Bác sĩ Lương Lễ Hoàng: Vinh dự lớn nhất trong đời làm thuốc của tôi là được khen "Thầy thuốc của nông dân"

BS. Lương Lễ Hoàng Thứ hai, ngày 15/11/2021 19:12 PM (GMT+7)
Tôi vẫn chưa quên ngày nhận được đề nghị cộng tác từ báo Nông thôn Ngày nay. Tôi đã không mất một giây để đắn đo vì tôi đã chờ cơ hội đó từ rất lâu, từ khi tôi hiểu rõ lá cờ của Tổ quốc được nhuộm thắm bởi mồ hôi, nước mắt và xương máu của bao thế hệ nông dân.
Bình luận 0

LTS: Tối 14/11, bác sĩ Lương Lễ Hoàng đã qua đời tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 Thủ Đức, sau một thời gian chống chọi với căn bệnh này.

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng từng có nhiều năm giữ mục Sức khỏe trên báo Nông thôn Ngày nay. Ông là một cộng tác viên lâu năm, nhiều duyên nợ, nhiều nghĩa tình với báo. Những người làm báo lâu năm tại Nông thôn Ngày nay vẫn giữ được ấn tượng đẹp về người trí thức nho nhã ấy.

Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, rồi nhận được học bổng đi học Y tại CHLB Đức trước năm 1975, bác sĩ Lương Lễ Hoàng vẫn thường nói rằng: Cuộc đời ông có đến mấy chục năm đi làm ở xứ người, nhưng có ý nghĩa nhất là khi trở về quê hương chữa bệnh cho bà con nghèo. Ông coi việc viết bài trên báo Nông thôn Ngày nay là một cách để giúp bà con. 

 Báo Nông thôn Ngày nay / Dân Việt xin giới thiệu lại với bạn đọc bài viết của bác sĩ Lương Lễ Hoàng đăng trong Kỷ yếu 25 năm báo Nông thôn Ngày nay, như một lời tri ân tới vị bác sĩ hết lòng vì nhà nông.

Sinh ra và lớn lên trong thành phố Saigon, hình ảnh gọi là nông thôn với tôi thời còn niên thiếu, thuở đất nước còn ngập tràn trong khói lửa chiến tranh, thường gói gọn trong thửa ruộng xanh màu lá mạ ở vùng ngoại ô nào đó mỗi lần có dịp ra khỏi thành phố. Cho đến ngày vào trường đại học tôi vẫn chưa bao giờ hình dung được nổi nhọc nhằn của nhà nông phải quanh năm trăn trở với cơn mưa đầu mùa, với ngày nắng hạn hay đêm giông bão.

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng: Vinh dự lớn nhất trong đời làm thuốc của tôi là được khen "Thầy thuốc của nông dân" - Ảnh 1.

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng.

Rồi một hôm tôi tình cờ nhặt được tài liệu của Bộ Canh Nông ở Saigon về cách chăn nuôi gia cầm và trồng trọt cây ngắn ngày. Đang là sinh viên y khoa tôi bỗng say mê nghề khác. Tôi vẫn chưa quên ngày tôi thu hoạch lô gà công nghệ đầu tiên nuôi trong nhà vào dịp Tết năm 1973. Tôi vẫn chưa quên ánh mắt đồng cảm của cha mẹ tôi khi nhìn tôi hân hoan đếm số tiền tôi tự lì xì nhờ bán gà cho người ăn Tết. Cũng từ ngày đó tôi hiểu thêm là giọt mồ hôi của nhà nông mặn đến thế nào!

Đêm Giao Thừa năm đó cha tôi đã kể cho tôi về câu chuyện của một nhà khoa học mang tên Lương Định Của, về nỗi nhọc nhằn vinh nhục của một trí thức chọn đất nước thay vì quyền lợi cá nhân, chọn ngọn lúa đất Việt thay vì học vị khoa bảng, chọn niềm vui của nông dân thay vì con đường hoạn lộ. Từ đó tôi hiểu thêm là trong ngàn giọt mồ hôi lả chả của nhà nông bao giờ cũng có những giọt lăn dài trên má mà sao mặn quá đi thôi! Sau này, mỗi lần trên bến vắng đợi chuyến tàu đêm ở nước người, tôi càng hiểu hơn nữa tại sao cha tôi ngày đó đã khóc khi nhắc đến ruộng đồng ở làng Đại Ngải, tại sao cha tôi đêm đó đã nghẹn lời khi nhắc tôi đừng quên là cho dù sau này nếu may mắn được tiếng khoa bảng thì trong dòng máu ấm đang chảy về tim bao giờ cũng còn đó chút gì nông dân!

Trong gần ba mươi năm tạm trú trên đất người, một trong nhiều điều khiến tôi trăn trở hàng đêm là hình ảnh nông dân xứ mình lam lũ với con trâu trung thành trên thửa ruộng. Đã nhiều lần tôi không giấu được niềm hân hoan khi được biết về thành tựu trong nghề nông nước ta, từ những Hai Lúa tự chế phòng thí nghiệm cho đến khoa bảng như kỹ sư Hồ Quang Cua với 20 giống lúa ST ở Sóc Trăng. Nhờ họ mà tôi chợt thấy tự hào là người Việt Nam.

Tôi vẫn chưa quên ngày nhận được đề nghị cộng tác từ báo Nông thôn Ngày nay. Tôi đã không mất một giây để đắn đo vì tôi đã chờ cơ hội đó từ rất lâu, từ khi tôi hiểu rõ lá cờ của Tổ quốc được nhuộm thắm bởi mồ hôi, nước mắt và xương máu của bao thế hệ nông dân. Như tôi đã hơn một lần quả quyết trên trang báo, bất cứ trí thức nào đều phải mang ơn nhà nông không chỉ vì nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rong, nhất nông nhì sĩ, mà vì lý do đơn giản hơn nhiều. Vì đó là lẽ công bằng.

Đã mấy năm qua, từ ngày tôi trở về làm việc ở quê nhà, trên bàn thờ tổ tiên đêm giao thừa, bao giờ cũng có tờ báo Nông thôn Ngày nay, như món quà kính gửi về cha tôi, như dẫn chứng cho thấy tôi tuy không sống chết với ruộng đồng, nhưng vẫn chưa quên lời dặn dò ngày xưa. Đó là sống và đóng góp như một nông dân, chân phương, mộc mạc, thẳng thắn như ngọn lúa ngoài đồng, như hạt gạo gắn liền với lịch sử anh hùng của dân tộc.

Nông thôn Ngày nay vừa tròn 25 tuổi. Xin thành thật chúc mừng. Cũng không quên cảm ơn những người trong phần tư thế kỷ vừa qua đã và đang dùng ngòi bút để mang tri thức đến trong tầm tay của bà con nông dân xa gần. Với riêng tôi chỉ có một ước muốn rất chân tình. Nếu như tôi ngày nào vì sức cùng lực kiệt nên chỉ còn viết nổi một cột báo nhỏ, xin cho tôi trong phần tư thế kỷ trước mặt được tiếp tục đóng góp kiến thức thô thiển cho nhà nông nước mình, cho những con người tuyệt vời đã giúp tôi tìm lại nghị lực mỗi lần cầm bút vì chân thiện mỹ.

Còn một lý do khác cũng rất đơn giản. Vì đó là cơ hội để tôi xứng đáng với danh hiệu được bác nông dân ở Đồng Tháp khen tặng trong bức thư nồng ấm tình người: Thầy thuốc của nông dân!

Đó là vinh dự lớn nhất trong đời làm thuốc của tôi.

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng, Trung Tâm Oxy Cao Áp, TP HCM

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem