Bộ Công Thương: Ngành điện có thể điều chỉnh giá bán lẻ điện 4 lần/ năm

An Linh Chủ nhật, ngày 10/03/2024 07:00 AM (GMT+7)
Thay vì quy định 6 tháng điều chỉnh giá điện như hiện tại, Bộ Công Thương đề xuất cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét 3 tháng điều chỉnh một lần giá điện, tổng cộng một năm có 4 lần điều chỉnh giá điện.
Bình luận 0

Tăng thêm 2 lần điều chỉnh giá điện/năm

Dự thảo sửa đổi, thay thế Quyết định 24/2017 về cơ cấu điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân vừa được Bộ Công Thương xây dựng, lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ thông qua.

Theo đó, tại dự thảo sửa đổi, thay thế Quyết định 24, Bộ Công Thương đề xuất Bộ Tài chính tiếp tục cùng bộ Công Thương phối hợp điều hành. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương muốn Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) cùng tham giam vào điều hành thị trường điện nhằm đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện.

Bộ Công Thương: Ngành điện có thể điều chỉnh giá bán lẻ điện 4 lần/ năm- Ảnh 1.

Bộ Công Thương đề xuất ngành điện được điều chỉnh giá 4 lần/năm tuỳ theo diễn biến của chi phí phát điện (Ảnh: EVN)

Tại dự thảo nói trên, Bộ Công Thương vẫn giữ trách nhiệm phối hợp của Bộ Tài chính trong điều hành giá điện, trong đó Bộ Tài chính là "cơ quan quản lý nhà nước về giá". B

Tổng cục Thống kê trong đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện đến kinh tế vĩ mô. EVN sẽ cung cấp các số liệu có liên quan để cơ quan này có cơ sở thống kê, đánh giá.

Bộ Công Thương cũng đề xuất giá điện được tính thêm các chi phí vốn chưa được tính trước đây như chênh lệch tỷ giá.

Đặc biệt, Bộ đề xuất thời gian điều chỉnh giá điện rút ngắn từ 6 tháng (hiện nay) xuống 3 tháng/lần, mỗi năm sẽ có 4 đợt điều chỉnh tăng, giảm giá sau khi cập nhật các chi phí phát điện.

Bộ Công Thương nêu rõ trường hợp tăng giá điện, Chính phủ, Thủ tướng sẽ chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng phương án hỗ trợ giảm tiền điện trong giai đoạn tạm thời, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Về giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công Thương cho biết sẽ có tăng, giảm với biên độ cụ thể. Trường hợp các thông số đầu vào các khâu (phát điện, truyền tải, phân phối...) làm giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bình quân hiện hành, EVN có trách nhiệm giảm giá ở mức tương ứng, EVN sẽ lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Tài chính để kiểm tra, giám sát.

Ở chiều tăng giá điện, khi giá điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá hiện hành, EVN được phép điều chỉnh tăng. Trường hợp giá điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với mức hiện hành, có ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, kiểm tra rà soát, lấy ý kiến Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan.

Dự thảo cũng nêu rõ, trong trường hợp cần thiết, bộ sẽ yêu cầu EVN thuê tư vấn độc lập để thẩm tra báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện của tập đoàn cùng các đơn vị thành viên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem