Căn cứ để Viện KSND tối cao trả hồ sơ vụ ông Trịnh Văn Quyết thao túng chứng khoán

Quang Trung Thứ sáu, ngày 05/01/2024 14:00 PM (GMT+7)
Viện KSND tối cao trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung vụ án Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết thao túng chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việc này dựa trên căn cứ nào?
Bình luận 0

Trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ ông Trịnh Văn Quyết thao túng chứng khoán, lừa đảo

Viện KSND tối cao vừa ban hành quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vụ án Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Căn cứ để Viện KSND tối cao trả hồ sơ vụ ông Trịnh Văn Quyết thao túng chứng khoán- Ảnh 1.

Ông Trịnh Văn Quyết thời điểm chưa bị bắt. Ảnh: DV

Đồng thời, viện kiểm sát có văn bản gửi một số cơ quan thông tấn báo chí về việc đề nghị đăng thông tin để thông báo cho người bị hại biết về quyết định trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung vụ án Trịnh Văn Quyết.

Theo nội dung văn bản, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra bản kết luận đề nghị Viện KSND tối cao (Vụ 5) truy tố Trịnh Văn Quyết và 20 đồng phạm về tội thao túng thị trường chứng khoán và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, xét thấy cần phải điều tra bổ sung để bảo đảm việc truy tố, viện kiểm sát trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung đối với vụ án Trịnh Văn Quyết và đồng phạm về tội thao túng thị trường chứng khoán và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 211 và Điều 174 Bộ luật hình sự.

Viện kiểm sát trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung trong trường hợp nào?

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc Viện KSND tối cao trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ án liên quan ông Trịnh Văn Quyết khi cơ quan điều tra đã có kết luận là đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Cụ thể, theo Điều 245, Bộ luật tố tụng hình sự quy định về thẩm quyền trả hồ sơ điều tra bổ sung của viện kiểm sát, thì viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ vụ án, yêu cầu cơ quan điều tra điều tra bổ sung khi có các căn cứ sau đây:

Còn thiếu chứng cứ để chứng minh một trong những vấn đề quy định tại Điều 85 của Bộ luật tố tụng hình sự mà viện kiểm sát không thể tự mình bổ sung được; Có căn cứ khởi tố bị can về một hay nhiều tội phạm khác; Có người đồng phạm hoặc người phạm tội khác liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố bị can; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Theo luật sư Thơ, quyết định trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung phải ghi rõ vấn đề cần điều tra bổ sung quy định tại khoản 1, Điều 245, Bộ luật tố tụng hình sự và các nội dung quy định tại khoản 2, Điều 132 của Bộ luật tố tụng hình sự.

Cơ quan điều tra có trách nhiệm thực hiện đầy đủ yêu cầu nêu trong quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung của viện kiểm sát. Trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà không thực hiện được phải nêu rõ lý do bằng văn bản.

Khi kết thúc điều tra bổ sung, cơ quan điều tra phải có bản kết luận điều tra bổ sung. Bản kết luận điều tra bổ sung phải ghi rõ kết quả điều tra bổ sung, quan điểm giải quyết vụ án, nếu kết quả điều tra bổ sung làm thay đổi cơ bản kết luận điều tra trước đó, cơ quan điều tra phải ra bản kết luận điều tra mới thay thế.

Việc chuyển hồ sơ vụ án kèm theo kết luận điều tra bổ sung cho viện kiểm sát, việc giao, nhận, gửi thông báo kết quả điều tra bổ sung được thực hiện theo quy định tại Điều 232 và Điều 238 của Bộ luật tố tụng hình sự.

Ngoài ra, việc phối hợp thực hiện trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong các trường hợp quy định tại điểm b và điểm c, khoản 1, Điều 245 của Bộ luật Tố tụng hình sự khi có căn cứ để khởi tố bị can về một hay nhiều tội phạm khác, có người đồng phạm hoặc người phạm tội khác liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố bị can thuộc một trong các trường hợp sau đây thì viện kiểm sát trả hồ sơ để điều tra bổ sung:

Khởi tố và điều tra về một hay nhiều tội nhưng chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy hành vi của bị can đã thực hiện cấu thành một hay nhiều tội khác; Ngoài tội phạm đã khởi tố và điều tra, chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy còn có căn cứ để khởi tố bị can về một hoặc nhiều tội khác; Ngoài bị can đã bị khởi tố và điều tra, chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy còn có người đồng phạm khác hoặc có người phạm tội khác có liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố bị can.

Từ phân tích trên, luật sư Thơ cho biết, khi có một trong các căn cứ trên, viện kiểm sát có quyền trả hồ sơ yêu cầu cơ quan điều tra điều tra bổ sung. Và, viện kiểm sát được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung 2 lần trong giai đoạn truy tố.

Trước đó, theo nội dung bản kết luận điều tra, ông Trịnh Văn Quyết là người có trình độ hiểu biết về pháp luật và lĩnh vực tài chính ngân hàng, chứng khoán. Bị can sáng lập Công ty Tập đoàn FLC, Công ty Chứng khoán BOS và 50 công ty liên quan khác.

Bộ Công an cáo buộc, ông Quyết đã chỉ đạo em gái là Trịnh Thị Minh Huế và những người khác thao túng thị trường chứng khoán để thu lời bất chính hơn 700 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng của nhà đầu tư.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem