Buôn bán thuốc thú y online khó kiểm soát, Hà Nội siết chặt quản lý vaccine, thuốc thú y
Buôn bán thuốc thú y online khó kiểm soát, Hà Nội siết chặt quản lý vaccine, thuốc thú y
Nguyên An
Thứ sáu, ngày 08/07/2022 21:17 PM (GMT+7)
Siết chặt quản lý vaccine, thuốc thú y có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh động vật, Hà Nội đã và đang tăng cường kiểm tra, giám sát việc lưu thông sản phẩm trên thị trường.
Đó là một trong những nội dung chính được đề cập tại Lễ kỷ niệm 72 năm thành lập và Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 diễn ra ngày 8/7.
Hà Nội siết chặt quản lý vaccine, thuốc thú y
Chia sẻ ngay tại Lễ kỷ niệm 72 năm thành lập và Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 diễn ra sáng 8/7, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội bày tỏ, ý thức chấp hành của một số tổ chức, cá nhân trong hoạt động, sản xuất kinh doanh con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y còn hạn chế gây khó khăn cho công tác quản lý.
Trong đó, báo cáo của Chi cục Chăn nuôi Thú y Hà Nội cho biết, tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn thành phố là 1.058 cơ sở, trong đó có 25 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi có đăng ký kinh doanh là 767 cơ sở.
Số cơ sở buôn bán thuốc thú y là 646 cơ sở giảm 6,6% so với năm 2021, trong đó số cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y là 520 cơ sở.
Tuy nhiên, hoạt động buôn bán thuốc thú y online ngày càng phổ biến, không có địa điểm cố định, hoạt động chủ yếu trên mạng xã hội do vậy khó quản lý, nắm bắt tình hình. Cùng với đó, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỉ lệ cao, tình hình sử dụng thuốc thú y, vacxin tràn lan, khó kiểm soát.
Có mặt tại buổi Lễ, ông Tạ Văn Tường, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội nhận định, thực trạng vật tư đầu vào, hàng giả, hàng kém chất lượng hiện vẫn diễn biến hết sức phức tạp đòi hỏi Chi cục Chăn nuôi Thú y cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong tăng cường thanh kiểm tra để hạn chế tới mức tối đa.
Về công tác phòng, chống dịch bệnh, thời gian qua, các bệnh như tai xanh, viêm da nổi cục trâu bò, bệnh dại động vật, bệnh cúm gia cầm và bệnh lở mồm, long móng đều cơ bản ổn định và được kiểm soát tốt.
Riêng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, tính đến 15/6, ổ dịch cuối cùng tại xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín đã qua 21 ngày không phát sinh và đến nay không xuất hiện ổ dịch mới. Trước đó, Chi cục đã lấy 530 mẫu nước thải và 220 mẫu phân giám sát virus Dịch tả lợn Châu Phi, kết quả không phát hiện có virus.
Hiện, toàn thành phố Hà Nội có 38 cơ sở chăn nuôi gia súc an toàn dịch bệnh. Trong đó, 4 cơ sở chăn nuôi bò, 20 cơ sở chăn nuôi lợn và 14 cơ sở chăn nuôi gia cầm, có 12 cơ sở chăn nuôi gà và 2 cơ sở chăn nuôi vịt. Bên cạnh đó, 4 quận Thanh Xuân, Tây Hồ, Hoàn Kiếm và Ba Đình đã được cấp Giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh Dại động vật.
Với những kết quả đẫ đạt được, 6 tháng cuối năm 2022, Chi cục Chăn nuôi Thú y Hà Nội tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm, báo cáo, khoanh vùng và xử lý kịp thời khi có ổ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra.
Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị triển khai tiêm phòng đại trà và bổ sung hàng tháng đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt từ 80% tổng đàn và lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng đợt 2 năm 2022 để đánh giá hiệu quả tiêm phòng. Bên cạnh đó, Chi cục cũng triển khai hướng dẫn xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật tại 8 quận còn lại trước năm 2025.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, hiện, trên địa bàn TP có 646 cơ sở kinh doanh thuốc thú y, trong đó có 520 cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, nhiều cửa hàng đã chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh thuốc thú y nhưng vẫn còn một số cơ sở chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoặc đã hết hạn; hàng hóa sắp đặt thiếu ngăn nắp; không có hóa đơn mua bán…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.