Bộ Nội vụ đề xuất công khai thông tin của cán bộ, công chức
Bộ Nội vụ đề xuất công khai thông tin của cán bộ, công chức
Quỳnh Nguyễn
Thứ ba, ngày 25/08/2020 08:37 AM (GMT+7)
Bộ Nội vụ vừa gửi tờ trình đề nghị Chính phủ xây dựng Dự án Luật Thực hiện dân chủ cơ sở, trong đó công khai thông tin về phân công công việc, lịch làm việc, lịch hẹn, số điện thoại, số fax, địa chỉ email của cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị...
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân vừa gửi tờ trình đề nghị Chính phủ xây dựng Dự án Luật Thực hiện dân chủ cơ sở. Dự án được xây dựng trên cơ sở Pháp lệnh số 34 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, bên cạnh những kết quả đạt được, sau hơn 10 năm thực hiện, Pháp lệnh số 34 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Qua tổng kết thi hành Pháp lệnh số 34 cho thấy, một số nội dung quy định hiện nay không còn phù hợp với hệ thống pháp luật mới được ban hành hoặc đã trở nên lạc hậu so với thực tiễn, không còn phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước hiện nay.
Cùng với đó, nội dung tham gia của nhân dân vào các hoạt động của chính quyền cơ sở và của các cấp chính quyền, đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng, ban hành các quyết định hành chính còn hạn chế, dẫn đến có nhiều vụ khiếu nại, khiếu kiện đối với các quyết định hành chính của chính quyền cấp xã, tiêu biểu như: các vụ khiếu kiện, khiếu nại theo thống kê khoảng 70% liên quan đến lĩnh vực đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng…
Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ xây dựng dự thảo Luật gồm 5 chương 36 điều. Trong đó, chương 2 quy định về những nội dung thông tin chính quyền cấp xã phải công khai cho nhân dân trong việc thưc hiện dân chủ ở cơ sở. Trong đó quy định về những nội dung thuộc phạm vi quyền dân chủ của nhân dân mà nhà nước (chính quyền cấp xã) phải bảo đảm thực hiện như: Nội dung thông tin, hoạt động của chính quyền cấp xã cần phải được công khai để nhân dân được biết; nội dung thông tin, hoạt động của chính quyền cấp xã cần phải được nhân dân thảo luận, biểu quyết, quyết định hoặc tham gia ý kiến và những nội dung, hoạt động nhân dân được quyền giám sát.
Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, mục tiêu của chính sách nhằm công khai rộng rãi một số thông tin của chính quyền cấp xã để nhân dân thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của mình; tăng trách nhiệm giải trình và tính công khai, minh bạch trong hoạt động của chính quyền cấp xã.
Đồng thời tạo thuận lợi cho nhân dân tiếp cận thông tin của chính quyền cấp xã để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình; tạo cơ hội cho người dân được tham gia giám sát hoạt động quản lý nhà nước, đóng góp ý kiến vào công tác quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước và thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra".
Giải pháp được ban soạn thảo đề xuất là quy định công khai thông tin về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và sơ đồ tổ chức của các cơ quan, đơn vị, bộ phận của chính quyền cấp xã; phân công công việc; lịch làm việc; lịch hẹn; số điện thoại; số fax; địa chỉ email của cán bộ, công chức giải quyết công việc được phân công liên quan đến nhân dân…
Bộ Nội vụ cho biết, trong quá trình xây dựng đề án, một số ý kiến cho rằng, cần mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng quy định cả thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.
Tuy nhiên, Bộ Nội vụ nhận thấy, hiện việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn đang được điều chỉnh bởi một số văn bản quy phạm pháp luật có đối tượng điều chỉnh là các quan hệ khác nhau ở các lĩnh vực khác nhau. Mỗi loại quan hệ có đối tượng, tính đặc thù riêng, bởi vậy nếu mở rộng phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật đối với cả ba đối tượng nêu trên sẽ tạo nên sự khiên cưỡng.
Để giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân với tư cách "Nhân dân là chủ" và "Nhân dân làm chủ" theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, dự thảo Luật chỉ điều chỉnh mối quan hệ giữa chính quyền địa phương với nhân dân trong việc thực hiện dân chủ cơ sở ở xã, phường, thị trấn.
"Nội dung về thực hiện dân chủ tại cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và dân chủ cơ sở tại nơi làm việc sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức và pháp luật về lao động", ông Lê Vĩnh Tân cho hay.
Bộ Nội vụ dự kiến trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến Dự án Luật Thực hiện dân chủ cơ sở tại phiên họp tháng 9/2020; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 10/2020 trước khi trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, dự kiến xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.