Bảo hiểm xe máy dùng để làm gì?

Nguyên Vỹ Thứ bảy, ngày 16/05/2020 11:23 AM (GMT+7)
Bảo hiểm xe máy là một trong 4 giấy tờ xe bắt buộc mang theo đối với người điều khiển xe máy tham gia giao thông. Vậy bảo hiểm xe máy dùng để làm gì?
Bình luận 0

Không mang bảo hiểm xe máy, không có bảo hiểm xe máy bị xử phạt bao nhiêu?

Đối với người điều khiển xe máy tham gia giao thông bắt buộc phải mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (còn gọi bảo hiểm xe) theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008.

Trường hợp người tham gia giao thông bằng xe máy không mang hoặc không có giấy bảo hiểm xe máy sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Lỗi không mang hay không có bảo hiểm xe máy hoặc không có bảo hiểm xe máy sẽ có mức phạt từ 100.000 đồng – 200.000 đồng.

Bảo hiểm xe máy là gì?

Văn bản số 25/VBHN-BTC là văn bản hợp nhất các Nghị định số 103/2008//NĐ-CP và Nghị định số 214/2013/NĐ-CP quy định chi tiết về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Theo đó, chủ xe cơ giới phải tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo quy định pháp luật. Biểu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới do Bộ Tài chính quy định.

Chủ xe cơ giới không được đồng thời tham gia hai hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự trở lên cho cùng một xe cơ giới.

Ngoài việc tham gia hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, chủ xe cơ giới có thể thỏa thuận với doanh nghiệp bảo hiểm để tham gia hợp đồng bảo hiểm tự nguyện.

Bảo hiểm xe máy để làm gì? - Ảnh 2.

Bảo hiểm xe máy là một trong 4 giấy tờ xe bắt buộc mang theo đối với người điều khiển xe máy tham gia giao thông. Ảnh minh họa. I.T

Bảo hiểm xe máy để làm gì?

Theo quy định tại Nghị định số 214/2013/NĐ-CP, khi tai nạn xảy ra, trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho chủ xe cơ giới số tiền mà chủ xe cơ giới đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

Trường hợp chủ xe cơ giới chết hoặc bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại.

Trường hợp cần thiết, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng ngay những chi phí cần thiết và hợp lý trong phạm vi trách nhiệm bảo hiểm nhằm khắc phục hậu quả tai nạn.

Mức bồi thường bảo hiểm bao nhiêu?

Khoản 3, Điều 14 Nghị định này quy định, mức bồi thường bảo hiểm về người được xác định dựa trên Bảng quy định trả tiền bồi thườngthiệt hại về người theo quy định của Bộ Tài chính.

Mức bồi thường thiệt hại về tài sản được xác định theo thiệt hại thực tế và theo mức độ lỗi của chủ xe cơ giới.

Doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường phần vượt quá mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định của Bộ Tài chính.

Trường hợp chủ xe cơ giới đồng thời tham gia nhiều hợp đồng, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự cho cùng một xe cơ giới thì số tiền bồi thường chỉ được tính theo hợp đồng bảo hiểm đầu tiên.

Hồ sơ bồi thường gồm những gì?

Hồ sơ bồi thường do doanh nghiệp bảo hiểm lập bao gồm các tài liệu sau:

Tài liệu liên quan đến xe, lái xe.

Các giấy tờ chứng minh thiệt hại về người và tài sản.

Tài liệu liên quan của cơ quan có thẩm quyền về vụ tai nạn.

Doanh nghiệp bảo hiểm, chủ xe cơ giới có trách nhiệm thu thập, cung cấp các tài liệu liên quan trong hồ sơ bồi thường theo sự hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài chính.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem