Bầu cử Mỹ 2024: Bà Harris không được là chính mình, ông Trump đang có xu hướng tốt
Giáo sư Mỹ: Bà Harris không được là chính mình, ông Trump đang có xu hướng tốt
Mỹ Hằng thực hiện
Thứ hai, ngày 04/11/2024 15:32 PM (GMT+7)
Giáo sư Terry Buss - học giả nghiên cứu, Học viện Hành chính quốc gia Hoa Kỳ, giáo sư thỉnh giảng của Trường Quản trị và Kinh doanh thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, trò chuyện với Dân Việt về cuộc bầu cử Mỹ 2024 đang diễn ra.
* Thưa Giáo sư, ông nhận xét thế nào về tình hình chung của mỗi ứng cử viên đến thời điểm này của cuộc bầu cử Mỹ 2024? Ông đánh giá về từng ứng cử viên thế nào?
- Tôi nghĩ rằng cả hai ứng cử viên đều gần như ngang nhau, và điều đó có nghĩa là rất khó để dự đoán ai sẽ thắng. Vì vậy, tôi không nghĩ mọi người tập trung quá nhiều vào việc ai giành chiến thắng. Họ tập trung vào những lợi ích mà mỗi ứng cử viên sẽ mang lại cho cuộc sống của họ.
Với bà Harris, bà ấy đã thực hiện một chiến lược là không cho công chúng biết chính xác bà ấy đại diện cho điều gì. Lý do là người ta sẽ chú ý đến việc bà ấy đã không được đề cử làm ứng cử viên phó tổng thống chống lại ông Trump, mà là ông Biden đã bỏ cuộc, và sau đó bà ấy trở thành ứng cử viên.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng bà ấy không muốn thực sự nói ra suy nghĩ của mình và những gì bà ấy sẽ làm, bằng chứng là bà ấy đã không thể tổ chức họp báo trong 3 tháng qua. Điều này chưa từng có trong bầu cử tổng thống, vì vậy tôi không thể thực sự nói bà ấy đại diện cho điều gì.
Cử tri phải đối mặt với sự lựa chọn giữa một người mà họ không thực sự biết và một người mà họ biết và họ có thể không thích.
Mọi người sẽ hỏi bà ấy đã làm gì dưới thời chính quyền Biden? Và dưới thời chính quyền Biden, bà ấy khá lặng lẽ, ít khi xuất hiện, và kết quả là bà ấy có tỷ lệ chấp thuận khá thấp với người Mỹ.
Điều trớ trêu là bà Harris đã nhảy vào cuộc cạnh tranh với ông Trump, chủ yếu là vì Đảng Dân chủ đã tập hợp lại đằng sau bà. Họ không còn lựa chọn nào khác. Vậy nên tôi không thể thực sự nói rằng chính sách của bà ấy sẽ khác với chính sách của ông Biden như thế nào và bà ấy cũng nói rằng chúng cũng không khác nhau nhiều lắm.
Vậy nên tôi đoán là nếu ai thích Biden - Harris trong 4 năm qua, thì có lẽ người đó sẽ thích Biden - Harris, hoặc ít nhất là về phần Harris trong 4 năm tới.
Còn về phần Trump, ông ấy có thành tích bốn năm làm tổng thống mà bà Harris không có. Vì vậy, mọi người biết Trump đã làm gì trong quá khứ.
Ông ấy có thành tích rất tốt về kinh tế. Ông ấy cũng làm khá tốt trong việc quản lý Covid-19. Dưới thời ông ấy có tỷ lệ lạm phát thấp, tỷ lệ thất nghiệp thấp. Ông ấy đưa mức lương thực tế tại Mỹ tăng lên, nhóm dân số thiệt thòi là người Mỹ da đen, người Mỹ gốc La tinh, mức lương của họ đều tăng. Vì vậy, ông ấy có một thành tích tốt để tranh cử.
Điều thú vị về ông ấy là trong suốt thời gian đó, ông ấy đã bị tấn công dữ dội từ các phương tiện truyền thông và Đảng Dân chủ và tất cả những đối thủ. Vì thế, tôi nghĩ cách để đánh giá nhiệm kỳ tổng thống của Trump là xem xét các chính sách của ông ấy chứ không phải nhìn vào cá nhân ông ấy, bởi vì Trump là một người có một không hai.
Ông ấy là một cựu nghệ sĩ giải trí, vì vậy ông ấy có một tính cách và cách làm việc không giống bất kỳ viên chức công nào mà chúng ta từng thấy. Vì vậy, mọi người có thể không thích ông ấy, nhưng đôi khi họ thích vì chính sách.
Vì vậy, đối với các cử tri ở Mỹ , họ phải đối mặt với sự lựa chọn giữa một người mà họ không thực sự biết và một người mà họ biết và họ có thể không thích. Họ chỉ có hai lựa chọn như vậy.
Hiệu ứng từ tranh cử với người nổi tiếng
* Việc bà Kamala Harris bước vào cuộc tranh cử muộn trong một bối cảnh được xem là "binh biến" với ông Biden, nhưng bà được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nhân vật quan trọng trong Đảng Dân chủ, các ngôi sao như Taylor Swift... liệu có cho thấy bà là ứng cử viên mạnh không và tác động thế nào đến khả năng chiến thắng của bà, thưa Giáo sư?
- Tôi nghĩ rằng, vì bà Harris được chọn vào gần cuối chu kỳ bầu cử tổng thống, nên bà ấy không có nhiều thời gian để trình bày rõ ràng các chính sách của mình, và bà phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan, bà nên là Tổng thống Joe Biden thứ hai hay nên là chính mình?
Và Đảng Dân chủ không cho phép bà là chính mình. Vì vậy, họ muốn bà tiếp tục các chính sách cực tả mà ông Biden đã đưa ra. Vì vậy tôi nghĩ đó là một lý do tại sao bà Harris miễn cưỡng khi nói về các chính sách của mình.
Nhưng từ những gì bà nói, có vẻ như đó sẽ là một biến thể của những gì ông Biden đã làm trong quá khứ.
Về sự ủng hộ dành cho bà Harris, mọi người thường nghĩ rằng Đảng Cộng hòa là đảng của những tỷ phú giàu có, nhưng không phải vậy. Thực ra là Đảng Dân chủ.
Bill Gates hay những người ủng hộ như ông, tất cả họ đều là đảng viên Dân chủ, là tỷ phú. Các tỷ phú đã trao cho bà Harris một số tiền chưa từng có. Chỉ trong tháng qua hoặc hơn tháng qua, họ đã đóng góp 1 tỷ USD cho chiến dịch để bà có thể quảng cáo ở khắp mọi nơi tại Mỹ, trên TV và báo chí, bất cứ nơi nào bà muốn.
Ngược lại, Trump không kêu gọi được nhiều như vậy. Vì vậy, bây giờ bà đã trở thành người chịu ơn. Bà nợ những tỷ phú này một thứ gì đó, đó là những gì họ muốn.
Họ là những người theo chủ nghĩa toàn cầu. Phần lớn họ là những người cực tả. Họ không thích vai trò của nước Mỹ. Họ muốn một cái gì đó rất khác. Vì vậy, bà bị ràng buộc bởi những gì họ muốn, và nếu bà được bầu làm tổng thống, bà sẽ không thể thay đổi điều đó. Đó là điều được chờ đợi về các chính sách của bà.
Ngoài ra có thể thấy từ Harris là bà đang theo đuổi một chiến dịch tranh cử với những người nổi tiếng. Taylor Swift như bạn nói, hay George Clooney và những siêu sao Hollywood này họ đều đã lên tiếng và ủng hộ bà.
Nhưng điều bà không hiểu là những người đó không đại diện cho người Mỹ trung bình. Họ siêu giàu, họ có chính sách rất cánh tả và họ đều sống ở California hoặc Bờ Đông. Nên khi bà ấy nói chuyện với những người đó và khiến họ ủng hộ bà, bà ấy không nhận ra rằng có những người thuộc tầng lớp lao động mà các ngôi sao đó không đại diện nên họ đang chuyển sang ủng hộ đối thủ.
Vì vậy, vấn đề với cuộc đua giữa hai ứng cử viên này là khi họ làm điều gì đó, nó sẽ có ảnh hưởng tiêu cực nào đó và họ phải cân bằng được. Chúng ta chưa bao giờ có một cuộc bầu cử như thế này, không ai thực sự biết làm thế nào. Những người điều hành các chiến dịch hoàn toàn bối rối về những gì họ nên làm. Là một nhà nghiên cứu, tôi thấy thật thú vị khi quan sát tất cả những điều này.
* Thưa Giáo sư, liệu nước Mỹ có sẵn sàng chấp nhận một tổng thống là nữ hay không?
- Tôi nghĩ là có. Khi nhớ lại Barack Obama, một người da đen được bầu làm tổng thống, tôi nghĩ rằng sẽ khó khăn hơn nhiều để trở thành tổng thống da đen đầu tiên so với việc trở thành một nữ tổng thống tiếp theo. Vì vậy, tôi không nghĩ rằng có vấn đề gì với vấn đề giới tính.
Bà Harris đang theo đuổi một chiến dịch tranh cử với những siêu sao Hollywood như Taylor Swift hay George Clooney… Nhưng những người đó không đại diện cho người Mỹ trung bình. Họ siêu giàu…Bà ấy không nhận ra rằng có những người thuộc tầng lớp lao động mà các ngôi sao đó không đại diện nên cử tri đang chuyển sang ủng hộ đối thủ.
Tôi muốn nhắc một chút về bà Hillary Clinton. Mặc dù Hillary Clinton đã có một cơ hội vàng để trở thành tổng thống đầu tiên, nhưng khi ngày bầu cử đến gần, bà bắt đầu xúc phạm mọi người. Ví dụ, bà gọi một nửa người Mỹ là đáng thương hại, nghĩa là những người thuộc tầng lớp thấp.
Nói điều đó với một nửa nước Mỹ thì kết quả không hay chút nào. Và vì vậy, ngay trước cuộc bầu cử, sự ủng hộ dành cho Hillary bắt đầu suy giảm từ chỗ mọi người thích bà xuống chỉ còn khoảng 30% ủng hộ, vì vậy không có cách nào bà có thể giành chiến thắng.
Và sau đó, Hillary, thật không may, đã bị tấn công bởi thông tin sai lệch được cho là của Nga, và bà đã bị FBI tấn công khi nghiên cứu về sự bất đồng với Nga, vì vậy bà đã đến nhầm nơi vào nhầm thời điểm. Tôi nghĩ nếu những điều đó không xảy ra với bà ấy, bà ấy có lẽ đã là tổng thống chứ không phải ông Trump.
Nhưng bà ấy chỉ không làm đúng điều bà cần làm. Còn với Harris, bà ấy nhận được sự tín nhiệm rất lớn từ Đảng Dân chủ để trở thành nữ tổng thống đầu tiên.
Và sau đó, bà ấy có các tỷ phú ủng hộ và tất cả bọn họ, họ muốn phụ nữ trở thành tổng thống. Nhưng giá như có các định hướng chính sách nhiều hơn, khi đó mọi người sẽ nói, vâng, bà ấy là phụ nữ, nhưng bà ấy cũng có những chính sách tốt. Nhưng chúng ta không thấy điều đó. Thế nên dù sao bà ấy vẫn có thể thắng chỉ vì bà ấy là phụ nữ.
Xu hướng tốt cho ông Trump
* Với ông Donald Trump, Giáo sư nhận xét thế nào về các chính sách của ứng cử viên này? Sau vụ ông Trump bị ám sát đầu tiên, rất nhiều người tin chắc rằng ông sẽ thắng cử, nhưng dường như không phải như vậy, ông đã bị bà Harris dẫn trước trong nhiều cuộc thăm dò ý kiến phải không ạ?
- Đây là câu hỏi gồm hai phần. Phần đầu tiên là các chính sách giúp ông Trump thành công trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên bao gồm cắt giảm thuế, giữ cho người Mỹ tránh xa các cuộc chiến tranh ở nước ngoài và tạo việc làm cho người lao động để họ có việc làm và có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bây giờ, Trump dường như đang phân phát mọi thứ cho mọi người theo cách cắt giảm thuế. Vì vậy, vấn đề mà ông ấy gặp phải hiện nay là, nếu ông thực hiện mọi thứ mà ông đã nói là sẽ làm, nước Mỹ sẽ không có đủ tiền để làm bất kỳ điều gì trong số đó.
Nước Mỹ có thâm hụt ngân sách 8 nghìn tỷ USD. Điều đó có nghĩa là mỗi năm nước Mỹ nợ một nghìn tỷ USD. Trump sẽ khuếch đại đáng kể con số đó nếu ông ban hành tất cả các chính sách mà ông đang nói đến.
Vì vậy, hoặc là ông hứa hẹn để bỏ phiếu hoặc ông thực sự không có ý nói đến nhiều chính sách trong số đó để ông không phải lo lắng về việc kiếm tiền sau này.
Về những vụ ám sát, điều đó đã giúp Trump nhiều hơn. Hầu như không thể tin được những gì vụ ám sát đã đưa lại cho ông trong các cuộc thăm dò ý kiến, và nó kéo dài trong một thời gian.
Nhưng ở Mỹ trong thời gian này, các phương tiện truyền thông bắt đầu đổ lỗi cho Trump vì bị ám sát, để biến nó thành một điều tiêu cực, thay vì coi nó một cuộc chiến "Chiến đấu, chiến đấu, chiến đấu!" (Fight, fight, fight!) như ông ấy đã làm.
Vì vậy, ông ấy đã có một cú hích ban đầu, nhưng không phải là một cú hích kéo dài.
Bây giờ, những gì đang xảy ra giữa Harris và Trump, xét về các cuộc thăm dò ở cấp độ quốc gia, sự ủng hộ cho cả hai người là khoảng 48%, không có sự khác biệt ở đó.
Vì vậy, tất cả các tiểu bang phía tây, California, Washington, Oregon, tất cả đều bỏ phiếu cho đảng Dân chủ. Các tiểu bang phía nam đều bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa. Một số tiểu bang ở miền trung tây bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa, và sau đó ở Bờ Đông là đảng Dân chủ.
Bất kỳ ai thắng ở 6 hoặc 7 tiểu bang chiến trường thì sẽ trở thành tổng thống.
Đến ngày 1/11, ông Trump đang dẫn trước ở Georgia, Pennsylvania, Arizona, Nevada. Hai người bám đuổi ở North Carolina, Wisconsin, Bà Harris dẫn trước ở Michigan.
Vì vậy, nếu những xu hướng đó tiếp tục, ông Trump có khả năng sẽ trở thành tổng thống.
Nhưng những thứ này thay đổi gần như từng ngày, và chúng ta đã thấy nhiều thứ xảy ra vào tháng 10 khi ta nghĩ rằng mọi thứ sẽ ổn định, rồi đột nhiên những điều tồi tệ xảy ra, chẳng hạn như vụ ám sát và những thứ tương tự như vậy.
Chỉ còn hơn 2 ngày nữa là đến cuộc bầu cử. Gần như bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra và nó sẽ không thay đổi phiếu bầu của mọi người. Nếu một cử tri đã dành 6 tháng để yêu quý ông Trump, sẽ không có nhiều điều xảy ra khiến cử tri đó phải đảo ngược quyết định của mình, người đó sẽ tiếp tục yêu quý Trump. Cũng giống như với Harris nếu trước đây cử tri yêu quý bà ấy thì bây giờ họ cũng yêu quý bà ấy.
Vì vậy, ngay bây giờ, hai bên đang hòa nhau, và hệ thống bầu cử của chúng tôi ở Mỹ rất phức tạp. Nó không dựa trên tổng số phiếu bầu, mà dựa trên dân số của một tiểu bang, vì vậy cử tri đang bỏ phiếu cho những người đại diện cho số lượng người đó trong dân số.
Do đó ứng cử viên có thể mất phiếu bầu toàn quốc và vẫn có thể trở thành tổng thống. George Bush là một ví dụ. Ông ấy đã thua cuộc bỏ phiếu phổ thông toàn quốc nhưng lại thắng cử bằng phiếu đại cử tri để trở thành tổng thống, vì vậy, thật khó để người xem hiểu được điều đó, nhưng chúng tôi có một hệ thống rất phức tạp. Vì vậy, bất kỳ ai dự đoán cuộc bầu cử này và nói rằng họ biết câu trả lời thì sẽ là không đúng.
(Còn nữa)
Terry Buss là Giáo sư ưu tú ngành Chính sách công Mỹ; là Học giả nghiên cứu, Học viện Hành chính quốc gia Hoa Kỳ; hiện nay ông là giáo sư thỉnh giảng của Trường Quản trị và Kinh doanh thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ông từng lấy bằng Tiến sĩ về Khoa học Chính trị và Ứng dụng Toán học tại trường Đại học Bang Ohio, Mỹ năm 1976, là giáo sư danh dự của các trường đại học ở Mỹ, Nga, Australia.
Ông tích cực tham gia quản lý và giảng dạy, tham gia các dự án nghiên cứu khác nhau tại nhiều quốc gia trên thế giới, là cố vấn cho nhiều cơ quan ở Mỹ và tổ chức quốc tế. Ông đã đạt nhiều thành tựu và giải thưởng được ghi nhận.
Trong thời gian là Giám đốc Điều hành của Trường Đại Học Carnegie Mellon Australia, ông đã xây dựng và giảng dạy nhiều chương trình đào tạo cấp cao ngắn hạn cho cán bộ lãnh đạo của các Bộ, ngành Việt Nam. Ông cũng từng là Cố vấn chiến lược cho Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.