"Bóng đá châu Á có 3 đại diện ở vòng 1/8 World Cup là ghê gớm lắm rồi!"
"Bóng đá châu Á có 3 đại diện ở vòng 1/8 World Cup là ghê gớm lắm rồi!"
Tuệ Minh
Chủ nhật, ngày 18/12/2022 19:10 PM (GMT+7)
World Cup 2022 chứng kiến bóng đá châu Á xác lập mốc son lịch sử khi lần đầu tiên có 3 đội lọt vào vòng 1/8 là Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia. Bình luận viên Ngô Quang Tùng nhìn nhận đó là kết quả đáng tự hào!
Tại World Cup 2022, bóng đá châu Á đã ghi dấu ấn khi lần đầu tiên trong lịch sử có 3 đội góp mặt tại vòng 1/8 là Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia. Bên cạnh đó, Iran (thắng xứ Wales 2-0), Ả rập Xê út (thắng Argentina 2-1) cũng có những trận thắng ấn tượng ở vòng bảng.
Tiếc là đến vòng tứ kết, châu Á không còn đại diện khi Hàn Quốc (thua Brazil 1-4), Nhật Bản (hòa 1-1 sau 120 phút thi đấu và thua Croatia trong loạt đá luân lưu), Australia (thua Argentina 1-2) đều đã bị loại sau cuộc đọ sức với các đội bóng được đánh giá mạnh hơn.
Tính đến lúc này, thành tích tốt nhất của bóng đá châu Á vẫn là vị trí thứ 4 mà Hàn Quốc đạt được khi là đồng chủ nhà World Cup 2002 với Nhật Bản cách đây 20 năm. Phía sau thành tích đó của Hàn Quốc, thực tế vẫn còn những tranh cãi về việc trọng tài thiên vị cho đội bóng xứ kim chi trên hành trình đi tới bán kết.
Câu hỏi đặt ra là phải chăng những hạn chế về thể chất khiến bóng đá châu Á không thể vươn tầm, có một vị trí ổn định trong tốp 8 World Cup? Và những giải pháp để bóng đá châu Á có sự bứt phá về thành tích trong tương lai, sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với các "đại gia" ở những kỳ World Cup tiếp theo?
Dười góc nhìn của mình, bình luận viên (BLV) Ngô Quang Tùng đã bày tỏ quan điểm trong cuộc giao lưu trực tuyến "Đồng hành cùng World Cup 2022" do báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức sáng nay.
"Tôi nghĩ thể chất chỉ là một vấn đề mà tôi muốn gói nó vào cụm từ "sức chịu đựng". Chúng ta phải khẳng định bóng đá châu Á đã có một kỳ World Cup thành công khi lần đầu tiên có 3 đại diện cùng lọt vào vòng 1/8. Điều đó đã cho thấy sự tiến bộ của bóng đá châu Á trên đấu trường thế giới.
Để có được những bước tiến và màn thể hiện trên sân cỏ Qatar làm thỏa mãn người hâm mộ, các đại diện châu Á mà "2 lá cờ đầu" là Nhật Bản, Hàn Quốc đã phải trải qua một quá trình phát triển Giải bóng đá vô địch quốc gia, "xuất khẩu" cầu thủ tới các giải đấu hàng đầu thế giới như Giải Ngoại hạng Anh, Bundesliga..
Quá trình chuẩn bị World Cup 2022 của họ cũng diễn ra chi tiết, bài bản, kỹ lưỡng, có HLV đẳng cấp cầm quân".
BLV Quang Tùng nhìn nhận bóng đá châu Á và thế giới vẫn còn khoảng cách nhưng để "đo" khoảng cách đó là bao nhiêu thì rất nan giải, không thể căn cứ vào một trận đấu, một giải đấu hay 1-2 năm, thậm chí là một vài kỳ World Cup.
"Để có thể vươn tầm thế giới, cạnh tranh sòng phẳng với các đội bóng lớn trong tương lai, tôi nghĩ những người làm bóng đá châu Á còn phải phấn đấu nhiều hơn một cách bền bỉ, không biết mệt mỏi. Câu chuyện đó không chỉ của riêng những ngôi sao sáng như Sin Heung-min hay một liên đoàn bóng đá Hàn Quốc, Nhật Bản... mà là của mọi thành viên trong "ngôi nhà bóng đá châu Á".
Tôi ví dụ để Son Heung-min có thể mở tốc độ đua khoảng 40-50m rồi "thả" quả bóng rất đúng thời điểm, chính xác đến từng chi tiết cho Hwang Hee-chan thoát xuống ghi bàn ấn định chiến thắng 2-1 cho Hàn Quốc trước Bồ Đào Nha phút bù giờ, Son Heung-min đã phải tích lũy trong nhiều năm khổ luyện.
Còn nếu xét về tình cơ bắp thuần túy, ở 4 trận đấu tại World Cup 2022, cầu thủ Hàn Quốc thậm chí còn chạy nhiều hơn các đội bóng châu Âu, Nam Mỹ. Nhưng tính hiệu quả, chi tiết ở từng pha bóng thì còn chưa hợp lý. Bóng đá châu Á cần có nhiều cầu thủ xuất ngoại thi đấu ở các giải hàng đầu trên thế giới hơn, cần có nhiều Son Heung-min hơn để có thể có sự bứt phá ổn định về thành tích trên đấu trường World Cup trong tương lai".
Về trường hợp gục ngã trước ngưỡng cửa lịch sử của Nhật Bản khi thua Croatia trong loạt đá luân lưu phân thắng bại vòng 1/8 World Cup 2022 (bóng đá Nhật Bản chưa bao giờ lọt tới tứ kết World Cup), BLV Quang Tùng nhận định:
"Nhật Bản chỉ cách tấm vé vào tứ kết có mấy quả đá luân lưu thôi và nhiều người cho rằng họ thiếu may mắn, tôi không phản đối.
Nhưng việc đá luân lưu còn liên quan tới bản lĩnh. Không phải cứ đi đá World Cup nhiều, đi thi đấu ở châu Âu nhiều là bản lĩnh sẽ khác. Đó còn là sự tích lũy của một cầu thủ, một đội bóng từ truyền thống tới hiện tại.
Tôi xin nhắc lại, việc châu Á có 3 đội bóng lọt vào tốp 16 đội mạnh nhất World Cup 2022 đã là ghê gớm lắm rồi. Câu chuyện để bóng đá châu Á có thể bứt phá mạnh hơn nữa trong tương lai phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như tôi chia sẻ ở trên và chúng ta có lẽ cũng chỉ biết chờ thôi!"
Vui lòng nhập nội dung bình luận.