Bức tranh kinh tế tuần qua còn ghi dấu việc các Thứ trưởng Bộ Tài chính trả xe công để xoay xở bắt taxi, tự lái xe đi làm; Bộ trưởng Bộ Công Thương "đau lòng" và "cảm thấy chua xót" trước tình trạng người dân rùng mình lo lắng bệnh tật, ung thư vì những dự án công nghiệp gây ô nhiễm môi trường…
Xe ô tô đậu tại Khu đô thị Đặng Xá
Ô tô ngập tràn ở khu đô thị cho người thu nhập thấp
Khu đô thị Đặng Xá vốn được cho là khu nhà ở dành cho những người thu nhập thấp, thế nhưng, khi đặt chân vào đây, không nói ở khu nhà ở thương mại, ngay ở các khu căn hộ dành cho người thu nhập thấp, nhiều người sẽ ngỡ ngàng bởi có rất nhiều ô tô, trong đó có cả những xe khá đắt tiền đậu trong bãi xe của cư dân như BMW X6, Camry, Fortuner, Tenna... Và ngay cả lối sống, sinh hoạt của cư dân ở đó, không có vẻ gì là dành cho những người nghèo. Tất nhiên, Đặng Xá chỉ là một trong rất nhiều khu đô thị dành cho người nghèo… nhưng lại bán cho người giàu tại các thành phố lớn.
Nhiều người cho biết, họ mua nhà thu nhập thấp để làm nơi nghỉ cuối tuần đưa con cái, gia đình về chơi. Thậm chí, có người mua nhà chỉ để làm nơi gặp gỡ bồ nhí, để giải khuây... Dù với mục đích gì thì hiện tượng này cũng cho thấy hàng loạt vấn đề đạo đức đang tồn tại khi mà người thu nhập cao nhưng gian dối hồ sơ, thu nhập, tranh mua nhà ở xã hội với người nghèo để kiếm lợi.
Biệt thự tuyệt đẹp trên đỉnh Tam Đảo và bóng dáng Trịnh Xuân Thanh
Biệt thự tuyệt đẹp trên đỉnh Tam Đảo và bóng dáng Trịnh Xuân Thanh
Ngôi biệt thự tuyệt đẹp trên đỉnh Tam Đảo thường được người dân địa phương quen gọi là "Toà nhà dầu khí". Nằm trên một diện tích đất khá rộng rãi, có thể lên tới 3.400 m2, tòa nhà này có thế tựa lưng vào vách núi, phía trước trông xuống thị trấn Tam Đảo và có tầm nhìn rất xa... Có người nói, vào ngày nắng, ít sương mù, đứng từ đây có thể trông về tới... Hà Nội. Ngôi nhà này từng được rao bán với giá 52 tỷ đồng, tuy nhiên, giá trị thực hiện được cho là cao hơn nhiều lần (cả trăm tỷ đồng).
Phó Chủ tịch UBND thị trấn, ông Trần Quang Thà cho biết, trước đây khoảng 6 năm, Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Kinh Bắc mua lại mảnh đất mà hiện có tòa nhà trên từ Công ty Preprimex, sau đó vào năm 2012, Công ty này lại bán lại cho Công ty TNHH Mai Phương.
Sau khi có vụ Trịnh Xuân Thanh xảy ra thì cảnh sát điều tra có đến làm việc với UBND thị trấn và yêu cầu không cho thực hiện các hoạt động giao dịch liên quan đến khu đất, tòa nhà này.
Cách đây khoảng hơn 4 tháng, Trịnh Xuân Thanh từng tổ chức thết đãi nhiều người tại ngôi nhà này ăn mừng việc ông này trúng cử Đại biểu Quốc hội (đạt tỷ lệ phiếu bầu 75%). Ông Thanh được cho biết là thường xuyên lên, nghỉ ở đây như với vai trò của chủ nhà.
Trả xe công, các Thứ trưởng Bộ Tài chính “xoay xở” phương tiện đi làm
Từ đầu tháng 10, 6 vị Thứ trưởng và 5 Tổng cục trưởng Bộ Tài chính chính thức nhận khoán kinh phí sử dụng xe chức danh. Trong đó, 6 vị Thứ trưởng sẽ nhận khoán tiền sử dụng xe công từ 3,96 triệu đồng đến 9,9 triệu đồng/người/tháng cho 2 chặng từ nơi ở đến nơi làm việc mỗi ngày.
Sau khi trả xe công, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, ông sẽ bắt taxi đi làm do không biết lái xe. Tương tự, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng đi làm bằng taxi. Trong khi đó Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng tự túc bằng cách sử dụng xe cá nhân. Thậm chí, trong ngày đầu tiên thực hiện nhận khoán xe đến cơ quan, ông Vũ Bằng còn cho biết, sáng đi nhờ xe con gái, chiều quá giang xe đồng nghiệp.
Tuy nhiên, việc khoán xe mới chỉ được áp dụng 2 chặng đi/về từ nhà đến nơi làm việc, các lãnh đạo này vẫn được đưa đón mỗi khi họp hành, công tác, đi địa phương...
Mới đây, Bộ Tài chính tiếp tục có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ gồm Văn phòng Bộ Tài chính tại Hà Nội, Đại diện Văn phòng Bộ Tài chính tại TP HCM, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Các cục thuộc Bộ Tài chính nghiêm túc thực hiện Quyết định 1997/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính về quy định chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ô tô chức danh.
Trước mắt các cơ quan trên phải rà soát ngay số lượng xe, lái xe chung và lái xe phục vụ chức danh (lái xe riêng của các Thứ trưởng, lãnh đạo Cục ở Bộ Tài Chính), báo cáo về Bộ Tài chính trước ngày 10/10/2016.
"Bác" hàng loạt đề xuất quanh dự án cao tốc Bắc - Nam 230.000 tỷ đồng
Trong văn bản gửi Bộ GTVT, Bộ Tài chính đã bác hàng loạt đề xuất, kiến nghị không phù hợp, không hợp lý và không có cơ sở mà Bộ GTVT nêu tại Đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam đoạn Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) đến năm 2020.
Dự án này cần khoảng 230.000 tỷ đồng vốn đầu tư (trong đó vốn NSNN khoảng 93.000 tỷ đồng chiếm 40,7% và tương đương 2% GDP). Con số này được Bộ Tài chính đánh giá là rất lớn, trong khi những phương án huy động và xin bảo lãnh, vay ngân hàng... mà Bộ Giao thông Vận tải đưa ra được cho là không khả thi, không phù hợp.
Trường hợp không cân đối được nguồn vốn NSNN như dự kiến trong đề án thì Bộ Tài chính cho rằng, phải nghiên cứu lùi thời điểm thực hiện đề án này.
Vụ việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải, con trai cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đang gây tranh cãi
Chỉ còn vài tuần để Bộ Công Thương giải trình vụ bổ nhiệm Vũ Quang Hải
Ngày 30/9, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công Thương kiểm tra, làm rõ căn cứ pháp lý, điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục liên quan tới việc tuyển dụng, bổ nhiệm Hàm vụ phó, bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo, người quản lý doanh nghiệp đối với ông Vũ Quang Hải.
Đồng thời, yêu cầu bộ này thực hiện kiến nghị của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 1/11/2016.
Trao đổi sau đó tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết sẽ thực hiện công tác này một cách trung thực, khách quan, cầu thị.
Bộ Công Thương nhận trách nhiệm trước Thủ tướng nếu chậm niêm yết Sabeco, Habeco sau 2016
Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân Trí tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết mặc dù Bộ Công Thương kỳ vọng ngay trong năm nay có thể đưa Habeco và Sabeco này “lên sàn”, tuy nhiên, trên thực tế, việc niêm yết doanh nghiệp phải qua nhiều thủ tục và tốn kém thời gian (lên tới 12-14 tuần).
Chính vì vậy, “khả năng lên sàn của hai doanh nghiệp ngay trong năm nay là rất khó khăn”, song nếu chậm thì cũng phải trong quý I/2017, Sabeco và Habeco sẽ được niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Trước câu trả lời của đại diện Bộ Công Thương, người phát ngôn Chính phủ - Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, nếu trường hợp này xảy ra, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Công Thương còn Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng.
Sau đó, tại một văn bản trình lên Thủ tướng, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đã hiến kế để 100% các doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa đều niêm yết thông qua chế tài xử phạt người đứng đầu. Cụ thể: nếu bất kỳ người đại diện cổ phần Nhà nước nào không tuân thủ Quyết định 51, cố tình trốn tránh việc niêm yết thì tự động mất tư cách là người đại diện cổ phần Nhà nước và khi đó các cấp có thẩm quyền sẽ cử người khác thay thế. Nếu lãnh đạo Bộ, ngành địa phương nào ngăn cản doanh nghiệp cổ phần hóa niêm yết chứng khoán thì cá nhân đó đã bị án kỷ luật mà không cần phải họp để xét xử hình thức kỷ luật với cá nhân đó.
Thực hiện tốt việc này, theo VAFI, Nhà nước có thể thu thêm 15 tỷ USD từ tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn
Bộ Tài chính thanh tra thuế nhập ô tô vì xe biếu tặng tăng bất thường
Bộ Tài chính vừa có quyết định về việc thanh tra công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, quản lý, giám sát đối với hoạt động nhập khẩu ô tô tại Tổng cục Hải quan và các đơn vị, cá nhân, có liên quan.
Quyết định này xuất phát từ thực tế, thời gian qua, hoạt động nhập khẩu ô tô diện quà biếu, quà tặng về Việt Nam tăng nhanh một cách bất thường, đặc biệt là trước ngày 01/07/2016 khi Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) mới chính thức có hiệu lực, rất nhiều loại xe sang được nhập về đã né được thuế TTĐB hàng tỷ đồng.
Có hai vấn đề đang phát sinh: Một là, DN khai báo trị giá xe quá thấp so với mức giá của Hải quan đưa ra và việc đối tượng nhận xe biếu tặng nhưng chuyển nhượng xe ngay nhằm trốn nghĩa vụ thuế.
Hai là, khi chuyển nhượng xe biếu tặng đã xuất hiện tình trạng DN đăng ký thành lập mới tại một tỉnh nhưng không hoạt động kinh doanh, chủ yếu để nhập ô tô theo diện biếu tặng. Ngay sau khi nhập được xe về, DN chuyển nhượng ngay xe đó mà không đưa vào tài sản cố định. Đồng thời, sau một thời gian, khi tiêu thụ xong chiếc xe, DN không thông báo giải thể, không thực hiện quyết toán với cơ quan thuế và bỏ địa chỉ kinh doanh... khiến cho việc truy thu các nghĩa vụ thuế không thể thực hiện được.
Trong một diễn biến liên quan, theo đại diện Tổng cục Hải quan, trong 1.000 trường hợp ô tô, xe máy (chủ yếu là xe hạng sang), nhập dưới dạng Việt kiều hồi hương thì chỉ có 100 trường hợp đúng là của Việt kiều về thường trú tại Việt Nam, còn lại đều là trá hình.
Do vậy, để chống gian lận, trốn thuế, điều 7, Nghị định 134 của Chính phủ hướng dẫn về Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được Chính phủ ký ban hành ngày 1/9/2016 mới đây đã đưa ra quy định mới: Xe ô tô và xe gắn máy là tài sản di chuyển theo những người Việt kiều hồi hương sẽ không còn được miễn thuế nhập khẩu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương muốn xóa ám ảnh "chọn cá hay chọn thép" trong dân
Chiều 6/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã triệu tập cuộc họp khẩn lãnh đạo các tập đoàn lớn, yêu cầu báo cáo thực tế hiện trạng tại các dự án điện, than, xi măng, khoáng sản… Trong đó, yêu cầu người đứng đầu các tập đoàn, tổng công ty lớn của ngành phải đứng ra cam kết “không đánh đổi môi trường lấy dự án”. Đồng thời, khẳng định sẽ kiên quyết đóng cửa những nhà máy, dự án nào có kết luận gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.
"Tôi cảm thấy rất bất ngờ khi thấy các ý kiến cứ nhắc đi nhắc lại chuyện chọn thép hay chọn cá. Chúng ta bằng mọi giá phải xóa đi nỗi ám ảnh của người dân về điều này. Chúng ta không đánh đổi cái gì cả. Giữ môi trường cũng là giữ sự sống cho chúng ta và tương lai con cháu chúng ta sau này", ông Trần Tuấn Anh nói.
Vị lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết, cá nhân rất "đau lòng" và "cảm thấy chua xót" trước hiện trạng “14 nhà máy nhiệt điện vây Đồng bằng sông Cửu Long” hay “nhiệt điện than "bao vây" đồng bằng: Lay lắt điện sạch” và khi người dân cứ nhắc đến nhiệt điện lại rùng mình coi đó là bệnh tật, là ô nhiễm, là ung thư.
Bích Diệp (tổng hợp) (Dân trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.