Thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị ung thư tuyến giáp tại Bệnh viện K có xu hướng tăng lên.
Hiện tại, ung thư tuyến giáp xếp thứ 9 trong các loại ung thư phổ biến nhất Việt Nam với hơn 5.400 ca mắc mới nhưng may mắn, đây là loại ung thư có tỉ lệ chữa khỏi cao.
Ung thư tuyến giáp hoàn toàn có thể điều trị thành công nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, tiên lượng dành cho người bệnh ung thư tuyến giáp tốt hơn so với những loại ung thư khác.
TS.BS Ngô Xuân Quý, Trưởng khoa Ngoại đầu cổ Bệnh viện K.
PV có cuộc trao đổi với TS.BS Ngô Xuân Quý, Trưởng khoa Ngoại đầu cổ Bệnh viện K.
Thưa bác sĩ, xin bác sỹ cho biết, vì sao ngày càng có nhiều bệnh nhân tới khám và điều trị ung thư tuyến giáp trong những năm gần đây?
Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh lý về u tuyến giáp nói chung và ung thư tuyến giáp nói riêng. Điều này không chỉ ghi nhận tại Bệnh viện K mà còn ở nhiều bệnh viện khác. Ung thư tuyến giáp (UTTG) là bệnh hay gặp nhất trong ung thư các tuyến nội tiết (chiếm 92-95%) và chiếm 3,6% các bệnh ung thư nói chung.
Tại Việt Nam, ung thư tuyến giáp xếp thứ 9 trong các loại ung thư phổ biến nhất với 5.418 ca mắc mới. Theo số liệu riêng tại khoa Ngoại đầu cổ chúng tôi, hằng năm chúng tôi phẫu thuật cho khoảng 3000 bệnh nhân mắc bệnh tuyến giáp, trong đó chủ yếu là ung thư tuyến giáp và có xu hướng năm sau nhiều hơn năm trước.
Vậy nguyên nhân nào dẫn đến sự gia tăng đó, thưa BS?
Theo tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu, hầu hết các loại ung thư đều có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu liên quan tới môi trường, thuốc lá, ăn uống, nhiễm vi sinh vật….
Tuy nhiên, riêng đối với ung thư tuyến giáp có thêm hai nguyên nhân nữa dẫn tới sự gia tăng phát hiện bệnh ung thư tuyến giáp.
Do trình độ nhận thức của người dân ngày một tăng cao. Thực tế tại bệnh viện K có nhiều bệnh nhân đến khám khi có một số triệu chứng bất thường, họ đã chủ động tìm đến bác sĩ để nhận được lời khuyên và tư vấn từ rất sớm.
Hơn nữa, nhiều người dân đã có thói quen khám sức khoẻ định kỳ, tầm soát phát hiện sớm ung thư nói chung, ung thư tuyến giáp nói riêng, qua đó ngày càng tăng tỷ lệ phát hiện bệnh, nhưng may mắn là vì mọi người chủ động chăm lo sức khỏe, tầm soát sớm nên người bệnh thường phát hiện ở giai đoạn sớm hơn, do đó có phương án điều trị kịp thời. Để có được điều đó, cần phải nhấn mạnh đến sự chỉ đạo sát sao của Bộ Y tế nói chung và Ban giám đốc Bệnh viện K đã nâng cao nhận thức nói chung của bệnh nhân về bệnh ung thư: “Biết sớm, trị lành”.
Do việc ứng dụng rộng rãi các phương tiện chẩn đoán u tuyến giáp trong cộng đồng, không chỉ tại Bệnh viện K mà còn nhiều bệnh viện, phòng khám khác trong cả nước mà đặc biệt là siêu âm.
Siêu âm rất có giá trị trong chẩn đoán ung thư tuyến giáp mà chi phí phù hợp với nhiều người, do vậy ngày càng nhiều bệnh nhân được phát hiện ung thư tuyến giáp.
Vậy người bệnh thường đến bệnh viện trong tình trạng nào? Tỷ lệ phát hiện ở giai đoạn sớm có gia tăng?
Bệnh nhân ung thư tuyến giáp đến khám và điều trị do tình cờ phát hiện hoặc khám sức khoẻ định kỳ mà thường không có triệu chứng đặc hiệu. Tuy nhiên ở một số trường hợp khác, người bệnh đến viện trong tình trạng khối u, hạch vùng cổ có kích thước lớn, xâm lấn rộng gây chèn ép các cơ quan xung quanh như khí quản, thực quản, dây thần kinh thanh quản quặt ngược gây ra các triệu chứng tương ứng như khó thở, nuốt vướng, khàn tiếng… Các trường hợp này thường ít gặp, thường gặp ở những bệnh nhân có trình độ dân trí chưa cao dẫn tới bệnh nặng mới đi khám bệnh.
Ung thư tuyến giáp hoàn toàn có thể điều trị thành công nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, tiên lượng dành cho người bệnh ung thư tuyến giáp tốt hơn so với những loại ung thư khác.
Vậy, bác sỹ có thể đưa ra lời khuyên đến với người dân để dự phòng bệnh?
Khuyến cáo dành cho người bệnh đó là nên, rất nên chủ động đi khám, tầm soát phát hiện sớm bệnh ung thư tuyến giáp để có thể đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.
Khi đã phát hiện ra bệnh ung thư tuyến giáp rồi thì cần đến gặp bác sĩ có chuyên môn tư vấn, tránh tình trạng tin vào các lời khuyên dân gian, dùng các phương thức điều trị khác như đắp lá, thuốc nam, thuốc bắc mà khi đến viện bệnh đã ở giai đoạn muộn không còn khả năng điều trị triệt căn, như vậy người bệnh đã bỏ lỡ giai đoạn vàng để điều trị.
Xin cảm ơn bác sỹ về cuộc trò chuyện này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.