầy đủ các phòng chức năng, nhà xưởng với lò chưng cất tận dụng củi được tỉa cành từ những cánh rừng trồng.
HTX mới đi vào hoạt động nên còn một số hạn chế nhất định. Tuy nhiên, nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ Đảng bộ, chính quyền, các ban, ngành địa phương, HTX đã dần ổn định. Hiện, HTX Cộng đồng Khuổi Khe có 10 thành viên, ngoài các thành viên, HTX cũng hợp đồng thời vụ với 3-5 lao động địa phương.
Theo anh Thuận, đầu ra các sản phẩm khá thuận lợi. Sản phẩm của HTX được một số đối tác tại Hà Nội, Yên Bái…nhập với giá thành cũng tương đối ổn định. Anh Thuận tin tưởng vào sự thành công của HTX khi được sự ủng hộ của nhiều ngành chức năng và có vùng nguyên liệu quế rất tiềm năng.
Phó Trưởng Phòng NNPTNT huyện Na Rì cho biết thêm, bên cạnh trồng quế, hiện nay Đoàn Thanh niên xã Kim Lư cũng đang trồng cây đào quanh khu vực hồ để tôn tạo thêm vẻ đẹp cho hồ Khuổi Khe ví như "Tuyệt tình cốc". Nếu khai thác tốt, đây cũng sẽ là một điểm du lịch trải nghiệm đầy hấp dẫn, giúp người dân có thêm thu nhập.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hoàng Văn Thiên, Bí thư Huyện ủy Na Rì cho biết, huyện đã chỉ đạo phát triển kinh tế rừng, trong đó tập trung vào cây quế, cây dược liệu nhằm phát huy được những lợi thế sẵn có. Du lịch cũng là một thế mạnh của huyện Na Rì khi có nhiều điểm du lịch tiềm năng như: Động Nàng Tiên, hồ Khuổi Khe, thác Nà Đăng, Nà Sla, thác Nà Thác …
"Tuy nhiên, hiện nay mới đang ở bước khảo sát, đánh giá để xây dựng hạ tầng, phục vụ hoạt động du lịch. Phần lớn những điểm du lịch tiềm năng vẫn còn đang ở trạng thái hoang sơ, tự nhiên, chưa có tác động của con người, cần được đánh thức, nhưng cũng phải hết sức cẩn trọng, tránh ồ ạt, không hiệu quả mà còn gây phá vỡ cảnh quan thiên nhiên", Bí thư Huyện ủy Na Rì Hoàng Văn Thiên ho biết thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.