Bộ Nội vụ: Trình Quốc hội việc thực hiện cải cách tiền lương tại Kỳ họp thứ 9
Bộ Nội vụ: Trình Quốc hội việc thực hiện cải cách tiền lương tại Kỳ họp thứ 9
Quỳnh Nguyễn
Thứ bảy, ngày 04/01/2025 08:40 AM (GMT+7)
Bộ Nội vụ cho hay, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025 là trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Đây là nội dung được Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu tại Hội nghị giao ban triển khai Chương trình công tác năm 2025, nhiệm vụ công tác Quý I năm 2025 của Bộ Nội vụ.
Cải cách chính sách tiền lương theo Kết luận của Bộ Chính trị
Bộ trưởng yêu cầu triển khai các nội dung cải cách chính sách tiền lương theo Kết luận số 83 ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị; xây dựng báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 (năm 2025) về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, năm 2024 cơ quan này đã chủ trì xây dựng tờ trình và báo cáo trình Bộ Chính trị xem xét, ban hành Kết luận số 83 làm cơ sở trình Quốc hội thông qua Nghị quyết 142/2024.
Bộ Nội vụ cũng tham mưu Chính phủ, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Trung ương thảo luận kỹ lưỡng, tính toán các phương án tối ưu, khả thi nhất để báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung cải cách tiền lương theo lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, chắc chắn, hiệu quả.
Cùng đó, thực hiện đầy đủ cải cách chính sách tiền lương khu vực doanh nghiệp; thực hiện 4/6 nội dung cải cách chính sách tiền lương khu vực công. Trong đó, điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30% (từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng - mức tăng cao nhất từ trước đến nay). Bổ sung 10% tiền thưởng trên tổng quỹ lương cơ bản cho cơ quan, đơn vị, tạo động lực, nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức.
Bộ Nội vụ cũng phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội có tác động tích cực đến nhiều nhóm đối tượng trong xã hội được dư luận đồng tình, đánh giá cao.
Tăng cường quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo
Đối với một số nhiệm vụ trọng tâm khác cần thực hiện trong năm 2025, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà yêu cầu tập trung hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền thông qua 3 Luật: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi); triển khai chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng vào làm việc trong khu vực công và thực hiện có hiệu quả cơ chế bảo vệ cán bộ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc 51 địa phương có Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua khẩn trương sắp xếp tổ chức, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, xử lý đối với tài sản công sau sắp xếp bảo đảm sớm ổn định để tổ chức đại hội đảng các cấp năm 2025. Đồng thời, tiếp tục rà soát, đề xuất phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đối với những đơn vị hành chính chưa đủ tiêu chí về diện tích, dân số theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chủ động phương án việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn tới...
Trong Quý I năm 2025, Bộ trưởng yêu cầu người đứng đầu các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ và toàn thể công chức, viên chức, người lao động chủ động, nỗ lực, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ cấp có thẩm quyền giao. Trong đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025; tập trung hướng dẫn các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng thực hiện tốt các quy định pháp luật bảo đảm an ninh, an toàn, tiết kiệm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.