Bán cá tra, tôm sang Mỹ, EU thu hơn 1 tỷ USD, doanh nghiệp Việt Nam đang có lợi thế như thế nào?

Minh Ngọc Thứ sáu, ngày 24/05/2024 10:55 AM (GMT+7)
4 tháng năm 2024, xuất khẩu cá tra và tôm là những điểm sáng trong xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Theo đó, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 102 triệu USD, tăng 19% và tôm sang EU đạt 974 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ.
Bình luận 0

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong tháng 4/2024 ghi nhận nhiều tín hiệu lạc quan với giá trị đạt gần 38 triệu USD, tăng 34% so với tháng 4/2024. Tính đến hết tháng 4, xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 102 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, phile cá tra đông lạnh vẫn là mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang Mỹ. Tháng 4/2024, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm phile đông lạnh sang Mỹ đạt hơn 37 triệu USD, tăng 35% so với tháng 4/2023. Tính đến hết tháng 4/2024, xuất khẩu phile cá tra đông lạnh sang Mỹ đạt hơn 100 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 98% tỷ trọng trong tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ.

Ngoài ra, tính đến hết tháng 4/2024, xuất khẩu cá tra GTGT và cá tra đông lạnh đạt gần 2 triệu USD.

Bán cá tra, tôm sang Mỹ, EU thu hơn 1 tỷ USD, doanh nghiệp Việt Nam đang có lợi thế như thế nào?- Ảnh 1.

Xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Mỹ 4 tháng 2024 đạt 102 triệu USD. Nguồn: VASEP

Theo VASEP, người tiêu dùng tại Mỹ đang tăng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm cá thịt trắng, đặc biệt là cá tra từ Việt Nam. Xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm nay có nhiều tín hiệu khởi sắc sau khi liên tục sụt giảm trong năm 2023. 

"Vừa qua, đông đảo doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia và giới thiệu các sản phẩm cá tra Việt Nam tại Triển lãm Thủy sản Bắc Mỹ. Với lợi thế của loài cá thịt trắng thơm ngon, phù hợp chế biến đa dạng món ăn từ phile đóng gói, sản phẩm đông lạnh đến sản phẩm chế biến sẵn như lát cá tẩm bột hay bánh mì kẹp cá đã hấp dẫn được các nhà nhập khẩu đến từ thị trường này", bà Nguyễn Thị Thu Hằng, chuyên gia thị trường cá tra của VASEP cho biết.

Bà Hằng cho rằng, việc các nguồn cung cá thịt trắng cho thị trường Mỹ đang giảm trong bối cảnh khan hiếm các sản phẩm cá thịt trắng khác như cá rô phi cũng là tín hiệu khả quan cho xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này.

"Thông tin Mỹ đang xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đã mang lại niềm hy vọng lạc quan cho nhiều ngành kinh tế Việt Nam, trong đó có ngành thủy sản", bà Hằng nói và cho hay dự kiến vào tháng 7/2024, DOC sẽ có quyết định về việc Việt Nam có được chuyển đổi trạng thái từ nền kinh tế phi thị trường sang nền kinh tế thị trường hay không. Nếu Việt Nam được công nhận có nền kinh tế thị trường thì đây sẽ là lợi thế cho cho các doanh nghiệp Việt Nam trong các đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá tôm, cá tra trong thời gian tới.

Bán cá tra, tôm sang Mỹ, EU thu hơn 1 tỷ USD, doanh nghiệp Việt Nam đang có lợi thế như thế nào?- Ảnh 2.

Tính đến hết tháng 4, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 974 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ.

Đối với xuất khẩu tôm, tháng 4/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 287 triệu USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết tháng 4, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 974 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ.

Theo đó, xuất khẩu tôm sang Mỹ trong 4/2024 giảm 15% sau khi vẫn tăng trưởng nhẹ trong tháng 3 và 4 tháng đầu năm nay, đạt 168 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc tháng 4 tăng 1,7%, đạt 64 triệu USD. Lũy kế 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 192 triệu USD, tăng 41%. Xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc cũng ghi nhận tăng nhẹ 4% trong tháng 4 năm nay và kim ngạch 4 tháng đầu năm nay sang thị trường này đạt 95 triệu USD, giảm 10%.

Thị trường EU là điểm sang trong xuất khẩu tôm 4 tháng đầu năm. Theo đó, xuất khẩu tôm đạt 38 triệu USD trong tháng 4, tăng 28% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng, giá trị xuất khẩu đạt 119 triệu USD, tương đương với cùng kỳ năm ngoái.

"Xuất khẩu tôm của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm ghi nhận tăng 10% so với cùng kỳ là dấu hiệu cho thấy lượng tồn kho tại các thị trường đã giảm bớt. Tuy nhiên, nhu cầu thực tế của người tiêu dùng vẫn chưa thể hiện rõ khả năng hồi phục. Trong bối cảnh còn phải đối mặt với nhiều thách thức, ngành tôm Việt Nam nên đẩy mạnh sản xuất hàng GTGT, tập trung nhiều hơn cho khâu nuôi để tăng năng suất, giảm giá thành, nâng sức cạnh tranh để tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trong năm nay", bà Phùng Thị Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm của VASEP nhận định.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tăng trở lại trong tháng 4/2024 khi xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh hơn, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc phục hồi trở lại, tăng 4,6% sau mức giảm 16,4% của tháng trước đó. Đáng chú ý, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang nhiều thị trường tăng trưởng khả quan như: Canada tăng 45,6%, Đức tăng 52,2%, Hà Lan tăng 32,7%, Nga tăng 73,2%...

Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong thời gian tới, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục phục hồi khi nhu cầu từ Mỹ và châu Âu tăng trở lại. Tồn kho thủy sản tại nhiều thị trường giảm, trong khi lạm phát dần được kiểm soát sẽ là yếu tố hỗ trợ nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại nhiều quốc gia trong thời gian tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem