Bộ trưởng Bộ Công Thương: Tăng cường đào tạo cho nông dân về kinh tế số

Khánh Nguyên (ghi) Thứ hai, ngày 28/12/2020 13:41 PM (GMT+7)
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, năm 2020, ngành nông nghiệp đã vượt qua những khó khăn và về đích ngoạn mục, cũng là năm chứng kiến làn sóng mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Bình luận 0

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị, năm 2021, Bộ NNPTNT tăng cường công tác tổ chức thực thi các hiệp định thương mại tự do trong chiến lược tổng thể quốc gia, bởi ngành nông nghiệp sẽ làm chính trong lĩnh vực này.

Chuỗi cung ứng được định hình

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, năm 2020 là năm rất đặc biệt của nền kinh tế. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đã chủ động, phối hợp mang tính đồng bộ với các bộ, ngành để kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong xuất khẩu, kết nối lại chuỗi cung ứng, gỡ khó các điểm nghẽn thị trường.

Năm 2020 ghi dấu “làn sóng” doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp - Ảnh 1.

Thu hoạch tôm ở Cà Mau phục vụ chế biến xuất khẩu. Ảnh: Huy Hải

"Kinh tế số, thương mại điện tử trong nông nghiệp là công cụ, là con đường rất hiệu quả để giúp nông dân Việt Nam rút ngắn khoảng cách trong chuỗi cung ứng, thông qua các khâu phân phối".

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

"Nếu không có sự chủ động, phối hợp, không có câu chuyện giải cứu nông sản khi bị ách tắc trong xuất khẩu nông sản do tác động của Covid-19 ví dụ với Trung Quốc và các thị trường, nếu không có sự phối hợp tốt và chủ động thì người nông dân khu vực ĐBSCL và các tỉnh sẽ chịu tác động rất lớn" - Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, năm 2020, chủ nghĩa bảo hộ đã tác động rất mạnh đến nhiều mặt, liên tục các cuộc tranh chấp thương mại, tạo ra những lợi thế và cả những khó khăn cho chúng ta trong câu chuyện nông sản thực phẩm xuất khẩu đi nước ngoài. 

Hàng loạt các nội dung lớn mà Bộ NNPTNT đã chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương để xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, vượt lên trên quan điểm của từng Bộ, ngành trong tính chất công việc và trách nhiệm của mình.

"Dưới sự chỉ đạo chung của Thủ tướng, của Chính phủ, chúng ta đã tập trung quyết liệt và được minh chứng bằng việc mở cửa thị trường Trung Quốc, thị trường EU; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường. Trong năm 2020, chúng ta chứng kiến làn sóng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, đặc biệt theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng đã được định hình và khẳng định" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Sản xuất gắn với tín hiệu thị trường

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị Bộ NNPTNT cần bổ sung thêm phần đánh giá triển khai thực hiện công tác mở cửa thị trường, thực thi các cam kết hội nhập. Bởi vì chiến lược hội nhập đã là chiến lược sống còn đối với chúng ta. 

Theo Bộ trưởng, chúng ta thống nhất quan điểm sản xuất nông nghiệp nói riêng và sản xuất nói chung phải gắn với các tín hiệu của thị trường. Tuy nhiên, làm thế nào để thực thi khẩu hiệu này, đây là vấn đề gốc rễ.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đề nghị Bộ NNPTNT cần bổ sung đánh giá công tác tổ chức thực thi các hiệp định thương mại tự do trong chiến lược tổng thể quốc gia.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, chúng ta không chỉ có EVFTA, CPTPP mà tới đây còn 3 hiệp định thương mại tự do chúng ta chuẩn bị ký với các nước trên thế giới.

Chính vì vậy, công tác tổ chức thực thi cam kết hội nhập không chỉ là thị trường mà còn là tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng, nó hàm chứa toàn bộ các nội hàm mới trong công tác phát triển nông nghiệp, tăng cường tính cạnh tranh và phát triển bền vững.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, có rất nhiều nhiệm vụ cần có sự phối hợp đồng bộ và sự tiếp cận chung của các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước kể cả trong các câu chuyện phát triển thị trường, lẫn đổi mới phương thức quản lý nông nghiệp hay thu hút đầu tư nông nghiệp nông thôn, tăng cường tính cạnh tranh, nâng cao thương hiệu, truy xuất nguồn gốc…

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, để thực thi tốt cam kết hội nhập, vai trò của các doanh nghiệp trong việc tham gia vận hành chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng là vô cùng quan trọng.

"Chúng tôi biết rằng Bộ NNPTNT đã làm được nhiều việc nhưng thời gian tới cần cơ chế chính sách để thay đổi mô hình sản xuất một cách tận gốc để đảm bảo được nền kinh tế hàng hóa trong nông nghiệp, có vai trò của doanh nghiệp để đưa công nghệ, tín dụng đồng thời đảm bảo sự bền vững trong chuỗi cung ứng đó" - ông Tuấn Anh nói.

Để thực hiện hội nhập, trong bối cảnh phát triển chung của kinh tế số và của cách mạng công nghiệp 4.0, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, chúng ta không thể quên câu chuyện đào tạo người nông dân. 

Chính vì vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đề nghị Bộ NNPTNT tiếp tục phối hợp trong chương trình hành động để thực thi các chương trình hành động của Chính phủ trong các cam kết hội nhập, đặc biệt trong hoạt động đào tạo người nông dân và các câu chuyện liên quan đến kinh tế số, thương mại điện tử.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem