Bất thường trong việc cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh của Sở Y tế Hải Dương

Nguyễn Đức Thứ ba, ngày 15/09/2020 10:05 AM (GMT+7)
Sở Y tế Hải Dương đã cấp Chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh (bác sĩ) cho một số cử nhân y khoa "Đông Tây y kết hợp" học ở Quảng Tây (Trung Quốc). Tuy nhiên, việc cấp chứng chỉ này đã lộ ra một loạt những bất cập, có dấu hiệu trái quy định.
Bình luận 0

Bất cập trong việc cấp chứng chỉ

Theo tài liệu của phóng viên, năm 2010, ông P.H.D, quê ở Hải Dương ký hợp đồng lao động với Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình (TP.Hải Dương), nghề nghiệp bác sĩ. Đến ngày 10/11/2017, ông D được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình.

Năm 2019, Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình đã rà soát hồ sơ nhân sự của cán bộ, công nhân viên và ông D có một số điểm bất hợp lý về bằng cấp.

Sau đó, bệnh viện đã điều chuyển ông P.H.D về công tác tại khoa Y học cổ truyền, đúng với chuyên ngành được đào tạo nhưng ông D nghỉ việc. Bệnh viện đã ra Quyết định sa thải đối với ông P.H.D vào năm 2019.

Từ sự việc này đã "lộ" ra một loạt những bất cập trong việc cấp Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh của Sở Y tế tỉnh Hải Dương.

Cụ thể, từ tháng 9/2004 đến tháng 7/2009, ông P.H.D (quê ở Hải Dương, nguyên là Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình) đã học và tốt nghiệp Học viện Trung y Quảng Tây (Trung Quốc), chuyên ngành "Y học lâm sàng Đông Tây y kết hợp".

Ngày 17/12/2009, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công nhận là Bằng tốt nghiệp Đại học và chưa được công nhận danh hiệu Bác sĩ.

Sau khi về nước, ông P.H.D đã tham dự một số lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành. Cụ thể, từ tháng 8/2010 đến tháng 7/2011, học tại trường Đại học Y Hà Nội và được cấp Chứng chỉ định hướng bác sĩ chuyên khoa, chuyên ngành "Y học cổ truyền".

Bất thường trong việc cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh của Sở Y tế Hải Dương - Ảnh 1.

Chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh được Sở Y tế Hải Dương cấp cho ông P.H.D

Từ ngày 20/5/2013 đến ngày 20/11/2013, học tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương và được cấp Giấy chứng nhận "Siêu âm ổ bụng tổng quát".

Từ ngày 1/10/2013 đến ngày 27/10/2014, học tại Trường Đại học Y Hà Nội và được cấp Chứng chỉ định hướng chuyên khoa - chuyên ngành "Nội"; từ ngày 11/8/2014 đến ngày 7/11/2014, ông P.H.D còn học tại Bệnh viện Bạch Mai và được cấp Chứng chỉ chuyên ngành "Siêu âm tim mạch".

Tuy nhiên điều "lạ" là trong cùng một thời gian, ngày 1/10/2013 đến ngày 20/11/2013 ông P.H.D học tại 2 nơi là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương và Trường Đại học Y Hà Nội.

Tương tự như vậy, trong thời gian từ ngày 11/08/2014 đến 07/11/2014, ông P.H.D vừa học Định hướng Nội khoa tại trường Đại học Y Hà Nội vừa học chứng chỉ siêu âm Tim mạch tại Bệnh viện Bạch Mai.

Việc ông D học cùng một thời điểm nhiều trường không phù hợp với Quy chế đào tạo của các cơ sở ngành y.

Ngoài ra, từ tháng 4/2017 đến tháng 7/2017, ông D học tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương và mới được cấp Giấy chứng nhận "Khám và điều trị bệnh nội tiết".

“Bất thường” trong việc cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh của Sở Y tế Hải Dương - Ảnh 2.

Trụ sở Sở Y tế tỉnh Hải Dương.

Nhưng trước đó, từ ngày 12/10/2015, ông P.H.D đã được Sở Y tế tỉnh Hải Dương xác nhận văn bằng Bác sĩ và cấp Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh với phạm vi hoạt động chuyên môn: "Khám bệnh, chữa bệnh Nội khoa, siêu âm".

Sở Y tế Hải Dương cấp chứng chỉ hành nghề trái quy định?

Ngày 13/8, lãnh đạo Sở Y tế Hải Dương đã cung cấp cho phóng viên Dân Việt văn bản thông tin về việc cấp chứng chỉ hành nghề cho một số người hành nghề tại Bệnh viện đa khoa Hoà Bình.

Theo đó, Sở Y tế Hải Dương xác nhận ông P.H.D có bằng tốt nghiệp cử nhân y khoa chuyên ngành y học lâm sàng Đông Tây y kết hợp do Học viện Trung y Quảng Tây Trung Quốc cấp năm 2009, thời gian đào tạo 5 năm.

Sau đó, ông D về Việt Nam học định hướng chuyên nghành nội khoa do trường Đại học Y Hà Nội cấp, thời gian đào tạo 12 tháng. Ông D sau đó tiếp tục được cấp giấy chứng nhận siêu âm ổ bụng tổng quát do Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương cấp, thời gian 6 tháng; học siêu âm tim mạch tại Bệnh viện Bạch Mai thời gian 3 tháng.

Sở Y tế tỉnh Hải Dương đã cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với ông P.H.D vào năm 2015, với văn bằng bác sỹ và phạm vi chuyên môn : Khám bệnh, chữa bệnh nội khoa, siêu âm.

Việc cấp chứng chỉ nêu trên căn cứ vào Luật khám chữa bệnh năm 2009; Nghị định 87/2011/ NĐ-CP năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh; Thông tư số 41/2011/TT-BYT năm 2011 của Bộ Y tế hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Công văn số 1806/BYT-CCB ngày 30/3/2010. Sở Y tế tỉnh Hải Dương khẳng định việc cấp chứng chỉ là đúng theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trên thực tế, đối chiếu ở cả hai văn bản pháp lý nêu trên (Luật khám chữa bệnh năm 2009; Nghị định 87/2011/ NĐ-CP năm 2011; Thông tư số 41/2011/TT-BYT năm 2011) đều không có điều, khoản nào quy định việc cấp Chứng chỉ hành nghề (CCHN) khám bệnh, chữa bệnh Nội khoa – Siêu âm; Phục hồi chức năng cho người có trình độ cử nhân Y khoa Y học lâm sàng Đông Tây y kết hợp (Đông Y) đã học ở nước ngoài.

“Bất thường” trong việc cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh của Sở Y tế Hải Dương - Ảnh 3.

Văn bản Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) gửi Sở Y tế tỉnh Hải Dương.

Trên văn bằng ghi rõ chuyên ngành mà ông P.H.D mang về là Y học lâm sàng Đông Tây y kết hợp. Soi chiếu với văn bản pháp lý đã nêu là TT41/2011 của BYT và TT41/2015 đã sửa đổi thì không thấy có chuyên ngành nào là chuyên ngành "Y học lâm sàng Đông Tây y kết hợp". Soi chiếu bảng điểm của ông P.H.D thì thấy các môn thi chủ chốt là Đông y (Y học cổ truyền).

Trước đó, Sở Y tế Hải Dương cũng có văn bản gửi Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) về việc cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh.

Trong công số 648 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) gửi Sở Y tế tỉnh Hải Dương đã thể hiện rõ: "Điều 7a, Thông tư số 41/2015 của Bộ Y tế thì phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trên chứng chỉ hành nghề theo các nhóm chuyên khoa quy định tại phụ lục 4b.

Theo đó thì bác sĩ y khoa dự phòng có phạm vi hoạt động như sau: phát hiện và xử trí các bệnh thông thường; xử trí ban đầu một số trường hợp cấp cứu tại cộng đồng. Bác sĩ y học cổ truyền, khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

Như vậy, người hành nghề bắt đầu thực hành sau ngày 1/1/2012 dù có chứng chỉ định hướng chuyên khoa Nhi, Nội tổng hợp…. cũng không được cấp phạm vi hoạt động theo chuyên khoa đó mà phải ghi theo phạm vi đã được quy định như trên.

Người hành nghề được cấp chứng chỉ hành nghề ghi phạm vi hoạt động chuyên môn theo chuyên khoa đã được thực hành chỉ áp dụng trong trường hợp có văn bằng chuyên môn là bác sỹ đa khoa".

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem