Nhiều lãnh đạo ngành y tế bị khởi tố: Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long giải trình ra sao?

Diệu Linh Thứ tư, ngày 10/11/2021 06:00 AM (GMT+7)
Sáng nay (11/11), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long sẽ ngồi ghế nóng, chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV. Ông Nguyễn Thanh Long đã lên làm Bộ trưởng trong giai đoạn ngành y tế chịu nhiều áp lực nhất.
Bình luận 0

Theo kế hoạch, Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ có thời gian trả lời trong buổi sáng và 15 phút chiều cùng ngày (10/11), để giải trình và làm rõ các nội dung mà đại biểu quan tâm liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh, chiến lược phòng, chống dịch, chiến lược vaccine Covid-19.

Các vấn đề nóng khác cũng được đại biểu quan tâm chất vấn với bộ trưởng y tế là việc bảo đảm nguồn cung và quản lý giá xét nghiệm Covid-19, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm; giải pháp giảm thiểu sự chênh lệch chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các tuyến, các vùng, miền và nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là ở các vùng khó khăn; định hướng đào tạo, sử dụng và chế độ đặc thù cho đội ngũ cán bộ y tế.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Ngành y tế sẽ nỗ lực, quyết tâm đổi mới mạnh mẽ, toàn diện - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại phiên thảo luận ngày 8/11. Ảnh: Minh Đức/TTXVN.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long với những áp lực lớn của ngành y tế

Ông Nguyễn Thanh Long lên làm Bộ trưởng Bộ Y tế trong giai đoạn ngành y tế trải qua nhiều thử thách nhất.

1. Sự "càn quét" của đại dịch Covid-19

Trước hết phải kể đến sự "càn quét" của đại dịch Covid-19 (từ đầu năm 2020 đến nay) khiến toàn ngành y tế đã phải gồng mình chống dịch Covid-19, từ khối dự phòng đến khối điều trị.

Tính đến ngày 8/11, Việt Nam có gần 980.000 ca Covid-19, gần 22.598 ca tử vong do Covid-19. Đặc biệt trong đợt dịch thứ 4 (từ 27/4/2021) diễn ra tại TP.HCM và các tỉnh miền Nam với 971.711 ca mắc và hầu hết các ca Covid-19 tử vong (đợt dịch 1 và 2 không có ca tử vong, đợt dịch 3 có 35 ca tử vong).

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Đối mặt với nhiều vấn đề nóng của ngành y tế - Ảnh 2.

Làn sóng dịch thứ 4 đã khiến ngành y tế chịu áp lực lớn (Trung tâm Hồi sức Covid-19 tại TP. HCM do Bệnh viện Việt Đức phụ trách. Ảnh BVCC)

Toàn ngành y tế đã phải gồng mình chống dịch. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ra lời hiệu triệu, huy động hơn 20.000 nhân viên y tế, sinh viên, giảng viên các trường y dược để hỗ trợ chống dịch tại TP.HCM và các tỉnh miền Nam. Hàng trăm Bệnh viện dã chiến và hàng chục Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 đã được xây dựng cấp tốc. 

Mỗi nhân viên y tế tham gia chống dịch đã phải làm việc gấp 4-5 lần bình thường. Đã có nhiều hy sinh mất mát khi nhân viên y tế mắc Covid-19 tử vong. Nhiều người chịu nỗi đau cha mẹ, người thân mất không về chịu tang... Hàng nghìn người sống tại Bệnh viện 3-4 tháng không về...

2. Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất vaccine Covid-19

Ngoài áp lực về công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, Bộ Y tế cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành triển khi kế hoạch tiêm chủng vaccine Covid-19 lớn nhất, dự kiến sẽ tiêm hơn 150 triệu liều vaccine cho người dân, trong khi vaccine Covid-19 hiếm nguồn cung cấp.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Đối mặt với nhiều vấn đề nóng của ngành y tế - Ảnh 3.

Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất vaccine Covid-19 cho người trên 18 tuổi nay đã mở rộng sang đối tượng trẻ em từ 12-17 tuổi (Tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em tại TP.HCM. Ảnh HCDC)

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo một mặt vừa tìm nguồn vaccine, đàm phán và mua vaccine, mặt khác phải triển khai tiêm vaccine trên diện rộng trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, vaccine lần đầu được tiêm chủng, thời gian thử nghiệm ngắn, nhiều nguy cơ, rủi ro chưa được đánh giá hết...

Tính đến hết ngày 8/11, thống kê theo số thực trên Cổng thông tin tiêm chủng cho biết, đến ngày 8/11, cả nước có gần 91 triệu liều vaccine Covid-19 đã được tiêm. Như vậy, đến nay khoảng hơn 61 triệu người đã được tiêm mũi 1, hơn 29 triệu người tiêm mũi 2.

Trên cả nước tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều vaccine là khoảng trên 83% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là khoảng gần 40% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Dịch Covid-19 lần đầu xuất hiện trên thế giới, lại ở quy mô đại dịch lớn chưa từng có mà Việt Nam phải đối mặt trong thời gian ngắn. Do đó, đây có thể là thời gian ngành y tế đã phải ra nhiều công văn, quyết định chỉ đạo công tác chống dịch, điều trị, thanh toán điều trị... nhất từ trước đến nay.

Thời gian qua, nỗ lực của ngành y tế đã được ghi nhận, trân trọng. Nhưng bên cạnh những điều làm được, dư luận cũng đặt nhiều câu hỏi về giá xét nghiệm Covid-19 "hỗn loạn", sai sót trong quá trình tiêm chủng, có những giai đoạn ngành y lúng túng trong việc chống dịch, thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19...

3. Các vụ án lớn liên quan đến ngành y tế chưa từng có

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lên làm Bộ trưởng trong giai đoạn ngành y có nhiều lãnh đạo bị khởi tố nhiều nhất, liên quan đến các vụ án tham nhũng, thổi giá thiết bị y tế, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng...

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị khởi tố: Sự tàn nhẫn của thuốc giả - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường vừa bị khởi tố do có liên quan đến Vụ Công ty VN Pharma nhập thuốc giả diễn ra từ năm 2012-2013. (Ảnh thuốc minh họa: Istockphoto)

Có thể kể đến việc khởi tố Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường liên quan đến vụ án thuốc giả của Công ty Pharma.

Rồi vụ cả hai Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện đầu ngành trực thuộc Bộ Y tế đều bị khởi tố. Đầu tiên là ông Nguyễn Quốc Anh (Giám đốc) và Nguyễn Ngọc Hiền (Phó Giám đốc) bị khởi tố, bắt giam. Sau khi Bộ Y tế cử ông Nguyễn Quốc Tuấn về làm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai được hơn 1 năm thì cuối tháng 10 vừa qua, ông Quốc Tuấn tiếp tục bị khởi tố (liên quan đến vụ án tại Bệnh viện Tim Hà Nội mà ông làm Giám đốc trước đó).

Và nhiều vụ án khác liên quan đến cán bộ ngành y như: Khởi tố Giám đốc, Nguyên Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, khởi tố Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm. Gần nhất là vụ khởi tố Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức (TP.HCM)....

Những sai phạm của những người đứng đầu các cơ sở y tế này đã khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi bức xúc về tư cách đạo đức, trình độ lãnh đạo của cán bộ ngành y tế, nhân viên y tế...

Đây có thể sẽ là những vấn đề nóng mà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long sẽ phải trả lời chất vấn trong phiên chất vấn sáng mai...

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long là ai?

Ông Nguyễn Thanh Long sinh ngày 3/9/1966 tại xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.

Ông tốt nghiệp Thạc sĩ y khoa chuyên ngành truyền nhiễm, Đại học Y Hà Nội năm 1995; Tiến sĩ y khoa năm 2003; Phó Giáo sư y học năm 2009; Giáo sư y học năm 2013.

Từ năm 1995 đến năm 2003, ông là chuyên viên Vụ Y tế dự phòng, Bộ Y tế.

Từ tháng 12/2003 đến tháng 5/2005, ông là Trưởng phòng Kiểm soát và phòng chống HIV/AIDS, Cục Y tế dự phòng và phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế.

Từ tháng 6/2005 đến tháng 3/2008, ông là Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế.

Từ tháng 3/2008 đến tháng 11/2011 là Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS.

Từ tháng 12/2011 đến tháng 10/2018, ông là Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế, phụ trách lĩnh vực y tế dự phòng.

Ngày 30/10/2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Long giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Ngày 31/1/2020, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, bắt đầu được ghi nhận tại Việt Nam, với uy tín trong lĩnh vực y học dự phòng, ông được Thủ tướng Chính phủ điều động, bổ nhiệm tái giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Y tế từ 31.1.

3/2020 ông giữ chức Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế.

7/7/2020 ông được giao giữ chức quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế.

16/10/2020 ông được bổ nhiệm giữ chức vụ kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia.

12/11/2020 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV phê chuẩn việc bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Long giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem