Thí sinh mệt mỏi xếp hàng chờ đăng ký xét tuyển đại học năm 2015
Theo đó, Bộ GD-ĐTquy định:
Xét tuyển đợt I: Trường công bố kết quả trúng tuyển trước ngày 14-8-2016 thay vì trước 12-8 như lịch đã công bố. Thí sinh nộp Giấy chứng nhận kết quả thi đến hết ngày 19-8-2016 (tính theo dấu bưu điện nếu nộp bằng thư chuyển phát nhanh).
Xét tuyển bổ sung đợt 1: Trường công bố kết quả trúng tuyển trước ngày 4-9-2016. Thí sinh nộp Giấy chứng nhận kết quả thi đến hết ngày 9-9-2016 (tính theo dấu bưu điện nếu nộp bằng thư chuyển phát nhanh).
Xét tuyển bổ sung đợt 2: Trường công bố kết quả trúng tuyển trước ngày 23-9-2016 thay vì trước ngày 31-8 như lịch đã công bố. Thí sinh nộp Giấy chứng nhận kết quả thi đến hết ngày 28-9-2016 (tính theo dấu bưu điện nếu nộp bằng thư chuyển phát nhanh).
Bộ GD-ĐT cũng lưu ý thí sinh, theo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2016, sau khi các trường công bố kết quả xét tuyển, thí sinh phải nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi để khẳng định nhập học tại trường đã trúng tuyển.
Để tránh nhầm lẫn khi thực hiện đăng ký xét tuyển trực tuyến, các cụm thông báo rộng rãi cho thí sinh và phụ huynh biết để truy cập trực tiếp vào địa chỉ trang thông tin điện tử đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ trực tuyến năm 2016: http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn.
Để giảm thí sinh “ảo” và tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đăng ký xét tuyển, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết, công tác xét tuyển vào các trường đại học đã được rút kinh nghiệm từ những bất cập trong năm 2015. Bộ GD-ĐT quy định, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, Bộ GD-ĐT thay vì cho phép thí sinh được đăng ký vào 1 trường đại học như năm 2015, năm 2016 thí sinh được đăng ký vào 2 trường đại học (ở đợt 1) và 3 trường ở các đợt xét tuyển bổ sung.
Tuy nhiên, khi thí sinh được đăng ký vào 2 hay 3 trường thì các trường đại học phải đối mặt với tình trạng thí sinh “ảo”. Nhằm hỗ trợ các trường giải quyết vấn đề “thí sinh ảo”, Bộ GD-ĐT đã đưa ra một số giải pháp:
Thứ nhất, trong phiếu đăng ký xét tuyển, Bộ yêu cầu thí sinh phải điền tên trường đại học thứ 2 mà các em đăng ký xét tuyển. Dựa trên việc đăng ký này, các trường đại học có thể dự đoán được thí sinh sẽ học ở trường mình hay trường thứ 2. Đây là cơ sở quan trọng để các trường lọc thí sinh “ảo”.
Thứ hai, Bộ GD-ĐT cũng cho phép các trường thành lập các nhóm xét tuyển. Về nguyên tắc, nhóm xét tuyển có lượng trường đại học tham gia đăng ký xét tuyển càng lớn thì việc lọc thí sinh “ảo” sẽ thuận lợi hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.