Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: Quỹ bảo hiểm thai sản, ốm đau "đang âm", tăng chế độ là chưa hợp lý!

Thuỳ Dương Thứ hai, ngày 27/05/2024 17:54 PM (GMT+7)
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đại biểu đề xuất tăng chế độ đối với người lao động nghỉ việc vì ốm đau, thai sản là chính đáng. Tuy nhiên, chưa phù hợp vì quỹ dành cho ốm đau, thai sản vừa qua bị âm.
Bình luận 0

Chiều 27/5 tại Hội trường, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang được Chính phủ đệ trình Quốc hội cho ý kiến, trước khi thông qua.

Khó tăng chế độ bảo hiểm thai sản, ốm đau vì quỹ "đang âm"

Sau gần 1 ngày các Đại biểu Quốc hội thảo luận cho ý kiến, tư lệnh Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đăng đàn trả lời các thắc mắc, kiến nghị xung quanh dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội được nhiều đại biểu quan tâm và dư luận đặc biệt chú ý.

Theo trưởng ngành LĐ-TB&XH, Việt Nam mới bắt đầu thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội đối với người lao động đến nay được 29 năm - quá non trẻ so với nhiều quốc gia.

Nhìn lại bức tranh chung hiện nay, Bộ trưởng cho biết, chúng ta đã có 8-9 loại hình bảo hiểm với nhiều thành tựu cho xã hội, cho người lao động trong bối cảnh khó khăn. Nhiều nội dung, lĩnh vực phát triển nhanh chóng, có kết quả tốt, phù hợp thông lệ quốc tế.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: Quỹ bảo hiểm thai sản, ốm đau "đang âm", tăng chế độ là chưa hợp lý!- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung (Ảnh: QH.VN).

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, chính sách cho hưởng xã hội 1 lần hiện là vấn đề nhạy cảm nhất trong dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và cũng là vấn đề phức tạp mà chúng ta xử lý.

"Vấn đề ở đây là cơ sở chính trị chúng ta đã có, đó là Nghị quyết 28 của Trung ương và Quốc hội đã bàn vấn đề này qua 2 kỳ họp rồi, mục tiêu vừa thực hiện được mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của đất nước, đảm bảo cho người về hưu có lương có bảo hiểm y tế", ông Dung nói.

Nhưng, theo ông Dung, mục tiêu thứ 2 mới đáng trân trọng. Mục tiêu đó là, Nhà nước quan tâm đến đời sống hiện tại của người đóng bảo hiểm xã hội bởi "nguyện vọng của người lao động muốn rút bảo hiểm xã hội điều đầu tiên là vì kinh tế khó khăn, nhưng cũng có người vì lý do khác".

Cũng theo Bộ trưởng, chính sách rút bảo hiểm xã hội 1 lần không có trong Luật Bảo hiểm xã hội của các nước, đặc biệt các nước phát triển. Bộ xem xét rất kỹ từng quốc gia, không nước nào có.

"Chúng ta có là vì xuất phát từ nhu cầu của người lao động, Nghị quyết 93/2015/QH13 về việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động ra đời khi Luật Bảo hiểm 2014 chưa có hiệu lực (tháng 1 năm 2016 có hiệu lực) để giải quyết tình thế", ông Dung nhấn mạnh.

Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH cho hay, việc đề cập đến "bỏ Nghị quyết 93 (rút bảo hiểm 1 lần) là không được" vì sẽ nảy sinh nhiều vấn đề xã hội". Chính vì vậy, nếu muốn duy trì, thì phải có chính sách phù hợp và Chính phủ xây dựng cũng đưa ra tham vấn quốc tế.

Lấy ý kiến trong 5 địa phương tỷ lệ rút bảo hiểm nhiều nhất, đặc biệt phía Nam (Đông Nam bộ), người lao động đều chọn phương án 1 của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, rất ít người chọn phương án 2.

Về việc hạn chế cho rút bảo hiểm xã hội một lần, ông Dung cho rằng có nhiều giải pháp như hỗ trợ tín dụng, cho hưởng lãi suất khi người lao động khó khăn, vay vốn…

Chính phủ cũng thống nhất việc hỗ trợ cho vốn cho người lao động tham gia bảo hiểm cần vốn hoặc khó khăn muốn rút bảo hiểm. Tuy nhiên, chính sách cho vay vốn ưu đãi lại không được đưa vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi mà phải đưa vào luật khác.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: Quỹ bảo hiểm thai sản, ốm đau "đang âm", tăng chế độ là chưa hợp lý!- Ảnh 2.

"Về nguyên tắc, đại biểu đưa ra ý kiến tôi rất thấm thía. Cần có chính sách khác tác động, hỗ trợ", Bộ trưởng Dung nói

Đối với nhóm đề xuất tăng chính sách, thời gian, chế độ ốm đau, thai sản, ông Dung cho rằng đây là ý kiến xác đáng, đúng thực tế và ghi nhận.

Trưởng ngành LĐ-TB&XH đưa thực tế: "Ngay trong quá trình soạn thảo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội lần này, chúng tôi đã đưa ra rất nhiều chính sách tân tiến hơn, tốt hơn 2014 như tăng quyền lợi ốm đau trong trường hợp nghỉ dưới 1 ngày, quỹ bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế cho người lao động nghỉ chế độ thai sản từ 4 ngày trở lên, người ốm nghỉ 14 ngày/tháng tiếp tục được hưởng chính sách".

Theo ông Dung: "Tăng mức hưởng chế độ như nào thì cần tính toán phù hợp" ông Dung nói tiếp: "Quỹ ốm đau, thai sản là quỹ ngắn hạn không phải quỹ dài hạn. Nguyên tắc đây là quỹ có tính chia sẻ cao nhất trong quỹ Bảo hiểm xã hội thời gian qua. Nhưng thực tiễn mấy năm qua, chúng ta đang bị âm (thu không đủ chi). Tỷ lệ thu/chi năm 2017, quỹ này âm 2,13%, năm 2019 âm 2,85% và năm 2023 mới cân bằng được thu chi".

Ông Dung cho rằng, thu quỹ ốm đau, thai sản là 3%, nếu chúng ta tăng các chính sách lên thì không đảm bảo cân đối thu chi, nếu tăng lên thì chưa phù hợp. Chúng tôi còn đang muốn giảm các quỹ ngắn hạn nữa.

Chính sách và nguyện vọng rất chính đáng nhưng trước mắt phải làm sao để hài hoà, cân đối quyền lợi với cân đối thu-chi.

Liên quan đến vấn đề mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Nghị quyết 28-NQ/TW (năm 2018) về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội nêu mục tiêu phấn đấu tới bảo hiểm xã hội toàn dân, đa tầng. Nghị quyết 42-NQ/TW vừa được thông qua, phấn đấu năm 2030, phải đạt 63% người dân tham gia bảo hiểm. Mở rộng đối tượng bảo hiểm là tất yếu.

"Tất cả xã hội tiến bộ nào, thì đã có giao kết hợp đồng thì phải có lương, đóng thuế và phải đóng bảo hiểm bắt buộc", ông Dung nêu.

Những đối tượng nào đã rõ, đủ điều kiện thì quy định ngay trong luật. Vừa rồi đối tượng kinh doanh cá thể, họ có khuyết điểm, chịu trách nhiệm về xử lý khuyết điểm, nhưng còn quyền lợi người lao động đóng rồi, tiền đóng rồi thì phải xử lý.

"Chúng tôi đi khảo sát, về cơ bản hộ kinh doanh cá thể đồng ý đóng bảo hiểm bắt buộc", ông này nêu.

Về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Chính phủ đưa ra hai phương án điều kiện để người tham gia bảo hiểm rút bảo hiểm một lần.

Tại dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, cơ quan soạn thảo đề xuất hai phương án rút bảo hiểm 1 lần để các Đại biểu cho ý kiến, chọn lựa và thông qua.

Trong đó, Phương án 1: Người lao động được chia làm hai nhóm: Trong đó, nhóm 1, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 01/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm và có đề nghị thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định hiện hành (Nghị quyết số 93/2015/QH13).

Nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13.

Phương án 2: Người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Tại Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khẳng định đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành Phương án 1 của Chính phủ đề xuất và cũng là ý kiến của đa số người lao động tại một số địa phương được cơ quan chủ trì thẩm tra lấy ý kiến.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem