Bộ trưởng Lê Minh Hoan được mời ăn trái "cà na Thái" và nỗi lo của ngành giống cây trồng Việt Nam

K.Nguyên Thứ tư, ngày 27/10/2021 07:00 AM (GMT+7)
Chia sẻ câu chuyện của chính mình trong một lần xuống thăm mô hình của bà con, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết được bà con mời ăn trái cà na và giới thiệu là "cà na Thái". Từ thực tế này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ NNPTNT sẽ dành nhiều ưu tiên cho công tác nghiên cứu, sản xuất giống.
Bình luận 0

Khi doanh nghiệp nông nghiệp "chơi lớn": Mua máy PCR về test Covid-19 cho công nhân

Vẫn là những khó khăn, câu chuyện ứng phó của các doanh nghiệp trong đại dịch, nhưng lần đầu tiên cả những con "đại bàng", "chim sẻ" và cả những người chẳng nhận là "đại bàng" hay là "vua" đều chia sẻ với Bộ trưởng Lê Minh Hoan những câu chuyện chưa từng có tiền lệ, chưa từng xảy ra cho đến khi dịch Covid-19 xuất hiện trong cuộc tọa đàm trực tuyến do báo Tuổi trẻ tổ chức ngày 26/10.

Chi phí logistics tăng cao, việc lưu thông, tiêu thụ nông sản khó khăn là khó khăn chung mà các doanh nghiệp nông nghiệp gặp phải trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4.

"Đến cái hộp đựng trứng cũng tăng 20 – 30%, trong khi giá trứng giảm 30 -40%" - bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch Công ty TP Ba Huân chia sẻ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Đến trái cà na cũng giới thiệu là cà na Thái là câu chuyện đáng suy ngẫm - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đối thoại với những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nông nghiệp và gợi ý nhiều nhóm giải pháp để phát triển ngành hàng. Ảnh: P.V

Đồng cảnh ngộ, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH An Huy Long An cho biết, khổ nhất là trong đợt dịch, do lệnh giãn cách xã hội, chuối chín trên đồng mà không có người chăm sóc.

"Thị trường xuất khẩu chuối của doanh nghiệp vẫn rất rộng mở, 95% sản lượng chuối của chúng tôi phục vụ xuất khẩu nhưng hiện chi phí logistics đang tăng rất cao" - ông Huy chia sẻ với Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

Chia sẻ kinh nghiệm tổ chức sản xuất "3 tại chỗ" trong đợt dịch Covid-19, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho biết, để tổ chức sản xuất "3 tại chỗ" trong điều kiện địa phương giãn cách xã hội, doanh nghiệp của ông cũng trải qua nhiều khó khăn do thiếu mặt bằng và đảm bảo an toàn cho người lao động.

"Chúng tôi tận dụng kho hàng, bãi xe trống để làm chỗ sinh hoạt cho công nhân. Để đảm bảo sàng lọc các ca bệnh (nếu có), chúng tôi tự trang bị máy xét nghiệm PCR, kiểm tra, tầm soát cho 100% lao động" - ông Lực cho biết.

Cũng theo ông Lực, để động viên tinh thần công nhân, Sao Ta tổ chức nâng cao chất lượng bữa ăn, điều kiện sinh hoạt, mỗi ngày văn phòng chuẩn bị một gói quà gửi tặng công nhân. 

"Chúng tôi gọi là: Gửi nắng cho nhau, món quà chỉ là bánh, sữa nhưng cũng động viên anh em rất nhiều" - ông Lực nói.

 Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Doanh nghiệp có thể nhắn tin cho bộ trưởng tìm cách làm hay

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh nêu băn khoăn, hiện, thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam rất lớn nhưng chúng ta đang thiếu các nhà máy chế biến sâu.

"Trong khi các nước có cả nghìn sản phẩm chế biến từ gạo thì Việt Nam vẫn rất thiếu, đến nay, xuất khẩu gạo vẫn phải xin giấy phép, điều này là phi lý" - ông Thông nói. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Đến trái cà na cũng giới thiệu là cà na Thái là câu chuyện đáng suy ngẫm - Ảnh 2.

Công ty CP Thực phẩm Sao Ta chuẩn bị các gói quà cho công nhân thực hiện "3 tại chỗ". Ảnh: Sao Ta.

Chia sẻ câu chuyện của hạt gạo ST25 ra thế giới, kỹ sư nông nghiệp Hồ Quang Cua cho biết, trong 4 năm qua đi dự thi quốc tế, hạt gạo thơm của Việt Nam được quốc tế ghi nhận.

Tuy nhiên, ông Cua cũng nêu thực tế là trong công tác quản lý độ thuần của gạo, trong khi EU quản lý bằng DNA thì Việt Nam lại quản lý theo hạt thóc ngoài ruộng và "cái này là bất cập".

Từ thực tế đó, ông Cua đề xuất thay vì Bộ cử cán bộ kiểm nghiệm ra đồng thì nên mua máy phân tích DNA để kiểm tra độ thuần xuất khẩu sang EU "hơn là qua đó rồi mới kiểm tra nếu có vấn đề gì thì làm cho chúng ta mất uy tín". 

Các doanh nghiệp cũng nêu vấn đề bất cập trong công tác quản lý giống khi đi khắp miền Tây nhiều nơi trồng mít Thái, xoài Thái,... "Bao giờ có mít Việt Nam, sầu riêng Việt Nam giới thiệu với bạn bè thế giới?, đại diện các doanh nghiệp băn khoăn.

Chia sẻ câu chuyện của chính mình trong một lần xuống thăm mô hình của bà con, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết được bà con mời ăn trái cà na và giới thiệu là "cà na Thái".

"Đây là câu chuyện đáng suy ngẫm, sắp tới chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn sẽ ưu tiên cho công tác nghiên cứu giống theo hướng mở rộng hợp tác "công - tư", mời các doanh nghiệp tham gia vào nghiên cứu nông nghiệp, trong đó có nghiên cứu giống" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Nhắc đến câu chuyện đứt gãy chuỗi toàn cầu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, nền nông nghiệp của chúng ta tính tự chủ chưa cao, phụ thuộc rất nhiều đầu vào của nước ngoài. 

"Tại sao một đất nước nông nghiệp, tự hào là nước nông nghiệp mà bắp cũng phải nhập, đậu nành cũng phải nhập để làm thức ăn chăn nuôi, thủy sản?" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu câu hỏi. 

Từ thực tế đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết luôn sẵn sàng ngồi với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để bàn câu chuyện phát triển của các ngành hàng, tìm ra mô hình để mang được chính sách của Chính phủ, Bộ NNPTNT, đi đúng vào đường hướng của mỗi doanh nghiệp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, bất kể lúc nào, doanh nghiệp có ý tưởng phát triển chuỗi ngành hàng ở các địa phương có thể nhắn tin trực tiếp cho bộ trưởng, Bộ NNPTNT, địa phương và các doanh nghiệp sẽ cùng ngồi lại, bàn hướng phát triển sao cho hiệu quả nhất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem