Bài học về phòng không nhân dân

Thứ bảy, ngày 15/12/2012 07:36 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ai đã từng nghiên cứu lịch sử, hiểu về cách “bài binh bố trận” của Mỹ, so sánh với các phương tiện chiến đấu mà ta có, mới hiểu hết ý nghĩa của chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”...
Bình luận 0

Súng máy chống chọi với pháo đài bay

Những ngày này cách đây 40 năm, để thực hiện âm mưu, ý đồ tính toán từ trước hòng “đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá!”, Mỹ đã huy động gần 200 chiếc máy bay B-52, 30 máy bay F-111, hơn 1.000 máy bay tiêm kích, 50 máy bay tiếp dầu và 6 liên đội tàu sân bay mở chiến dịch tiến công đường không chiến lược quy mô lớn vào Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu trên miền Bắc với mật danh: “Lai-nơ Bếch-cơ II”.

Riêng khu vực Hà Nội, trong 12 ngày đêm (từ 18 đến 29.12.1972), không quân Mỹ đã tập trung trên 1.000 lần chiếc máy bay các loại (trong đó có khoảng 500 lần chiếc B-52) vào đánh phá, ném khoảng 40.000 tấn bom xuống nhiều khu vực đông dân cư. Bằng đòn đánh có tính chất huỷ diệt đối với Thủ đô Hà Nội, Mỹ hy vọng sẽ nhanh chóng buộc Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà phải trở lại bàn đàm phán và chấp nhận các yêu sách có lợi cho Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn, do phái đoàn Mỹ đưa ra.

img
Cứu chữa nạn nhân bị thương ở Khâm Thiên trong chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không.

Với thủ đoạn sử dụng máy bay B-52 đánh phá ban đêm là chủ yếu kết hợp với máy bay chiến thuật đánh xen kẽ vào cùng khu vực mục tiêu, có khi phối hợp đánh mục tiêu khác ban đêm hoặc đánh bổ sung ban ngày. Để hạn chế khả năng chiến đấu của tên lửa và không quân ta đối với máy bay B-52, địch sử dụng số lượng lớn máy bay chiến thuật tập trung đánh tiêu diệt các trận địa tên lửa, đánh phá và khống chế sân bay thành từng đợt trước, trong quá trình B-52 đánh phá.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã tập trung cao độ sự lãnh đạo, chỉ đạo chủ động chuẩn bị về mọi mặt từ tổ chức lực lượng tác chiến, các mặt bảo đảm hậu cần - kỹ thuật cho đến cách đánh đối tượng chủ yếu của từng lực lượng tham gia chiến dịch, trong đó có lực lượng phòng không nhân dân.

Các hoạt động phòng không nhân dân bao gồm các hoạt động phòng tránh, sơ tán, phân tán lực lượng, phương tiện... hạn chế đến mức thấp nhất tổn thất do không quân địch gây ra; đồng thời còn tiến hành các hoạt động chiến đấu, phục vụ chiến đấu đánh trả các hoạt động của máy bay Mỹ và tham gia vây bắt giặc lái. Một số khu vực, lực lượng phòng không nhân dân còn bố trí một số trận địa pháo phòng không, súng máy phòng không làm nhiệm vụ phục kích đánh các đường bay bay thấp của địch.

Trừ một số đơn vị của dân quân tự vệ ở Hà Nội, Thái Nguyên được trang bị khí tài pháo phòng không 100mm (có khả năng đánh đêm rất hiệu quả) được giao nhiệm vụ hiệp đồng chiến đấu với bộ đội tên lửa và không quân đánh B-52; các đơn vị còn lại thuộc lực lượng phòng không nhân dân chỉ được trang bị pháo, súng máy phòng không không có khí tài và súng bộ binh (rất khó khăn khi chiến đấu ban đêm) có nhiệm vụ đánh máy bay chiến thuật bay thấp, bổ nhào (F-4, F-105, F-111A, A-6, A-7) cùng với bộ đội tên lửa, pháo phòng không bảo vệ các mục tiêu điểm trên địa bàn chiến dịch, bảo vệ các trận địa tên lửa và sân bay; đánh máy bay trực thăng đến cứu giặc lái (HH-53) và vây bắt giặc lái.

Ở khu vực Hà Nội, cùng với sự tập trung cao độ các lực lượng phòng không của bộ đội chủ lực, lực lượng phòng không dân quân tự vệ cũng được huy động cao nhất, bao gồm 226 tổ, đội trang bị 741 khẩu pháo, súng máy phòng không các loại.

Những bài học còn nguyên giá trị

Sau 12 ngày đêm liên tục chiến đấu oanh liệt, các lực lượng phòng không nhân dân cùng với phòng không và không quân của bộ đội chủ lực đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ (trong đó dân quân tự vệ bắn rơi 11 chiếc), góp phần đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô lớn bằng không quân của đế quốc Mỹ, đồng thời làm giảm hiệu quả đánh phá của địch xuống mức thấp nhất.

Tổng kết chiến dịch phòng không 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972 đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Và các bài học này vẫn còn nguyên giá trị. Trong đó, có bài học về tuyên truyền. Thời điểm đó, người dân được thông tin về công tác phòng không nhân dân qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài phát thanh và đặc biệt là qua hệ thống truyền thanh với 1.500 loa công cộng và 48.133 loa truyền thanh tại các gia đình. Do đó, tuyệt đại đa số nhân dân đều hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn đánh phá của không quân Mỹ, thống nhất cao độ với những chủ trương sơ tán và quyết tâm phục vụ chiến đấu và chiến đấu phòng không tham gia chiến dịch.

Nhân kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không, kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22.12), ngày 15.12, Báo NTNN có buổi giao lưu, tọa đàm với Trung đoàn Không quân 916 (Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không -Không quân). Đây là dịp ý nghĩa để cán bộ- phóng viên Báo NTNN tìm hiểu công việc, nhiệm vụ của người lính không quân, đồng thời tọa đàm - giao lưu về truyền thống hào hùng, quả cảm của Trung đoàn Không quân 916 nói riêng và Quân chủng Phòng không – Không quân nói chung. Cũng nhân dịp này, Báo NTNN tổ chức thăm dò ý kiến bạn đọc trong quân đội, nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu đọc của người lính.

Bài học lớn nữa là xây dựng các công trình phòng tránh bom đạn khá hoàn chỉnh. Ở các nơi công cộng tập trung đông người như cơ quan, trường học, bệnh viện, chợ, bến xe, nhà ga thì làm hầm chữ A, đào hào giao thông và rất nhiều hố cá nhân. Theo số lượng thống kê, chỉ tính riêng TP. Hà Nội đã đào đắp được 63 vạn hố cá nhân, 569 hầm tập thể và 1.130km hào giao thông.

Việc sơ tán cũng làm tốt nên ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng sơ tán được từ 85-95% số dân. Chính nhờ kết hợp tốt giữa chuẩn bị đánh địch với sơ tán phòng tránh nên ta vừa chủ động bắn rơi nhiều máy bay, bắt sống nhiều giặc lái, đồng thời hạn chế được thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, duy trì được sức chiến đấu liên tục trong điều kiện địch đánh phá ác liệt.

Đây thực sự là thắng lợi rất lớn nhưng lại là một thắng lợi rất riêng chỉ có trong chiến dịch phòng không tháng 12.1972 của ta từ trước đến nay mà chưa hề có chiến dịch phòng không nào đạt được.

Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ngày nay, mặc dù những điều kiện tác chiến đã có nhiều thay đổi nhưng những bài học kinh nghiệm trên đây vẫn có thể áp dụng hiệu quả. Thực tế khi có chiến tranh xảy ra, chúng ta không thể xây dựng được các công trình phòng tránh một cách kiên cố trong thời gian ngắn mà phải chủ động xây dựng những công trình mang tính “lưỡng dụng” ngay từ thời bình.

Đó là hệ thống các công trình ngầm, thời bình là nơi để xe, kho hàng hoá, vật tư nhưng có thể sử dụng để sơ tán, ẩn nấp khi địch đánh phá nếu xảy ra chiến tranh. Đồng thời phải có quy hoạch trồng các loại cây như tre, bạch đàn, keo... thành các khu rừng sinh thái, phòng hộ, chống xói mòn vừa để lấy gỗ phục vụ cho đời sống nhưng có thể sử dụng để làm hầm tránh bom rất nhanh chóng và hiệu quả trong điều kiện khẩn trương của thời chiến và đặc biệt đây chính là nơi sơ tán, phòng tránh, nguỵ trang, nghi binh rất tốt.

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ngày nay (nếu xảy ra) vẫn là cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện... nên việc tổ chức, nhất là trong phòng không nhân dân vẫn cần tiếp tục được quan tâm, nghiên cứu, chủ động chuẩn bị ngay từ trong thời bình để sẵn sàng đối phó thắng lợi với những tình huống xảy ra để bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem