Điều đó buộc trường bán trú và trường có học sinh bán trú phải tìm cách xoay xở để lo đủ lượng và chất mỗi bữa ăn cho trò.
Không để trò thiếu gạo
Năm học này, Trường PTDTBT THCS Lưu Kiền (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) có 251 học sinh nhưng có tới 175 em bán trú. Cô Nguyễn Thị Nhung, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, học sinh bán trú được hưởng chế độ trợ cấp theo Nghị định 116 của Chính phủ bao gồm tiền ăn ở (bằng 50% lương cơ bản), và 15kg gạo/em/tháng. Mức hỗ trợ này đồng đều dành cho học sinh bán trú từ tiểu học đến THPT. Nếu như ở cấp tiểu học, với 15kg là thoải mái. Nhưng học sinh lứa tuổi THCS, sức ăn khỏe hơn, nhà trường phải tính toán kỹ để trò không thiếu gạo.
Một khó khăn khác là thời điểm cấp gạo cần phù hợp với thực tế. Hiện mỗi năm cấp gạo vào 3 đợt (đầu năm, giữa năm, cuối năm) là hợp lý, vì phải chờ thống kê danh sách học sinh, vận chuyển, phân phối về từng trường. “Tuy nhiên nên linh hoạt để cấp vào dịp cuối tháng 8, tháng 11 - 12 và tháng 3 - 4 hằng năm. Vì thông thường, tháng 8 học sinh đã tập trung về trường ở bán trú để ổn định sĩ số, nền nếp, chuẩn bị bước vào năm học mới, nhưng gạo lại chưa về.
Lúc này nhà trường phải đi vay, hoặc ứng tạm tiền để mua gạo cho các em. Đến khi gạo Nhà nước cấp về thì số lượng lớn (hàng tấn), trong khi trường không có kho dự trữ đảm bảo yêu cầu, để lâu gây ẩm mốc, hư hỏng…”, cô Nhung nói.
“So với trường dân tộc nội trú, công tác chăm sóc, lo ăn uống cho học sinh bán trú cũng tương đương. Tuy nhiên chế độ ăn cho học sinh trường nội trú lại cao gấp đôi so với bán trú. Mỗi loại hình trường học có đặc thù khác nhau, nhưng phụ huynh không phải ai cũng hiểu và có sự so sánh. Vì vậy, chúng tôi mong các ban ngành tính toán, có chế độ hỗ trợ tiền ăn và gạo phù hợp với nhu cầu lứa tuổi học sinh”, cô Nguyễn Thị Nhung đề xuất.
Cũng theo Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Lưu Kiền, nhà trường không có quỹ đất dư thừa để tăng gia sản xuất, nên bữa ăn cho học sinh chỉ nhìn vào số tiền hỗ trợ theo Nghị định 116. Để nấu đủ 3 bữa sáng, trưa, tối đảm bảo dinh dưỡng và phù hợp với sự phát triển thể chất lứa tuổi phải tính toán kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, đơn vị quán triệt tiết kiệm chi thường xuyên, kêu gọi các nguồn xã hội hóa từ nhà hảo tâm để mua thêm sữa, bánh kẹo, tổ chức sinh nhật cho học sinh...
Tương tự, thầy Lô Khăm Phu, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Mường Lống (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) cũng chia sẻ vất vả khi tổ chức bán trú cho hơn 200 học sinh. “Trường có lợi thế là đất vườn rộng, nên huy động học sinh chăm sóc vườn rau củ, chăn nuôi thêm gà. Số thực phẩm này được tận dụng để bổ sung bữa ăn cho các em. Còn tiền trợ cấp để mua các thực phẩm mà trường không sản xuất được”.
Riêng số gạo cho học sinh cũng phải “chắt chiu”. Học sinh THCS đang ở độ tuổi phát triển thể chất, sức ăn khỏe. Hiện trường chưa phải mua thêm gạo cho các em bán trú, nhưng một số thời điểm vẫn phải ứng tiền để đổi gạo cho học sinh rồi chờ đến đợt cấp mới thì trừ nợ”, thầy Phu cho biết.
Cần công bằng trong thực hiện chế độ
Toàn huyện Tương Dương hiện có 19 trường PTDTBT, trong đó cấp THCS có 11 trường và tiểu học có 8 trường. Bên cạnh đó, nhiều trường có học sinh bán trú nhưng chưa được công nhận là trường DTBT. Ông Lô Thanh Nhất, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương khẳng định, mô hình trường bán trú đã phát huy hiệu quả trong phát triển giáo dục toàn diện cho học sinh cả trí tuệ và thể chất. Tuy nhiên, về chế độ cho học sinh, cấp phát lương thực về trường cần tính toán để phù hợp với từng cấp học và thực tế.
Trường THPT Kỳ Sơn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) năm học này được xây dựng cơ sở vật chất khang trang, khu nhà ở nội trú học sinh với sức chứa hơn 1.000 em. Đây cũng là 1 trong 2 trường THPT trên toàn tỉnh thí điểm mô hình Trường PTDTBT THPT kiểu mới. Tuy nhiên, việc tổ chức đưa học sinh vào ở nội trú còn gặp nhiều khó khăn do thiếu chi phí vận hành, chưa có chế độ chính sách cho giáo viên trực bán trú, nhân viên nấu ăn…
Vì vậy, năm học 2022 - 2023, trường thí điểm tổ chức bán trú cho 320 học sinh, ưu tiên cho trò thuộc hộ nghèo và mồ côi. Dự kiến đến năm học 2023 - 2024 tăng lên 750 em, ưu tiên cho học sinh lớp 12, hộ nghèo và mồ côi khối 10 và 11 (do nhà bếp, nhà ăn thiết kế chỉ đủ phục vụ đủ cho 750 học sinh).
Thầy Lê Văn Tảo, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, dù mới tổ chức bán trú cho hơn 300 học sinh, nhưng việc ăn ở cho các em, nhà trường đang phải căng mình lo liệu. Chưa kể nhiều học sinh nhà xa trường 60 - 70km, một vài tháng các em mới về nhà một lần nên ở lại trường cả Chủ nhật.
Vì thế, nếu chỉ nhìn vào chế độ theo Nghị định 116 của Chính phủ, thì không đủ để tổ chức nấu ăn cả 3 bữa sáng, trưa, tối cho học sinh mỗi ngày, nhất là với lứa tuổi THPT. Trong khi đó tiền và gạo trợ cấp của học sinh lớp 12 cũng bằng học sinh… lớp 1. Chưa kể tiền điện, nước, hợp đồng nhân viên nấu ăn và tiền trực quản lý học sinh bán trú.
“Trước mắt, nhà trường chưa thu bất cứ khoản đóng góp nào của học sinh mà sử dụng từ nguồn hỗ trợ theo Nghị định 116. Riêng tiền điện, nước và tiền thuê nấu ăn, nhà trường đã họp phụ huynh và thống nhất tạm thu mỗi tháng 20.000 đồng/em. Bên cạnh đó, mỗi phòng ký túc có đồng hồ riêng, các em sử dụng bao nhiêu điện thì chia đầu người để trả”, thầy Lê Văn Tảo cho hay.
Theo ông Đào Công Lợi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, ngành đã xây dựng xong đề án tham mưu UBND tỉnh trình HĐND ra Nghị quyết hỗ trợ các nội dung và mức chi hỗ trợ thí điểm trường THPT DTBT kiểu mới. Đề xuất hỗ trợ chi ngân sách gồm: Hoạt động dạy học chương trình tăng cường; điều kiện dạy học (sách vở, thiết bị, phòng học trực tuyến, dụng cụ nhà bếp); hỗ trợ chi phí nấu ăn và chi phí trực quản lý học sinh bán trú. Với chế độ ăn của học sinh bán trú, ông Lợi cho rằng cần phân bổ các mức hợp lý hơn theo từng cấp học và độ tuổi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.