Chiến sự Nga-Ukraine: Nông dân chân lấm tay bùn Ukraine biến thành thợ rà phá bom mìn 'bất đắc dĩ'
Chiến sự Nga-Ukraine: Từ những nông dân chân lấm tay bùn tới thợ rà phá bom mìn 'bất đắc dĩ'
Phương Đăng (theo Foreign Policy)
Thứ ba, ngày 30/05/2023 21:25 PM (GMT+7)
Ở rìa cánh đồng lúa mì bị cháy một phần vào một ngày nắng rực rỡ, người nông dân Ukraine Maksim Maksimov đang chăm chú quan sát 3 công nhân trong nông trại của ông cầm máy dò kim loại rẻ tiền, xẻng và một bó cờ, cố gắng tìm kiếm những thứ chết chóc đang ẩn sâu trong đất.
Theo Foreign Policy, máy dò kim loại rẻ tiền trên tay những người đàn ông Ukraine thường được bán cho những người có sở thích săn tìm tiền xu và đồ trang sức bằng kim loại. Nhưng giờ đây chúng đang được sử dụng để rò bom mìn trên những cánh đồng.
Yuri Baranov, một trong những người nông dân Ukraine, cho biết: “Nếu máy dò kim loại phát ra tiếng bíp, chúng tôi không đào mà chỉ cắm cờ và đi tiếp".
Khi nhóm của Baranov đi ngang qua tàn dư của một quả tên lửa, vẫn còn chứa đầy đạn chùm chưa nổ, Maksimov nói thêm: “Chúng tôi không thực sự rà phá bom mìn mà là khảo sát nhiều hơn".
Hơn một năm sau cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, hàng nghìn km vuông đất có khả năng rải rác mìn, bom chùm chưa nổ và tàn dư của tên lửa cũng như đạn pháo do lực lượng của cả hai bên bắn.
Nông dân thường buộc phải lựa chọn giữa việc mạo hiểm mạng sống của mình để chăm sóc đồng ruộng của họ hoặc mạo hiểm sinh kế để chờ đợi các cánh đồng được các kỹ sư dân sự hoặc quân sự được gọi là đặc công, những người chuyên thực hiện các hoạt động rà phá bom mìn khảo sát và làm sạch.
Nhưng không biết phải chờ đợi đến bao giờ, nên nhiều nông dân Ukraine đã chọn giải pháp tự xử lý.
Vấn đề đặc biệt nghiêm trọng ở vùng đồng bằng nông nghiệp Kherson phía tây sông Dnieper, nơi có trang trại của ông Maksimov và là nơi quân đội Ukraine đã tiến hành một cuộc phản công và thành công để giải phóng thành phố Kherson vào tháng 11 năm ngoái.
Theo các quan chức, khoảng 4.200 km2 đất nông nghiệp trong khu vực này có khả năng bị ô nhiễm, nhưng các đặc công mới chỉ khảo sát được một nửa vào cuối tháng 4.
Để giải phóng mặt bằng ở vùng Kherson, “với tốc độ hiện tại, với số lượng người hiện tại và số lượng thiết bị hiện tại, sẽ mất 10 năm nếu không muốn nói là lâu hơn”, ông Oleksandr Tolokonnikov, phát ngôn viên của chính quyền quân sự Kherson nói với Foreign Policy .
Tại các khu vực mà Ukraine đã tái chiếm, thời điểm bắt đầu mùa gieo hạt năm nay vào mùa xuân đã xảy ra một loạt vụ tai nạn liên quan đến nông dân làm việc trên các cánh đồng bị ô nhiễm bom mìn.
Cụ thể, từ ngày 8 đến 10/5, 4 máy kéo ở bốn khu vực khác nhau của Kherson và vùng Mykolaiv lân cận đã bị nổ tung sau khi bị trúng mìn, làm những người lái xe bị thương. 2 sự cố tương tự đã xảy ra vào ngày 3/5 và 6/5 trên một cánh đồng ở vùng Kharkov ở đông bắc Ukraine; vào ngày 22/4, một vụ nổ mìn đã giết chết một nông dân 30 tuổi ở Kherson.
Rõ ràng, rà phá bom mìn là nhiệm vụ của nhà nước. Nhưng dịch vụ khẩn cấp của Ukraine, hay DSNS - cơ quan dân sự chính tham gia vào các hoạt động rà phá bom mìn - đã bị quá tải.
Quân đội, lực lượng chính khác cũng tham gia vào hoạt động rà phá bom mìn cũng không thể xử lý hết các công việc. Điều này đã khiến nhiều nông dân thất vọng và phải tự xoay xở.
Dmytro Stetsenko, một nông dân ở vùng Kherson, cho biết: “Bây giờ mọi người đều tự làm điều đó. Lúc đầu, chúng tôi đợi nhà nước rà phá bom mìn trên ruộng của mình. Sau đó, chúng tôi hiểu rằng điều đó sẽ không xảy ra, vì vậy chúng tôi quyết định tự mình làm điều đó”.
Vào tháng 4, sau khi yêu cầu DSNS không thành công, ông Stetsenko đã quyết định tự dọn sạch gần 12km2 đất nông nghiệp của mình.
Đi ngang qua một chiếc máy kéo bị trúng mảnh đạn đậu tại một trong hai trang trại mà ông sở hữu gần làng Zorivka, Stetsenko chỉ vào một đống ống phóng tên lửa và tên lửa bị vứt bỏ, trong đó có tên lửa chống radar AGM-88 HARM do Mỹ sản xuất.
Trang trại thứ 2 của Stetsenko, gần ngôi làng ven biển Stanislav, từng được quân đội Nga sử dụng làm căn cứ trong vài tháng và hiện đã bị tàn phá bởi các cuộc không kích trong cuộc phản công của Ukraine.
Ngoài ra, ở đó còn có dấu vết của các cuộc giao tranh trong quá khứ—bao gồm các chiến hào và những khẩu pháo bị bỏ hoang của Nga. Tất cả những điều này đã biến việc trồng trọt của nông dân Ukraine giờ đây thành một hoạt động có khả năng gây chết người.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.