Chán bôn ba xứ người, hotboy 9X tỉnh Thái Nguyên về trồng cây ra búp chát "chế" ra thức uống có vị ngọt hậu
Chán bôn ba xứ người, hotboy 9X tỉnh Thái Nguyên về trồng cây ra búp chát "chế" ra thức uống có vị ngọt hậu
Hà Thanh
Chủ nhật, ngày 20/09/2020 13:03 PM (GMT+7)
Sau thời gian bôn ba xứ người, anh Dương Quang Phú (SN 1994, trú tại xóm Trại Cài, xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) đã quyết định trở về mảnh đất quê hương, nối nghiệp ông cha trồng cây chè, làm chè truyền thống. Qua 2 năm, sản phẩm chè của anh đã phần nào được khẳng định, phân phối đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất chè Trại Cài (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên), lại xuất thân trong gia đình vốn có nghề làm chè truyền thống, chàng thanh niên Dương Quang Phú ít nhiều thừa hưởng tình yêu với cây chè.
Thế nhưng, con đường khởi nghiệp ban đầu của anh lại chẳng phải là cây chè, mà là xuất khẩu lao động. Sau khi trở về, trong lúc còn đang loay hoay chưa biết làm công việc gì, được sự động viên và hỗ trợ từ phía gia đình, anh Phú - thời điểm 25 tuổi - đã quyết nối nghiệp gia đình và bắt đầu lại với nghề làm chè.
Sẵn xưởng sản xuất chè của gia đình, tháng 7/2019, anh Phú chính thức thành lập HTX chè Sáo Thịnh với mong muốn phát triển nghề chè truyền thống của gia đình.
Anh Phú cho biết, anh được Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ, cho vay 200 triệu đồng để đầu tư cơ sở vật chất. Nhờ vậy, anh đã mua 4 máy sao chè và 2 máy vò chè cùng với chi phí xây dựng nhà xưởng ban đầu gần 1 tỷ đồng.
"Thuận lợi của tôi khi tham gia sản xuất, chế biến chè là có vùng nguyên liệu tại chỗ nên không phải đi xa, do đó chi phí giảm đi đáng kể. Bên cạnh đó, nhờ có ông bà, bố mẹ đều là những người có kinh nghiệm làm chè lâu năm nên giúp cho tôi rất nhiều trong các công đoạn sản xuất và chế biến chè," anh Phú chia sẻ.
Ngoài việc việc tận dụng những lợi thế sẵn có, anh Phú cũng không ngừng trau dồi kiến thức, đồng thời học hỏi thêm kinh nghiệm chế biến chè ở những đơn vị sản xuất có tiếng tại Thái Nguyên. Từ đó, anh dần đúc kết và cho ra những sản phẩm chè thơm ngon với hương vị đặc trưng riêng có.
Khác với hương vị chè ở nhiều nơi, chè Trại Cài đậm nước, có vị chát và ngọt hậu. Phải nhâm nhi thưởng thức từ từ mới cảm nhận hết được vị thơm, ngon và đặc trưng của chè Trại Cài.
Để chế biến ra một mẻ chè Trại Cài ngon, cần phải chú ý đến rất nhiều công đoạn, nhất là công đoạn thu hái và sơ chế ban đầu. Ngoài ra, trong quá trình sao chè, phải đặc biệt chú ý đến việc điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp, có như thế chè mới ngon và đạt chất lượng như mong muốn.
Hiện nay, vùng nguyên liệu cung cấp cho HTX chè Sáo Thịnh có tổng diện tích 7ha. Trong đó, diện tích chè của HTX chiếm khoảng 2 – 3ha, còn lại là liên kết với 50 hộ dân bên ngoài.
Theo anh Phú, các sản phẩm chè của HTX chè Sáo Thịnh đều đã có tem truy xuất nguồn gốc và đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Sản phẩm chè được đóng gói tùy theo yêu cầu của khách hàng, trong đó sản phẩm bình dân có giá trung bình 200.000 đồng/kg, còn sản phẩm cao cấp được bán với giá 1 triệu đồng/kg. Thậm chí, có sản phẩm có giá trị lên tới 1,5 – 2,5 triệu đồng/kg, được sản xuất theo đơn đặt hàng của khách.
Bình quân, HTX sản xuất được khoảng 1,5 – 2 tạ chè khô/ngày. Để tránh tình trạng khan hiếm hàng dịp cuối năm, bắt đầu vào thời điểm từ tháng 8 trở đi, HTX sẽ dự trữ khoảng từ 1 - 2 tấn chè khô để bán vào dịp tết vì thời điểm này sản lượng chè giảm mạnh mà giá lại cao hơn.
Tuy mới được thành lập nhưng đến nay, HTX chè Sáo Thịnh đã đảm bảo được mức lương trung bình 9 triệu đồng/người/tháng cho 5 lao động làm việc thường xuyên tại xưởng sản xuất.
Đồng thời, HTX cũng bao tiêu sản phẩm chè tươi cho 70 lao động hái chè/ngày với mức thu nhập 150.000 đồng/người/ngày.
Sản phẩm chè của HTX chè Sáo Thịnh chủ yếu cung cấp cho các đại lý ở Sài Gòn, Đồng Nai, Trà Vinh, Nghệ An, Thanh Hóa… Đến nay, thị trường sản phẩm đã cơ bản ổn định
Theo anh Phú, anh dự định thời gian tới sẽ đầu tư thêm máy móc để mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nguồn hàng cung cấp ra thị trường và mở rộng thị trường vào các tỉnh phía Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.