Bộ NNPTNT ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư trong lĩnh vực lâm nghiệp
Bộ NNPTNT ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư trong lĩnh vực lâm nghiệp
P.V
Thứ tư, ngày 18/12/2024 09:48 AM (GMT+7)
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Quốc Trị vừa ký ban hành Thông tư số 24/2024/TT-BNNPTNT ngày 12/12/2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Theo đó, Thông tư mới sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2019/TTBNNPTNT ngày 30 tháng 10 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn một số nội dung quản lý đầu tư công trình lâm sinh.
Cụ thể, Thông tư này quy định việc nghiệm thu kết quả một số hoạt động đầu tư, hỗ trợ đầu tư công trình lâm sinh, gồm: trồng rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ, chăm sóc rừng trồng, nuôi dưỡng rừng trồng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung, nuôi dưỡng rừng tự nhiên, làm giàu rừng tự nhiên, cải tạo rừng tự nhiên; nghiệm thu bảo vệ rừng; nghiệm thu trồng cây phân tán".
Sửa đổi, bổ sung Điều 2 như sau: Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có hoạt động liên quan đến nghiệm thu kết quả một số hoạt động đầu tư, hỗ trợ đầu tư công trình lâm sinh, nghiệm thu bảo vệ rừng, nghiệm thu trồng cây phân tán quy định tại Điều 1 Thông tư này có sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước. Khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư áp dụng quy định tại Thông tư này khi sử dụng kinh phí ngoài ngân sách Nhà nước".
Các quy định về nghiệm thu cũng được sửa đổi, bổ sun. Thời điểm nghiệm thu: được thực hiện ngay sau khi hoàn thành mỗi hạng mục lâm sinh theo đề nghị nghiệm thu của bên thi công. Thành phần nghiệm thu, gồm đại diện các bên: chủ đầu tư hoặc đơn vị sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước (sau đây gọi là chủ đầu tư) hoặc giám sát và bên thi công.
Thông tư số 24 cũng sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2022/TTBNNPTNT ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cụ thể, về tổ chức thực hiện trồng rừng thay thế, đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự bố trí được quỹ đất để trồng rừng thay thế: thực hiện trồng rừng trên đất quy hoạch cho rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; trồng rừng trên đất quy hoạch cho rừng sản xuất giao cho chủ rừng là doanh nghiệp Nhà nước, chủ rừng được quy định tại các khoản 1, 3 và 4 Điều 8 Luật Lâm nghiệp; hỗ trợ trồng rừng sản xuất loài cây gỗ lớn (khai thác sau 10 năm tuổi) trên đất quy hoạch cho rừng sản xuất giao hộ gia đình, cá nhân;
Đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tiếp nhận kinh phí trồng rừng thay thế từ địa phương khác không còn quỹ đất để trồng rừng thay thế thực hiện trồng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất trên đất quy hoạch cho rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất.”;
Theo Điều 3 của Thông tư 24, sẽ sửa đổi tên Điều 11 của Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý rừng bền vững đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Thông tư số 13/2023/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cụ thể, Điều 11 sửa là: Phê duyệt hoặc điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững của chủ rừng là tổ chức trực thuộc các Bộ, ngành”.
Điều 4 Thông tư 24 quy định sửa đổi Điều 15 Thông tư số 29/2018/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về các biện pháp lâm sinh đã được sửa đổi bổ sung một số điều theo Thông tư 17/2022/TT-BNNPTNT ngày 27 tháng 10 năm 2022, Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư trong lĩnh vực lâm nghiệp
Theo Điều 15 sửa đổi, Cục Lâm nghiệp có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này trên phạm vi cả nước; xây dựng, ban hành hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng cho các loài cây trồng lâm nghiệp chính, cây trồng phân tán; thực hiện việc kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Thông tư này tại các địa phương.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27 tháng 1 năm 2025.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng ban hành Thông tư số 23/2024/TT-BNNPTNT ngày 11/12/2024 quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật phân định ranh giới rừng.
Theo đó, Thông tư số 23/2024/TT-BNNPTNT áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập để lập hồ sơ phân định ranh giới rừng, cắm mốc, bảng phân định ranh giới rừng của chủ rừng thuộc sở hữu toàn dân quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Lâm nghiệp năm 2017 tiếp giáp với các chủ rừng liền kề, người sử dụng đất liền kề, ranh giới giữa các tiểu khu, khoảnh, lô trạng thái rừng ở Việt Nam và tổ chức, cá nhân có liên quan.
Khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sử dụng nguồn vốn không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này áp dụng quy định tại Thông tư này để lập hồ sơ phân định ranh giới rừng, cắm mốc, bảng phân định ranh giới rừng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.