Bản quyền EURO 2024: VTV từng hành xử thế nào khi không có bản quyền?

Lê Minh Chủ nhật, ngày 09/06/2024 16:10 PM (GMT+7)
Trong quá khứ, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) thường là đơn vị sở hữu bản quyền các giải thể thao được người dân quan tâm như: SEA Games, Olympic, ASIAD, AFF Cup, EURO, World Cup. Nhưng năm nay, Viettel Telecom mới là đơn vị sở hữu bản quyền EURO 2024.
Bình luận 0

Bản quyền EURO 2024: VTV sẽ tiếp sóng TV360?

Như Dân Việt đã thông tin, từ cuối năm ngoái, Tổng Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) với TV360 đã công bố độc quyền toàn bộ quyền khai thác phát sóng và truyền thông EURO 2024 trên tất cả hạ tầng truyền hình, mạng xã hội trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

Giá trị hợp đồng được các bên giữ kín. Tuy nhiên phía Viettel Telecom khẳng định người hâm mộ có thể sử dụng gói "rẻ chưa từng có", với khoảng 50.000 đồng/tháng cho toàn bộ các trận đấu tại EURO 2024.

Và phải chăng, Viettel Telecom có thể cũng đã mua được bản quyền EURO 2024 với "giá rẻ bất ngờ" (?!) (EURO 2020, VTV sớm sở hữu bản quyền từ tháng 6/2019. Được biết, quá trình thương lượng giữa VTV và đối tác đã diễn ra ngay sau World Cup 2018. Chi phí cho gói bản quyền của VTV, ước chừng 2 triệu USD) trong hoàn cảnh giá bản quyền các giải đấu lớn leo thang với cấp số nhân trong nhiều năm qua và luôn là "bái toán nan giải" với các nhà đài, trong đó có chính VTV trong việc cân đối thu (phần lớn từ việc bán quảng cáo) - chi.

Câu chuyện mà người hâm mộ Việt Nam còn chưa quên là tại ASIAD 2018, ngay sau thành công vang dội của U23 Việt Nam với tấm HCB U23 châu Á (Thường Châu - Trung Quốc) mấy tháng, giá bản quyền truyền hình đã được đối tác đưa ra là 1,7 triệu USD (khoảng 40 tỷ đồng).

Mức giá quá "khủng" (ASIAD 2014, bản quyền cho gói độc quyền trên một nền tảng phát sóng là 400.000 USD và không độc quyền là 200.000USD) khiến nhiều nhà đài trong đó có VTV "bó tay".

Và phải đến khi Olympic Việt Nam vượt qua vòng bảng để có mặt ở vòng 1/8, người dân mới có thể đàng hoàng xem trực tiếp thay vì phải xem qua các kênh lậu. Lý do là với nỗ lực của mình, Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) đã đàm phán mua được bản quyền ASIAD 2018 với giá dưới 1,5 triệu USD nhờ sự giúp đỡ của hai doanh nghiệp lớn là Vingroup và Viettel.

Bản quyền EURO 2024: VTV từng hành xử thế nào khi không có bản quyền?- Ảnh 2.

VTV từng tiếp sóng nguyên vẹn từ VOV, bao gồm bình luận, quảng cáo... toàn bộ các môn thi đấu tại ASIAD 2018 diễn ra ở Indonesia, trong đó có bóng đá nam. Ảnh: Báo Người Lao Động

Sau đó, VTV đã tiếp sóng nguyên vẹn từ VOV, bao gồm bình luận, quảng cáo... toàn bộ các môn thi đấu tại ASIAD 2018 diễn ra ở Indonesia, trong đó có bóng đá nam (Olympic Việt Nam lọt tới bán kết) và không phải trả phí.

Dẫn chứng ở trên cũng mở ra phần nào những "khúc mắc" dẫn tới việc VTV và TV360 vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc tiếp sóng EURO 2024.

Ở đây, cần lưu ý tới chi tiết VTV là đơn vị cũng phải tự thu - chi nên nếu phía Viettel Telecom đưa ra "cái giá" không hợp lý, VTV nhiều khả năng cũng không thể tiếp sóng để có thể phát EURO 2024 trên hệ thống kênh quảng bá, phục vụ đông đảo người dân Việt Nam ở vùng sâu, vùng xa, khó tiếp cận công nghệ. Đây cũng là đối tượng chính coi EURO như một "món ăn tinh thần" để họ vơi bớt nhọc nhằn thường nhật.

Những ngày qua, K+, VTV Cab và HTV đã thông báo phát sóng các trận đấu ở EURO 2024. Trong khi đó, khán giả vẫn đang chờ VTV thông báo về việc phát sóng giải đấu này. Tại EURO 2020, VTV đã phát sóng các trận đấu trên các kênh VTV3 và VTV6. Nhiều CĐV Việt Nam có thói quen xem bóng đá trên VTV nên rất mong chờ được theo dõi EURO 2024 trên các kênh quảng bá.

Ngược lại, Viettel cũng là một doanh nghiệp có sức mạnh truyền thông, độ quảng bá với TV360 và sẵn sàng chia sẻ quyền phát sóng với Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV), Truyền hình Vĩnh Long, K+, SCTV, VTVCab. Và Viettel cũng không cần "đổi quảng cáo" để cấp phép tiếp sóng miễn phí cho VTV như cách VOV đã làm với bản quyền ASIAD 2018.

Xem ra khả năng người hâm mộ không được xem EURO 2024 trên hệ thống kênh quảng bá VTV là hoàn toàn có khả năng xảy ra. 

Cần nhớ, tại ASIAD 19 năm 2023, thậm chí người hâm mộ bất đắc dĩ còn phải dõi theo đoàn TT Việt Nam qua kênh... lậu khi không có đơn vị nào tại Việt Nam mua được bản quyền (giá được đối tác đưa ra là 15 triệu USD sau đó đã giảm xuống khoảng 7 triệu USD nhưng vẫn là con số rất lớn để các đài truyền hình Việt Nam có thể chi trả).

Giải đấu lớn gần nhất VTV sở hữu bản quyền là World Cup 2022 với giá khoảng 12 triệu USD. Để có được bản quyền World Cup 2022, VTV đã phải nhờ sự "trợ giúp" của một số ngân hàng và doanh nghiệp. Trong đó, có ngân hàng bỏ ra 100 tỷ tài trợ.

Xa hơn nữa, để có bản quyền World Cup 2018, phải đến giờ chót VTV mới có thể công bố. Ước tính VTV phải chi khoảng 12 triệu USD. Với World Cup 2014, VTV phải chi khoảng 7 triệu USD để có bản quyền và khoảng 3 triệu USD cho bản quyền World Cup 2010.

Tại World Cup 2002, kỳ World Cup đầu tiên Việt Nam phải mua bản quyền, VTV chi 1 triệu USD. Tới World Cup 2006 là 2 triệu USD.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem