Bao giờ lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được nhận gói hỗ trợ?

Thùy Anh Thứ hai, ngày 19/07/2021 15:59 PM (GMT+7)
Quyết định 23 có hiệu lực từ ngày 8/7, đúng ra các lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ được nhận luôn hỗ trợ, nhưng vì nội dung hỗ trợ lao động tự do được giao cho các địa phương nên việc triển khai tới nay mỗi nơi mỗi khác.
Bình luận 0

Nơi làm xong nơi chưa ký quyết định ban hành

Một số tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước trong công tác tổ chức hỗ trợ lao động tự do là TP.Hồ Chí Minh và Bình Định, hay Cần Thơ.

Tại tỉnh Bình Định, Sở LĐTBXH tỉnh đã đề xuất hỗ trợ gần 29.000 người lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng kinh phí khoảng 43 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã chi trả cho gần 2.000 lao động tự do, tổng kinh phí gần 2,92 tỷ đồng trong ngày 18/7.

Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Định xác nhận, thực hiện hỗ trợ 7 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động nghỉ việc không hưởng lương.

Dự kiến phải tới ngày 20/7 một số tỉnh thành như Hà Nội; Ninh Bình, Thanh Hóa mới có quyết định và tiến hành hỗ trợ cho lao động tự do. Ảnh: N.T

Dự kiến phải tới ngày 20/7 một số tỉnh thành như Hà Nội; Ninh Bình, Thanh Hóa mới có quyết định và tiến hành hỗ trợ cho lao động tự do. Ảnh: N.T

Tại TPHCM, khoảng 99,36% trong tổng số 230 nghìn người lao động tự do đã được nhận hỗ trợ với tổng kinh phí gần 354 tỷ đồng từ gói hỗ trợ 886 tỷ đồng của thành phố. TP cũng tiến hành chi trả hỗ trợ với lao động tạm ngưng việc; lao động mất việc không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp; trẻ em bị cách ly...

Còn tại Cần Thơ, có gần 1.200 người bán vé số lẻ lưu động tại quận Thốt Nốt và quận Bình Thủy đã được tổng hợp danh sách, đề nghị UBND thành phố Cần Thơ xem xét, dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ gần 1,32 tỷ đồng.

Bảo hiểm xã hội thành phố Cần Thơ xác định có 3.477 người sử dụng lao động và trên 95.000 người lao động được hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, dự kiến tổng kinh phí trong 12 tháng trên 31 tỷ đồng.

Đồng Tháp cũng bắt đầu thực hiện chương trình hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó có 262 nghìn người trong diện được hỗ trợ. Riêng lao động tự do không có giao kết hợp đồng lao động gồm: Bán vé số, bán hàng rong, xe ôm, bốc vác, phụ hồ... vào khoảng 152 nghìn đối tượng. Đây đều là những đối tượng đã được hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP từ năm 2020.

Gói hỗ trợ lần 2 có tổng kinh phí là 26 nghìn tỷ; trong đó riêng tiền chi cho đào tạo, tái đào tạo nghề là 4.500 tỷ đồng. Số tiền còn lại được chi cho các hoạt động hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho 12 đối tượng bao gồm cả người lao động và người sử dụng lao động; trẻ em bị cách ly.

20/7 Hà Nội, Ninh Bình sẽ bắt đầu hỗ trợ lao động tự do

Tại Hà Nội, 1 tuần sau khi Quyết định 23 có hiệu lực, lãnh đạo Sở LĐTBXH vẫn cho biết, sở mới tham mưu, trình dự thảo quyết định hỗ trợ lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Theo thông tin từ ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó giám đốc Sở LĐTBXH thì, dự kiến vào ngày 20/7 tới đây, UBND TP Hà Nội sẽ ban hành quyết định hỗ trợ. Hiện tại sở mới cho địa phương triển khai hỗ trợ với nhóm lao động, doanh nghiệp có danh sách. Ví dụ lao động ngừng việc; lao động giãn việc có hợp đồng; lao động nuôi con nhỏ; lao động mang thai; trẻ em thuộc diện cách ly... riêng lao động tự do, TP chưa thể triển khai vì đợi quyết định phê duyệt đối tượng; điều kiện thụ hưởng. Dự kiến sẽ có 12 nhóm đối tượng thụ hưởng, riêng đối tượng, điều kiện lao động tự do thụ hưởng thì bên này chưa công bố.

"Quyết tâm của Sở là tới ngày 26 hoặc 27/7 phải triển khai hỗ trợ tiền tới người dân và doanh nghiệp, trong đó có lao động tự do", ông Khánh nói.

Rất nhiều lao động tự do bị mất việc khi Hà Nội thông báo tạm dừng mở cửa hoạt động không thiết yếu đang cần hỗ trợ gấp. Ảnh chụp thời điểm tháng 3/2021 - N.T

Rất nhiều lao động tự do bị mất việc khi Hà Nội thông báo tạm dừng mở cửa hoạt động không thiết yếu đang cần hỗ trợ gấp. Ảnh chụp thời điểm tháng 3/2021 - N.T

Ông Khánh cũng cho biết, sở đã nghiên cứu và đề xuất TP phân công một cơ quan để xây dựng phương thức chi trả, kể cả áp dụng công nghệ thông tin để làm sao đảm bảo đúng nguyên tắc, theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23; cũng như đảm bảo đúng người, đúng đối tượng được hưởng, không trùng lặp và không bị lợi dụng chính sách.

Tại Ninh Bình, tỉnh này đặt thời gian, tới ngày 20/7 sẽ có danh sách lao động tự do nhận hỗ trợ và bắt đầu tiến hành hỗ trợ cho nhóm đối tượng này.

Các đối tượng là lao động tự do được hỗ trợ lần này được mở rộng, số tiền hỗ trợ cũng cao hơn so với quy định (50 nghìn đồng/ngày) như: Người bán hàng rong, gom rác phế liệu, bán vé số, chở xe ôm, xích lô chở khách đến những người làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ) đều được chính sách hỗ trợ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem