CEO Nguyễn Phương Hằng tiếp tục tạm giam thêm 19 ngày, bị yêu cầu bồi thường hơn 80 tỷ đồng
Ngày 7/4, Viện KSND TP.HCM cho biết, đơn vị đã tiếp nhận kết luận điều tra từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM về vụ án CEO Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam, Bình Dương) và 4 đồng phạm có hành vi "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Sau khi nghiên cứu hồ sơ, Viện KSND cùng cấp đã ra lệnh tạm giam CEO Nguyễn Phương Hằng thêm 19 ngày.
Theo kết luận điều tra của vụ án này, ngoài hành vi vi phạm pháp luật của các bị can trong vụ án CEO Nguyễn Phương Hằng, kết luận điều tra còn ghi nhận về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại của 10 bị hại đối với bị can Nguyễn Phương Hằng và các đồng phạm.
Cụ thể, ông Võ Nguyễn Hoài Linh, bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), ông Nguyễn Đức Hiển, bà Đinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu và bà Trương Thị Việt Hà chưa có yêu cầu bồi thường về vật chất mà yêu cầu bị can Phương Hằng và đồng phạm phải xin lỗi do các phát ngôn xúc phạm mình.
Vợ chồng bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) và ông Lê Công Vinh yêu cầu bị can Phương Hằng và đồng phạm bồi thường tổn thất về vật chất là 30,4 tỷ đồng; bồi thường tổn thất về tinh thần là 14,9 tỷ đồng do các phát ngôn xúc phạm.
Ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng) yêu cầu bà Hằng và đồng phạm xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại về vật chất số tiền 43 tỷ đồng do các phát ngôn của bà Hằng đã xúc phạm ông.
Kết luận cũng thể hiện bà Đặng Thị Hàn Ni yêu cầu CEO Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
CEO Nguyễn Phương Hằng sử dụng mạng xã hội xúc phạm các nghệ sĩ, nhà báo… như thế nào?
Vẫn theo kết luận điều tra, CEO Nguyễn Phương Hằng thông qua các tài khoản mạng xã hội YouTube và TikTok, tổ chức nhiều buổi phát sóng trực tiếp (livestream) qua mạng internet để xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng uy tín, danh dự của ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), bà Đặng Thị Hàn Ni (nhà báo Hàn Ni), ông Nguyễn Đức Hiển (Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP.HCM), bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) cùng chồng Lê Công Vinh, ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), bà Đinh Thị Lan.
CEO Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác, trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
3 bị can còn lại Nhi, Hà, Tân đã thực hiện các nhiệm vụ: đăng tin trên mạng xã hội Facebook về tiêu đề, thời điểm, đường dẫn đến kênh YouTube, TikTok sẽ phát livestream; in các nội dung mà bị can Nguyễn Phương Hằng sẽ phát ngôn, đưa cho bị can Nguyễn Phương Hằng trước các buổi livestream; chuẩn bị, sử dụng các phương tiện, thiết bị điện tử để phục vụ livestream và phát livestream trên các tài khoản mạng xã hội của bị can Nguyễn Phương Hằng...
Đối với bị can Đặng Anh Quân, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM xác định đã trực tiếp tham gia nhiều buổi livestream cùng Nguyễn Phương Hằng. Trong các buổi livestream này, Đặng Anh Quân đã phát ngôn, bình luận, cùng tương tác với Nguyễn Phương Hằng về những nội dung xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của nhiều cá nhân.
Hành vi của Đặng Anh Quân là giúp sức tích cực cho Nguyễn Phương Hằng thực hiện hành vi phạm tội liên tục, nhiều lần trong thời gian dài, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm phức tạp tình hình trên không gian mạng, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự an toàn xã hội.
Dựa vào những cơ sở nào để các nghệ sĩ yêu cầu CEO Nguyễn Phương Hằng bồi thường
Luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận định: Do nghề nghiệp đặc thù nên khó xác định thu nhập chính xác bị mất hoặc giảm sút là bao nhiêu. Tuy nhiên có thể căn cứ vào các hợp đồng bị hủy, bị tạm ngừng không thời hạn do hình ảnh nghệ sĩ có thể làm ảnh hưởng đến chương trình, sự kiện… để làm chứng cứ chứng minh cho yêu cầu bồi thường hoặc căn cứ vào thu nhập của thời gian trước đó như dựa vào thuế thu nhập cá nhân đã nộp để tính thiệt hại và yêu cầu bồi thường.
Theo luật sư Tuấn, nguyên tắc bồi thường là "thiệt hại thực tế đã xảy ra", Điều 3 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực ngày 01/01/2023 giải thích khoản 1 Điều 585 Bộ Luật dân sự 2015:
"Thiệt hại thực tế" là thiệt hại đã xảy ra theo hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết này, được tính thành tiền tại thời điểm giải quyết bồi thường. Thiệt hại phát sinh sau thời điểm giải quyết bồi thường lần đầu được xác định tại thời điểm giải quyết bồi thường lần tiếp theo nếu có yêu cầu của người bị thiệt hại. "Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ" là tất cả các thiệt hại thực tế xảy ra đều phải được bồi thường.
Như vậy, có thể hiểu, dù đã được bồi thường nhưng nếu hậu quả của hành vi trái pháp luật vẫn còn gây thiệt hại thì người gây thiệt hại vẫn phải tiếp tục bồi thường nếu người bị thiệt hại có yêu cầu.
Về tinh thần, khi tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm thì thiệt hại tinh thần sẽ được xác định và người bị thiệt hại được nhận một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.
Trong vụ án liên quan đến CEO Nguyễn Phương Hằng, luật sư Tuấn phân tích có thể hiểu thiệt hại về tinh thần là thiệt hại, tổn thất do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, bị xa lánh, bị hiểu nhầm…, do công việc đặc thù của người làm nghệ sĩ, nghệ thuật. Khác với thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tỉnh thần không có tiêu chí chung để xác định cho mọi cá nhân bởi điều kiện, hoàn cảnh của từng cá nhân là khác nhau.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.