Num còn khuyên và những loại bánh độc, lạ mà cứ đến Tết cổ truyền người Khmer lại không thể thiếu

Chúc Ly - Ngọc Quyên Thứ bảy, ngày 16/04/2022 16:18 PM (GMT+7)
Trải qua thời gian, nhiều người thợ tâm huyết vẫn giữ gìn cách làm các loại bánh truyền thống của người Khmer. Những loại bánh quen mà lạ này khiến nhiều người thích thú.
Bình luận 0

Những dịp lễ, tết quan trọng như Sen Dolta, Oóc-om-bóc hay tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, người Khmer sẽ có nhiều món ngon khác nhau, trong đó không thể thiếu các loại bánh truyền thống. 

Những món ăn này trước là để bà con dâng cúng tổ tiên, sau sẽ cùng nhau quây quần thưởng thức. Trải qua thời gian, nét đẹp văn hóa ấy đã được gìn giữ và lưu truyền qua bao thế hệ.

Num còn khuyên hay còn gọi là bánh rế là món bánh truyền thống được đồng bào Khmer xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng làm vào mỗi dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây.

Bà Huỳnh Thị Yều (ngụ xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên), chia sẻ: "Tôi biết làm bánh rế từ hồi 14 tuổi. Hồi đó tôi biết làm là nhờ mẹ dạy. Những loại bánh dân dã mộc mạc như bánh rể được làm để dùng trong nhà, rồi biếu cho bà con dòng họ. Nhất là trong những dịp lễ, tết thì không thể thiếu được".

Thơm ngon những loại bánh quen mà lạ của người Khmer - Ảnh 2.

Những loại bánh lạ mà quen của người Khmer khiến nhiều người thích thú. Ảnh: NM.

Nguyên liệu chính của bánh rể là gạo nếp và đậu xanh bỏ vỏ. Gạo nếp vo sạch, rang vàng; còn đậu xanh sau khi rang thì xay nhuyễn. Sau đó, trộn hai nguyên liệu này với nhau, rồi mang đi xay một lần nữa. Điều đặc biệt tạo nên sự thơm ngọt tự nhiên của bánh rế chính là nước nhồi bột được thắn từ đường và cốt dừa.

Theo bà Yều, sau khi để nguội, nước đường cần được cho từ từ vào bột, nhồi khoảng mười lăm phút rồi ủ trong một tiếng để bột nở mềm, về sau sẽ dễ dàng tạo hình hơn.

Thơm ngon những loại bánh quen mà lạ của người Khmer - Ảnh 3.

Bà Huỳnh Thị Yều (ngụ xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên) và em Lý Văn Thắng làm bánh rế. Ảnh: NM.

"Bí quyết của mình là chỗ đậu xanh với nước cốt dừa. Có đậu xanh với nước cốt dừa nhiều là ngon. Ngoài ra, công đoạn cuối cùng là áo lớp bột bên ngoài bánh ghế rồi mang đi chiên cũng phải chú ý. Bí quyết ở bước này là người thợ phải canh lửa thật kỹ, sao cho bánh không bị sống cũng chẳng quá chín. Bánh sống sẽ không ăn được, còn nếu chín quá thì sẽ mất độ ngọt tự nhiên", bà Yều chia sẻ.

Tuy phần nguyên liệu có phần đơn giản, nhưng việc tạo hình bánh rế cũng rất công phu, tốn nhiều thời gian của người làm.

Thơm ngon những loại bánh quen mà lạ của người Khmer - Ảnh 4.

Thơm ngon những loại bánh quen mà lạ của người Khmer - Ảnh 5.

Tạo hình bánh rế khá kỳ công. Ảnh: NM.

Không chỉ là cháu ruột trong gia đình, ngay từ nhỏ, em Lý Văn Thắng đã được cô Yều hết lòng dạy cho tất cả các công đoạn làm nên chiếc bánh truyền thống. Nhiều người trong xóm cũng mừng cho cô Yều vì cô đã tìm được đúng người kế thừa cho nghề bánh vốn rất công phu này.

"Từ lúc làm bánh bán đã mười mấy năm là bấy nhiêu thời gian cháu nó qua phụ mình. Tôi dạy nó lần đầu là cháu biết liền, làm rất thành thục", bà Yều cho hay.

Cũng theo bà Yều, nhờ thạo nghề, nhiều khách ở một số nơi khác cũng đặt bà làm bánh. Một năm chủ yếu bán được 3 đợt nhiều nhất là Thanh minh, Tết Dân tộc với Tết Dolta.

Thơm ngon những loại bánh quen mà lạ của người Khmer - Ảnh 6.

Thơm ngon những loại bánh quen mà lạ của người Khmer - Ảnh 7.

Cách chiên bánh rế cũng cũng đòi hỏi có kỹ thuật riêng. Ảnh: NM.

Vậy là, từ một người yêu thích làm bánh, cô Yều dần trở thành thợ làm bánh chuyên nghiệp. Món bánh truyền thống phần nào cũng giúp bà trang trải cuộc sống gia đình.

Vốn đã khéo tay lại thêm phần chăm chỉ, nên mỗi khi vào vụ, cô Yều và em Thắng có thể làm hơn 200 chiếc bánh một ngày. Người mua trong và ngoài địa phương đều đến tận nhà để đặt và lấy hàng.

Ngoài bánh rế, num kha mos là tên một loại bánh làm từ đậu xanh, dừa nạo và gạo nếp. Đây cũng là một trong những món bánh truyền thống của người Khmer nhưng khá lạ với nhiều người.

Chị Sơn Thị Đà Ni (xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên) cho hay: "Từ nhỏ tới lớn tôi nghe người ra gọi là bánh num kha mos, nên kêu tới giờ luôn. Để thêm phần thơm ngọt, ngoài nguyên liệu chính, bánh num kha mos còn được cho vào một ít mè, đậu phộng và đường. Tất cả sẽ được xào cùng với nhau trên lửa nhỏ".

"Hồi chưa có bột sẵn, tôi lấy gạo rồi để cho khô sau đó đâm. Đâm xong rồi tôi sàng, kế đó cho trứng gà vô và nhồi. Bây giờ, làm bánh đơn giản hơn xưa rất nhiều, bởi tất cả các nguyên liệu đều có sẵn", bà Cao Thị Sen (xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên) chia sẻ.

Thơm ngon những loại bánh quen mà lạ của người Khmer - Ảnh 8.

Từ khi còn nhỏ, bà Sen đã được mẹ dạy cho cách làm nhiều món ăn truyền thống của dân tộc. Đến nay cũng đã hơn năm mươi năm, ngần ấy thời gian khiến bà cảm thấy khó lòng rời ra những chiếc bánh đậm đà hương vị cũ.

So với bánh rế, việc tạo hình bánh num kha mos không mất nhiều công sức. Lớp áo bên ngoài của bánh cũng được làm từ hỗn hợp bột nếp, bột nghệ và hột gà theo một tỉ lệ nhất định. Phần nhân chỉ cần nắn thành những viên tròn có kích thước vừa phải, đem nhún vào lớp bột áo này rồi chiên trong dầu nóng.

Bởi có vị ngọt của đường và dừa, vị bùi của đậu, nên đồng bào Khmer thường ăn num kha mos để cầu mong thuận lợi, may mắn. Trong những dịp lễ Tết quan trọng, bánh sẽ được dâng cúng thần linh, ông bà tổ tiên như một cách để bày tỏ lòng thành kính, sự tri ân của con cháu.

Nghề làm bánh của gia đình cô Sen cứ thế mà truyền đời, góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa cho làng quê phum sóc.

Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây là lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào Khmer. Bên cạnh bánh rế hay bánh num kha mos, đồng bào Khmer vẫn còn rất nhiều món ăn khác dâng cúng tổ tiên trong dịp này như: Bánh tét, bánh quai vạc, bánh bông lan,…

Những ngày trước Tết, bà con thường tất bật dọn dẹp nhà cửa, trang trí nơi thờ cúng tổ tiên. Con cháu ở xa cũng về sum họp cùng gia đình. Nguyên vật liệu để làm các món ăn truyền thống cũng được chuẩn bị rất chu đáo.

Chị Thạch Thị Phollay - Phó Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Tham Đôn, hông tin: "Xã Tham Đôn còn khoảng 200 hộ làm bánh gừng, bánh rế. Làm bánh gừng, bánh rế này là bản sắc của người dân tộc Khmer từ xưa tới giờ. Cứ đến Tết Chôl Chnăm là nhà ai cũng làm, sau đó đem lên chùa hay biếu tặng người thân".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem