Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ giải thích "vì sao Hà Nội không đưa chỉ số hạnh phúc vào nghị quyết Đại hội"

Thành An Thứ ba, ngày 13/10/2020 19:55 PM (GMT+7)
Tại buổi họp báo thông tin kết quả của Đại hội Đảng bộ TP.Hà Nội, ông Vương Đình Huệ đã giải thích "vì sao Hà Nội không xây dựng chỉ tiêu về hạnh phúc cho người dân".
Bình luận 0

Cuối giờ chiều nay (13/10), ngay sau phiên bế mạc Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP.Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025, buổi họp báo thông tin kết quả của Đại hội đã diễn ra tại Trung tâm Báo chí phục vụ Đại hội.

"Muốn đưa Nghị quyết vào cuộc sống thì cuộc sống phải được phản ánh trong Nghị quyết"

Trả lời các câu hỏi của báo chí, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, Bộ Chính trị đã nêu, ngoài những chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế thì nên chăng có thêm chỉ tiêu liên quan đến các vấn đề xã hội, những vấn đề quốc kế dân sinh, vấn đề dân sinh bức xúc.

"Chúng tôi đã đưa vào báo cáo chính trị nhiều nội dung, ví dụ như về chăm sóc sức khỏe cho người dân. Lần đầu tiên chúng tôi đặt mục tiêu mỗi năm thăm khám sức khỏe định kỳ cho công dân một lần", ông Huệ nói, đồng thời cho biết, TP.Hà Nội cũng phấn đấu tăng tuổi thọ cho người dân. Đến năm 2025, phấn đấu nâng tuổi thọ lên 76-76,5 tuổi, cao hơn trung bình cả nước 2 tuổi.

"Tại sao Yên Bái có chỉ số hạnh phúc mà Hà Nội không xây dựng các chỉ số về phát triển con người" - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ trả lời câu hỏi của báo chí tại cuộc họp báo thông tin kết quả của Đại hội Đảng bộ TP.Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 tại Trung tâm Báo chí phục vụ Đại hội.

Theo ông Huệ, có ý kiến của Bộ Chính trị là tại sao Yên Bái có chỉ số hạnh phúc mà Hà Nội không xây dựng các chỉ số về phát triển con người. "Việc này, chúng tôi đã làm việc với Tổng cục thống kê. Qua làm việc cho thấy, chỉ tiêu này chỉ tính cho quốc gia, chưa tính từng địa phương nên Hà Nội phân hóa chỉ tiêu vào từng mục cụ thể. Sau này, nếu có xây dựng các chỉ số này cho các địa phương, chúng tôi sẽ nghiên cứu thực hiện", ông Huệ nói.

Về vấn đề tổ chức, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, ngay sau Đại hội sẽ thực hiện phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các đồng chí Phó Bí thư Thành ủy. Song song với đó, kiện toàn các chức danh chính quyền ở các đơn vị chủ chốt.

Ông Huệ cho hay, tới đây TP.Hà Nội sẽ sớm tổ chức xây dựng 10 chương trình hành động trên cơ sở kế thừa 8 chương trình hành động của nhiệm kỳ trước, trong đó có một chương trình về an sinh, phúc lợi xã hội. Ngoài những chính sách an sinh chung của cả nước, TP đã có thêm một số chính sách riêng như hỗ trợ người già trên 80 tuổi, hỗ trợ những người tàn tật, miễn phí xe bus cho người trên 60 tuổi, xét nghiệm tầm soát ung thư cho người trên 40 tuổi…

"Thành ủy quan điểm, muốn đưa Nghị quyết vào cuộc sống thì cuộc sống phải được phản ánh trong Nghị quyết" – Bí thư Thành ủy nói và nhấn mạnh, trong thời gian qua, Thành ủy đã xây dựng các chương trình, đề án khoa học, liên tục làm việc với 8 bộ ngành trọng yếu để vừa giải quyết trực tiếp những vấn đề cần được tháo gỡ, đồng thời xác định tầm nhìn chiến lược đối với từng lĩnh vực.

Sẽ tăng cường thanh tra, giám sát

Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu, trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 phải tạo bằng được những chuyển biến căn bản về công tác xây dựng Đảng, các vấn đề dân sinh bức xúc như ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, an ninh nguồn nước, quản lý trật tự xây dựng.

"Tại sao Yên Bái có chỉ số hạnh phúc mà Hà Nội không xây dựng các chỉ số về phát triển con người" - Ảnh 3.

Quang cảnh buổi họp báo.

Nhắc đến vụ đổ dầu thải ảnh hưởng đến nguồn nước của Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý: "An ninh nguồn nước là vấn đề quan trọng hàng đầu của Hà Nội. Phải có hệ thống an ninh nguồn nước, tất cả các nhà máy".

Đáng chú ý, trả lời câu hỏi về công tác quản lý, đánh giá cán bộ, người đứng đầu Đảng bộ hà Nội nêu rõ: "Thời gian qua, có những việc chúng ta không mong muốn đã xảy ra. Do đó, cần tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng, của Ủy ban Kiểm tra các cấp theo hướng tăng cường về chuyên môn, bộ máy, con người, đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ về kinh phí, tăng cường vai trò phản biện, giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Trong đó, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm".

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, trước đây, công tác kiểm tra giám sát của ủy ban kiểm tra các cấp rất tốt nhưng hàng năm chưa chú trọng xây dựng các chương trình kiểm tra của cấp ủy các cấp. "Lần này sẽ phải tăng cường thêm, ngoài ra cần tăng cường vai trò giám sát của quần chúng nhân dân, vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội", ông Huệ nói và cho biết, TP.Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 15-CT/TU và Nghị quyết 15-NQ/TU về củng cố tổ chức cơ sở Đảng, trong đó tăng cường vai trò đối thoại, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, giải quyết các vấn đề nóng bức xúc của người dân. Hiện nay, Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 15-CT/TU và Nghị quyết 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy sẽ làm mạnh hơn về giám sát cán bộ, đảng viên.

Báo chí cũng là kênh quan trọng góp phần giám sát. Thành ủy đã yêu cầu Ban Tuyên giáo Thành ủy điểm tin tất cả cơ quan báo chí trung ương và Hà Nội về những vấn đề tích cực, nêu gương người tốt - việc tốt, đơn vị tốt và cũng chú trọng nội dung liên quan đến từng vấn đề cụ thể. Trực tiếp Bí thư Thành ủy sẽ yêu cầu địa phương giải quyết.

"Nhờ cơ chế như vậy nên các vấn đề dân sinh bức xúc, khiếu nại, tố cáo giảm hẳn. Nhiều đồng chí nói chưa bao giờ có kỳ đại hội nào bình yên như Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP.Hà Nội. Các đơn, thư khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là về cán bộ hầu như rất ít, chủ yếu là giải quyết khiếu nại liên quan đến vi phạm trật tự đô thị, đất đai. Nội dung này thành phố đã đặt trách nhiệm và thời hạn giải quyết cho đồng chí bí thư và chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã", Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem