Bình Chánh phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong đô thị thông minh

Trần Đáng - Minh Anh Chủ nhật, ngày 26/06/2022 07:30 AM (GMT+7)
Theo UBND huyện Bình Chánh, huyện đang chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, tập trung phát triển một số mô hình cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Bình luận 0

Nâng cao thu nhập cho nông dân Bình Chánh

Những năm gần đây nghề trồng hoa, cây cảnh, đặc biệt là mai tết đang trở thành mô hình hấp dẫn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở huyện Bình Chánh. Rất nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Bình Chánh đã vươn lên thoát khó, làm giàu nhờ việc trồng mai kiểng. 

gop/ Bình Chánh phát triển tam nông gắn với đô thị hóa - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Hoàng Mai (xã Hưng Long, Bình Chánh) bên sản phẩm mai vàng bonsai. Ảnh: Trần Đáng

Tiêu biểu là hộ anh Nguyễn Hoàng Mai (ấp 1, xã Hưng Long). Bằng sự say mê với nghề, cộng thêm sự ham học hỏi, tìm tòi và sáng tạo, vườn mai của anh Mai luôn có những cây mai đẹp, lạ và đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Huyện Bình Chánh đã tập trung nhân rộng, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị hiệu quả đem lại thu nhập cao, như: Trồng hoa mai vàng, rau an toàn, hoa lan, rau thủy canh, dưa lưới, nuôi cá cảnh...

Năm 2017, nắm bắt thị hiếu ưa chuộng loại mai tứ quý ghép của khách hàng sành chơi mai kiểng, anh quyết định nghiên cứu và đầu tư trồng loại mai này. So với hoa mai thường chỉ có năm cánh, mai tứ quý ghép có 12-24 cánh, cánh tròn đều, to và đẹp hơn, thời gian hoa nở lâu hơn các loại mai khác..

Anh Mai chia sẻ, khách hàng của anh không chỉ ở TP.HCM mà còn ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, như: Bình Dương, Long An, Vĩnh Long… Mỗi năm, vườn mai cho anh doanh thu hơn 3 tỷ đồng, lãi 500 triệu đồng/năm.

Bình Chánh phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong đô thị thông minh - Ảnh 3.

Nông dân Bình Chánh nuôi cá koi. Ảnh: Trần Đáng

Theo Phòng NNPTNT huyện, hiện toàn huyện có khoảng 510ha trồng mai vàng tại các xã Bình Lợi, Lê Minh Xuân, Tân Quý Tây, Hưng Long, Tân Kiên cho thu nhập 600 triệu - 1tỷ đồng/ha/năm. Huyện đã thành lập Hợp tác xã mai vàng xã Bình Lợi để phát triển thương hiệu.

Hay mô hình trồng bưởi da xanh với khoảng 100ha tại xã Phạm Văn Hai. Từ một vùng trũng thấp, hoang hóa, hiện xã Phạm Văn Hai đã hình thành một vùng chuyên canh bưởi da xanh cho thu nhập cao 250 - 400 triệu đồng/ha/năm. Huyện đã thành lập tổ hợp tác bưởi da xanh trồng và chăm sóc bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, góp phần tạo đầu ra ổn định, xây dựng thương hiệu.

"Mô hình trồng hoa lan Mokara của ông Kiều Lương Hồng (xã Tân Kiên), gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, hàng năm thu hút đông đảo khách đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm,…cũng là 1 điển hình nông nghiệp đô thị đạt hiệu quả kinh tế cao", ông Nguyễn Hồng Hải, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Bình Chánh cho biết.

Theo UBND huyện Bình Chánh, nhờ đẩy mạnh chuyển cơ cấu nông nghiệp theo nông nghiệp đô thị nên đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ở huyện đạt 69 triệu đồng, tăng 1,7 lần so với năm 2015 và 4 lần so với lúc khởi điểm xây dựng Chương trình nông thôn mới năm 2010.

Bình Chánh phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong đô thị thông minh

Ông Cấn Sơn Trường - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM cho biết, hiện nay quan điểm của thành phố là phát triển nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp số, nông nghiệp xanh, phát triển nông nghiệp gắn với các loại hình du lịch, phát triển các ngành hàng khác theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để đa dạng hóa sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Bình Chánh phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong đô thị thông minh - Ảnh 5.

Mô hình bưởi da xanh ở HTX Bưởi Tam Tân, Bình Chánh cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Ảnh: Nguyên Vỹ

Để thực hiện được điều đó, UBND thành phố đã ban hành nhiều chương trình, đề án nhằm hỗ trợ phát triển nông nghiệp, như: Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển nền nông nghiệp đô thị và chuyển đổi số, Chương trình OCOP và nông thôn mới, chương trình hỗ trợ giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao.

Từ đó, UBND huyện Bình Chánh cần có những giải pháp để thực hiện tốt các chương trình, như: Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển khoa học công nghệ - ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển các hình thức sản xuất mới, liên kết hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm…

Theo ông Nguyễn Hồng Hải, mục tiêu kế hoạch sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn của huyện Bình Chánh giai đoạn 2021 - 2025 là thực hiện mạnh mẽ cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, giống con chất lượng cao, phát triển sản xuất kết hợp du lịch sinh thái, nâng cao chất lượng tiêu chí xây dựng nông thôn mới. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem