Giá thuốc bị chênh lệch gần 82 tỷ đồng: Do không đấu thầu mua thuốc?
Giá thuốc bị chênh lệch gần 82 tỷ đồng: Do không đấu thầu mua thuốc?
Đình Việt
Thứ sáu, ngày 11/09/2020 11:08 AM (GMT+7)
Theo hồ sơ PV Dân Việt có được, ông Hứa Ngọc Thuận, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM từng ký văn bản cho phép các bệnh viện, cơ sở y tế mua thuốc theo kết quả trúng thầu của Bệnh viện Chợ Rẫy, trong khi chờ kết quả đấu thầu tập trung.
Như Dân Việt đã phản ánh trong bài viết "TP.HCM: Giá thuốc bị chênh lệch gần 82 tỷ đồng do vi phạm trong đấu thầu", ngày 13/9/2019, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra số 1574/KL-TTCP về cấp giấy phép nhập khẩu, giấy đăng ký lưu hành đối với 10 loại thuốc của Công ty Helix, cấp giấy phép hoạt động cho Công ty Helix và việc trúng các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của Công ty cổ phần VN Pharma.
Theo đó, năm 2013 và quý 1 năm 2014, UBND TP.HCM không tổ chức đấu thầu để mua thuốc, chỉ đạo các cơ sở y tế mua thuốc theo hình thức gia hạn hợp đồng, mua sắm trực tiếp, áp đơn giá trúng thầu của bệnh viện Chợ Rẫy năm trước…, là vi phạm quy định tại Thông tư số 01/2012/TTLT-BYT-BTC.
Việc chỉ đạo mua thuốc theo phương thức mua sắm trực tiếp và áp giá trúng thầu bệnh viện Chợ Rẫy dẫn đến đơn giá thuốc đã mua cao hơn giá thuốc các địa phương lân cận tổ chức đấu thầu mua thuốc theo quy định.
Số tiền chênh lệch giá thuốc đã bị cơ quan Bảo hiểm xã hội từ chối thanh toán gần 82 tỷ đồng.
Tại thời điểm thanh tra, đã xử lý được hơn 31 tỷ đồng, số tiền hơn 50 tỷ đồng còn lại đang chờ xử lý.
Liên quan đến số tiền chênh lệch này, theo hồ sơ PV Dân Việt có được, ông Hứa Ngọc Thuận, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM là người ký các văn bản liên quan cho phép các cơ sở y tế mua thuốc theo hình thức gia hạn hợp đồng và mua sắm trực tiếp, áp đơn giá của Bệnh viện Chợ Rẫy.
Cụ thể, tháng 12/2012, nhằm đảm bảo nguồn gốc thuốc, hóa chất và các loại vật tư y tế sử dụng cho năm 2013, Sở Y tế TPHCM đề nghị UBND thành phố cho phép các cơ sở y tế công lập tự tổ chức đấu thầu mua thuốc theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2012, trong khi chờ thành lập Trung tâm đấu giá mua sắm tài sản công của ngành y tế TP.HCM.
Ngày 6/2/2013, ông Hứa Ngọc Thuận ký văn bản 689 có nội dung: "Chấp thuận cho các cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu mua thuốc năm 2013 theo nhu cầu sử dụng từng đơn vị. Sau khi Trung tâm đấu giá mua sắm được thành lập, Trung tâm sẽ tổ chức đấu thầu tập trung từ năm 2014 theo lộ trình".
Sau đó, Sở Y tế trình báo cáo thẩm định kế hoạch đấu thầu của các đơn vị y tế công lập thành phố.
Thế nhưng UBND TP.HCM đã không phê duyệt mà tiếp tục có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của ông Hứa Ngọc Thuận như sau: "Việc mua sắm thuốc và vật tư y tế tiêu hao trong năm 2013 giao Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện công lập của thành phố tập trung, khẩn trương lập danh mục, số lượng sử dụng để báo cáo Trung tâm mua sắm hàng hóa và tài sản công của ngành y tế, chuẩn bị kế hoạch đấu thầu theo quy định".
Ngày 11/9/2013, ông Thuận lại tiếp tục ký văn bản số 4784 về việc cho phép mua thuốc y tế trong khi chờ kết quả đấu thầu tập trung năm 2013 với nội dung cho phép các bệnh viện, cơ sở y tế thuộc Sở Y tế và quận huyện được mua sắm trực tiếp theo kết quả trúng thầu năm 2013 của Bệnh viện Chợ Rẫy.
Thực hiện chỉ đạo trên, Sở Y tế TP.HCM và các bệnh viện đã tiến hành các thủ tục mua sắm.
Tuy nhiên, do tháng 11/2013 mới có kết quả mua sắm trực tiếp theo kết quả đấu thầu của Bệnh viện Chợ Rẫy nên trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 11, các đơn vị đã phải mua bổ sung thuốc theo hợp đồng cũ để không thiếu thuốc phục vụ khám chữa bệnh.
Tháng 12/2013, UBND TP.HCM tiếp tục có văn bản cho phép các cơ sở y tế công lập ký phụ lục hợp đồng để mua thuốc sử dụng đến hết tháng 3/2014 trong khi chờ kết quả đấu thầu tập trung.
Như Dân Việt đã thông tin, Thanh tra TP.HCM dẫn kết luận của Thanh tra Chính phủ cho rằng năm 2013 và quý 1 năm 2014, UBND TP.HCM không tổ chức đấu thầu để mua thuốc, chỉ đạo các cơ sở y tế mua thuốc theo hình thức gia hạn hợp đồng, mua sắm trực tiếp, áp đơn giá trúng thầu của bệnh viện Chợ Rẫy năm trước…, là vi phạm quy định tại Thông tư số 01/2012/TTLT-BYT-BTC.
Năm 2016, Sở Y tế TP.HCM có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng xem xét thanh toán chênh lệch tiền thuốc gần 82 tỷ đồng nhưng đã bị từ chối với lý do "không có cơ sở xem xét, giải quyết".
Ngày 10/9 trao đổi với Dân Việt, ông Hứa Ngọc Thuận cho rằng, kết luận của cơ quan thanh tra là thiếu trung thực và không khách quan. Nguyên Phó Chủ tịch TP.HCM nói rằng mình đã báo cáo Chính phủ và Thanh tra Chính phủ.
Nguyên Phó Chủ tịch TP.HCM cũng đề nghị phóng viên thông cảm vì đã nghỉ hưu nên không còn giữ tài liệu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.