Bộ Xây dựng kiến nghị hàng loạt giải pháp “cứu” doanh nghiệp bất động sản
Bộ Xây dựng kiến nghị hàng loạt giải pháp “cứu” doanh nghiệp bất động sản
Thái Nguyễn
Thứ năm, ngày 16/02/2023 16:30 PM (GMT+7)
Trước thềm Hội nghị thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Chính phủ chủ trì dự kiến tổ chức ngày 17/2, Bộ Xây dựng kiến nghị hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản cũng như toàn thị trường.
Bộ Xây dựng nhấn mạnh bức tranh thị trường bất động sản năm 2022, hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản gặp rất nhiều khó khăn do khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Trong khi đó, lãi suất, tỷ giá ngoại tệ, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh, doanh nghiệp không bán được sản phẩm.
Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lao động, dừng các hoạt động đầu tư, thi công xây dựng dự án. Khó khăn của thị trường bất động sản đã kéo theo khó khăn của nhiều ngành nghề kinh tế, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Nguyên nhân chính nhất dẫn đến vướng mắc quy định về pháp luật về đất đai; khó khăn định giá đất, tính tiền sử dụng đất, giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất.
Theo đó, số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới là 8.593 doanh nghiệp, tăng khoảng 14%; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 2.081 doanh nghiệp, tăng khoảng 57%; số doanh nghiệp tuyên bố phá sản, giải thể tăng khoảng 39% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy đến 31/12/2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản khoảng 800.000 tỷ đồng. Đặc biệt, về tình hình phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết thời gian qua, các doanh nghiệp bất động sản khó khăn hơn trong việc phát hành trái phiếu tạo nguồn vốn để triển khai thực hiện dự án cũng như cân đối dòng tiền trong hoạt động của doanh nghiệp.
Riêng trong tháng 12/2022, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tính đến 25/12/2022, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng 2 triệu tỷ đồng, trong đó của doanh nghiệp bất động sản là 419.000 tỷ đồng (chiếm 34%).
Trong cuối năm 2022 và thời gian tới, một số doanh nghiệp bất động sản còn phải chịu áp lực trả nợ trái phiếu trước hạn cho nhà đầu tư vì nhiều nguyên nhân, trong đó có thay đổi chính sách kiểm soát trái phiếu phát hành của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp bất động sản cần tự tái cấu trúc, tránh đầu tư dàn trải
Theo Bộ Xây dựng, hiện nay thị trường bất động sản đã có những chuyển biến, tuy nhiên thị trường vẫn còn nhiều khó khăn về thể chế, nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu, chứng khoán, tổ chức thực thi pháp luật của địa phương… cần tiếp tục được tập trung tháo gỡ.
Để tháo gỡ cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đưa ra đề xuất về loạt giải pháp. Thứ nhất là tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà ở, bất động sản đảm bảo đồng bộ, khả thi. Trong đó tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Thuế, Luật Chứng khoán, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản,…
Thứ hai, về thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đề nghị Quốc hội giao Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội xem xét, ban hành "Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội" để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể là về vấn đề giao đất đầu tư nhà ở xã hội, giá cho thuê mua và đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng.
Bên cạnh đó, nới trần (room) tín dụng phù hợp để hỗ trợ cho nền kinh tế trong năm 2023 và các năm tiếp theo; đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Ngoài ra có những giải pháp kịp thời để đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững.
Bộ Xây dựng cùng đề nghị các doanh nghiệp bất động sản cần chủ động tổ chức rà soát, tái cấu trúc lại doanh nghiệp, danh mục đầu tư, cơ cầu sản phẩm đầu tư của doanh nghiệp nhằm đảm bảo phù hợp với năng lực tài chính, quy mô, khả năng quản trị của doanh nghiệp và phù hợp với nhu cầu thực của xã hội, tránh đầu tư dàn trải.
Bộ Xây dựng cũng đưa ra những kiến nghị, đề xuất về nguồn vốn tín dụng để khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; huy động tối đa các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho phát triển nhà ở và thị trường; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng…
Về tổ chức thực thi pháp luật của các địa phương, Bộ Xây dựng kiến nghị khẩn trương rà soát, lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa hoặc chậm triển khai để tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc; cùng với đó ban hành các quy định cụ thể theo thẩm quyền để triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở và pháp luật khác có liên quan.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.