Bến Tre: Lý do khiến tốc độ triển khai hỗ trợ việc làm bền vững cho lao động nghèo chậm

Thùy Anh Thứ năm, ngày 22/06/2023 11:29 AM (GMT+7)
Mặc dù vẫn duy trì thực hiện hoạt động tư vấn, kết nối việc làm cho lao động, nhưng tốc độ hỗ trợ việc làm bền vững cho lao động nghèo theo Tiểu dự án 4.3 về "Hỗ trợ việc làm bền vững" lại khá chậm.
Bình luận 0

 Hỗ trợ, tạo việc làm cho hơn 11.000 lao động trên toàn tỉnh

Mới đây, Sở LĐTBXH tỉnh Bến Tre đã có Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ tình hình thực hiện Tiểu dự án 4.3 về "Hỗ trợ việc làm bền vững" trong Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, Sở LĐTBXH tỉnh Bến Tre cho biết để triển khai tiểu dự án 4.3, tỉnh này bám sát các quyết định, thông tư của Chính phủ, Bộ LĐTBXH và các bộ ban ngành liên quan đến việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 nói chung trong đó có nội dung tiểu dự án 4.3 về "Hỗ trợ việc làm bền vững" nói riêng.

Mục tiêu khi thực hiện tiểu dự án này là nhằm tạo điều kiện để tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động nghèo trên địa bàn tỉnh, từ đó tăng thu nhập, hướng tới giảm nghèo bền vững. 

Báo cáo của Sở LĐTBXH tỉnh Bến Tre cho biết, năm 2022, Sở LĐTBXH được Ủy ban nhân dân tỉnh giao vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách trung ương thực hiện Tiểu dự án 4.3. Hỗ trợ việc làm bền vững với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Vốn sự nghiệp hơn 2,8 tỷ đồng (trong đó vốn trung ương hơn 2,5 tỷ đồng, vốn đối ứng địa phương gần 300 triệu đồng). Năm 2023, Sở được UBND tỉnh giao vốn triển khai tiểu dự án 4.3 với số tiền hơn 7,5 tỷ đồng (trong đó vốn trung ương là hơn 6,8 tỷ đồng).

việc làm bền vững

Trung tâm Dịch vụ việc làm Bến Tre vẫn duy trì việc tư vấn giới thiệu việc làm thường xuyên cho lao động. Ảnh: TTCC

Tuy nhiên do vốn giao chậm, nên tới nay tỉnh vẫn chưa thể triển khai thực hiện các nội dung của tiểu dự án 4.3 trên nguồn kinh phí của năm 2022. 

Trước đó, Sở LĐTBXH cũng có báo cáo kết quả công tác tạo việc làm trong 5 tháng đầu năm 2023 nói chung. Theo đó, toàn tỉnh đã tư vấn việc làm và tuyên truyền người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng cho 14.382 lượt người.

Ngoài ra, tỉnh cũng thường xuyên phối hợp tổ chức các phiên giao dịch việc làm, qua đó đã giải quyết việc làm cho 11.579 lao động, đạt 57,90% kế hoạch năm (kế hoạch cả năm 2023 là 20.000 lao động), tăng 0,09% so với cùng kỳ. Số lao động trúng tuyển đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là 797 người, trong đó có 586 người xuất cảnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 29,3% kế hoạch, tăng 43,63% so với cùng kỳ.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng nhiều nội dung khác trong tiểu dự án 4.3, tỉnh còn chưa thể triển khai. Ví dụ như: Hỗ trợ kết nối việc làm thành công; tăng cường cơ sở hạ tầng phục vụ hiện đại hóa sàn giao dịch; hay thống kê dữ liệu lao động...

Tồn tại trong quá trình triển khai "Hỗ trợ việc làm bền vững"

Mặc dù rất cố gắng khi triển khai tiểu dự án 4.3, nhưng cũng như các địa phương khác, tỉnh Bến Tre đang đối mặt với một số khó khăn khi thực hiện các nội dung của tiểu dự án.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 -2025 tầm nhìn 2030, tỉnh Bến Tre phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn dưới 3% và đến cuối năm 2030, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2,5% theo chuẩn nghèo của từng giai đoạn.

Khó khăn đầu tiên phải kể tới là nguồn vốn phân bổ chậm, khiến quá triển triển khai cũng bị ảnh hưởng. Khó khăn thứ 2 là theo Thông tư số 46 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 thì chỉ thực hiện được nội dung “chi hỗ trợ giao dịch việc làm”. Một số các nội dung quyết toán hỗ trợ "kết nối việc làm thành công" chưa rõ.

Ông Đoàn Hải Nam - Phó giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bến Tre cũng cho biết, trên thực tế tại các địa phương (cấp xã) không đủ chức năng để tổ chức các phiên giao dịch việc làm, sàn giao dịch việc làm, hoặc truyền thông về việc làm hay tổ chức tập huấn…, mà chỉ có Trung tâm dịch vụ việc làm Bến Tre là đơn vị có đủ chức năng tổ chức thực hiện các nội dung trên. Tuy nhiên theo quy định thì nguồn vốn giao cho các đơn vị này chiếm tỷ trọng nhiều. Vì vậy, hiện nay các xã chưa triển khai thực hiện được.

"Trước tình thế đó, chúng tôi kiến nghị Bộ LĐTBXH, Bộ Tài chính chỉnh sửa Thông tư số 46/2022/TT-BTC để Sở và địa phương có căn cứ cơ sở để triển khai thực hiện", ông Đoàn Hải Nam chia sẻ.

việc làm bền vững

Hiện nay các hoạt động trong tiểu dự án 4.3 chưa thể triển khai bởi nhiều lý do. Ảnh: TTVL

 Mặt khác, ông Nguyễn Văn Chương – Trưởng phòng lao động và Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Bến Tre cũng cho biết sở dĩ tỉnh chưa triển khai được tiểu dự án là bởi theo thông tư của Bộ LĐTBXH thì cần phải có huyện nghèo, nhưng tỉnh không có huyện nghèo. Mặt khác, trước đây tỉnh dựa vào Quyết định 02  để phân bổ kinh phí, nguồn này được phân bổ về hết địa phương nhưng về địa phương thì khó triển khai.

“Hiện nay UBND tỉnh đang xem xét thực hiện chuyển nguồn và giao lại cho sở LĐTBXH để thực hiện. Sau khi có quyết định, Sở sẽ giao nhiệm vụ cho Trung tâm Dịch vụ việc làm Bến Tre vì trung tâm mới có chức năng thực hiện những nội dung này”, ông Chương nói.

Dự kiến, ngay sau khi được phân bổ nguồn vốn, tỉnh sẽ bằng nhiều kênh để thúc đẩy triển khai nội dung này. Hiện Trung tâm Dịch vụ việc làm Bến Tre đã ban hành định mức để thực hiện, nhưng đơn giá chưa có, đang chờ Bộ phê duyệt nên chưa thể thực hiện được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem