Cho phép người nước ngoài sở hữu bất động sản du lịch: Nên hay không?
Cho phép người nước ngoài sở hữu bất động sản du lịch: Nên hay không?
Trần Kháng
Thứ sáu, ngày 07/08/2020 16:13 PM (GMT+7)
Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, với việc nới lỏng thêm chính sách cho phép những đối tượng người nước ngoài mua bán và sở hữu bất động sản du lịch là việc nên làm.
Vừa qua, trong bối cảnh thị trường bất động sản trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn từ dịch bệnh, Bộ Xây dựng đã đề xuất và trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu các bất động sản du lịch tại Việt Nam.
Theo đánh giá của giới chuyên gia và doanh nghiệp, đề xuất của Bộ Xây dựng được coi là động thái rất tích cực, một lần nữa thể hiện nỗ lực và sự đồng hành của Nhà nước để cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn chung.
Theo Tiến sĩ Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, đề xuất của Bộ Xây dựng về việc tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu các bất động sản du lịch tại Việt Nam là việc nên làm.
Theo ông Khương, xét về mặt địa lý, Việt Nam có thế mạnh đường bờ biển dài 2500km. Dọc 63 tỉnh thành của nước ta có hơn một nửa trong đó gắn liền với biển, tiềm năng du lịch, cho thuê, nghỉ dưỡng rất lớn và cần được khai thác triệt để.
"Việc bán bất động sản cho nhà đầu tư nước ngoài cũng là một hình thức xuất khẩu bất động sản tại chỗ, việc người nước ngoài sở hữu căn hộ du lịch hay căn nhà tại Việt Nam thì tài sản vẫn nằm ở Việt Nam. Không những thế, việc sở hữu bất động sản tại Việt Nam còn tăng thêm chi tiêu tiêu dùng, dòng tiền ngoại hối đổ về các lĩnh vực kinh tế khác như du lịch, dịch vụ, tài chính cũng tốt theo", ông Khương phân tích.
Theo Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên &Môi trường, điều 5 luật Đất đai năm 2013 nêu rõ, cá nhân nước ngoài không phải là đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất.
Vì vậy, không có việc chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nước ngoài tại Việt Nam.
Luật Nhà ở năm 2014 đã cho phép cá nhân nước ngoài nếu đáp ứng điều kiện thì được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Tuy nhiên, do quy định của luật Nhà ở chưa đồng bộ với quy định của luật Đất đai nên chưa có cơ sở cấp chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở.
Ngoài ra, theo Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, xu thế về việc nhận nguồn đầu tư từ nước ngoài cho các sản phẩm du lịch cũng đã và đang được triển khai khá hiệu quả ở các nước lân cận trong khu vực như Thái Lan, Singapore...
Phân tích thêm về cơ hội trong đề xuất của Bộ Xây dựng trên, ông Sử Ngọc Khương cho rằng, có ba điểm then chốt để đảm bảo việc hiện thực hóa chủ trương này của Nhà nước trong việc khuyến khích người nước ngoài đầu tư vào bất động sản du lịch.
Thứ nhất, đó là sự phát triển và đồng bộ của bản thân ngành du lịch tại Việt Nam. "Ngành du lịch cần phải phát triển và hết sức hấp dẫn để khi nhà đầu tư đang cân nhắc chi tiền cho một căn hộ hay villa thì sẽ thu lại được lợi nhuận trên nhiều năm vì nhà đầu tư chỉ quan tâm đến lợi nhuận. Do đó ngành du lịch đóng vai trò rất quan trọng và chúng ta phải chứng tỏ được những lợi thế của Việt Nam một cách triệt để".
Vấn đề thứ hai là về giấy tờ thủ tục pháp lý, nhằm gỡ bỏ những rào cản, cho phép những dự án bất động sản du lich được thực thi, tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, từ đó thu hút không chỉ bất động sản nhà ở mà còn là nguồn đầu tư nước ngoài vào các loại hình dịch vụ, kinh doanh, sản xuất...
Và vấn đề cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, đó chính là việc đảm bảo yếu tố an ninh quốc phòng, trong việc sắp xếp các dự án này ở những vị trí không gây tác động đến an ninh quốc phòng như gần các căn cứ quân sự, khu vực chính trị.
Tháng 5 vừa qua, trả lời kiến nghị cử tri trước kỳ họp Quốc hội, Bộ Quốc phòng cho biết, từ năm 2011 - 2015, trên địa bàn khu vực biên giới biển TP Đà Nẵng có 134 lô, 1 thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc đang sở hữu, "núp bóng" sở hữu và thuê của UBND TP tại các vị trí: dọc các khu đô thị ven biển; ven tường rào sân bay Nước Mặn, đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, thuộc phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn; khu đô thị các phường Phước Mỹ, Thọ Quang, quận Sơn Trà. Bộ Quốc phòng nhận định, để sở hữu các lô đất ở Đà Nẵng, người Trung Quốc chủ yếu dựa theo 2 hình thức.
Thứ nhất, thành lập doanh nghiệp liên doanh với Việt Nam. Ban đầu, người Trung Quốc góp vốn thấp hơn người Việt Nam (người Việt Nam góp vốn chủ yếu bằng đất), doanh nghiệp sẽ do người Việt Nam điều hành. Sau một thời gian, bằng nhiều cách, doanh nghiệp Trung Quốc tăng vốn giành quyền điều hành doanh nghiệp; do tài sản góp vốn là đất nên quyền sở hữu các lô đất rơi vào tay người Trung Quốc.
Thứ hai, họ đầu tư tiền cho cá nhân người Việt Nam (chủ yếu người Việt gốc Hoa) để mua đất, đã phát hiện một số trường hợp kinh tế khó khăn nhưng đứng tên sở hữu nhiều lô đất như ông Lý Phước Cang 12 lô, ông Trác Ngọc Phúc 10 lô...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.