Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh lý giải nguyên nhân chậm tiến độ quy hoạch Thủ đô

Thành An Thứ tư, ngày 09/03/2022 15:26 PM (GMT+7)
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, thực hiện Luật Quy hoạch 2017, việc triển khai lập Quy hoạch Thủ đô được xác lập từ năm 2019.
Bình luận 0

Sáng 9/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Đức Hải, Đoàn giám sát của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành" làm việc với TP.Hà Nội. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và chỉ đạo cuộc làm việc.

Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh lý giải nguyên nhân chậm tiến độ quy hoạch Thủ đô - Ảnh 1.

Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Quochoi.vn.

Tiến độ lập quy hoạch chậm

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, về mặt hồ sơ, tài liệu, Đoàn giám sát đánh giá cao TP.Hà Nội với 2 lần gửi báo cáo khá đúng hạn (bao gồm cả báo cáo bổ sung), nội dung khá đầy đủ đã bám sát Kế hoạch, Đề cương theo yêu cầu của Đoàn giám sát.

TP.Hà Nội đã thực hiện được khối lượng công việc khá nhiều, trong đó nổi bật là phối hợp lập và thẩm định quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, phối hợp, cung cấp thông tin, tham gia ý kiến khi các cơ quan lập quy hoạch yêu cầu.

"Với đặc điểm là đô thị đặc biệt, trái tim của cả nước, diện tích rộng, trong đó khu vực nông thôn lớn, dân số đông, mức độ tập trung lớn, đa dạng về văn hoá, trình độ phát triển kinh tế rất khác nhau giữa các khu vực, Thủ đô Hà Nội gặp những khó khăn, lúng túng trong triển khai thực hiện lập quy hoạch. Đến ngày 7/3 mới được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, như vậy dù đã đạt kết quả bước đầu nhưng là một trong hai thành phố trực thuộc trung ương có tiến độ lập quy hoạch chậm nhất…", ông Hải lưu ý.

Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh lý giải nguyên nhân chậm tiến độ quy hoạch Thủ đô - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Quochoi.vn.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đi vào từng lĩnh vực thì công việc còn nhiều quy hoạch chưa hoàn thành như: Quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng, Sông Đuống, quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh đang trong quá trình tổ chức lập; Quy hoạch chiếu sáng đô thị chưa lập; 14 quy hoạch xây dựng vùng huyện đang lập; quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng các chung cư cũ đang dự thảo…

Đặc biệt, điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô cũng đang tiến hành và cũng chậm, hiện đang trong quá trình soạn thảo, chưa được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, mới được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận chủ trương điều chỉnh. "Với tiến độ như vậy, sẽ tác động ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô là rất lớn, càng chậm thì càng cản trở sự phát triển không chỉ cho Thủ đô mà cho cả nền kinh tế", ông Hải nhấn mạnh.

Nhiều khó khăn, vướng mắc trong lập quy hoạch

Báo cáo tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, thực hiện Luật Quy hoạch 2017, việc triển khai lập Quy hoạch Thủ đô được xác lập từ năm 2019.

Tuy nhiên đến năm 2021, theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng thì phải triển khai song song đồng thời tổ chức lập Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo kỳ rà soát và đồng thời triển khai xây dựng Chương trình phát triển đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh lý giải nguyên nhân chậm tiến độ quy hoạch Thủ đô - Ảnh 3.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch trên địa bàn Hà Nội kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Ảnh: Quochoi.vn.

Quá trình triển khai các nhiệm vụ trên song song đồng thời và là nền tảng để xác lập, xác định các nội dung định hướng, quy hoạch chuyên ngành, ngành, lĩnh vực tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô đảm bảo thống nhất, đồng bộ.

Hiện nay, Hà Nội nghiên cứu đề xuất Quy hoạch Thủ đô có khoảng 17 nội dung chủ yếu đề xuất nghiên cứu tích hợp vào quy hoạch 39 nội dung ngành và khoảng 30 nội dung cấp huyện…

Lý giải nguyên nhân chậm tiến độ, ông Chu Ngọc Anh cho rằng, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 là loại hình mới, quy hoạch tích hợp, có tính chất phức tạp, nội dung bao trùm, phạm vi nghiên cứu rộng, hình thức hoàn toàn mới so với trước đây, chịu sự điều chỉnh của nhiều pháp luật có liên quan, trong khi cả kinh nghiệm trong nước và quốc tế về nội dung này còn rất hạn chế; Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành và TP ban đầu còn lúng túng trong triển khai, chưa định hướng rõ được tính chất, nội dung, nội hàm, phạm vi nghiên cứu.

Bên cạnh đó, hệ thống quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch là hoàn toàn mới so với trước đây, trong và ngoài nước hiện chưa có tổ chức tư vấn hoặc chuyên gia tư vấn đủ kinh nghiệm, khó khăn trong việc lựa chọn đơn vị tư vấn; Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, cùng với các xu hướng mới và quan trọng về bối cảnh kinh tế - xã hội toàn cầu, đã làm ảnh hưởng không nhỏ công tác quy hoạch;...

Đồng thời, tại thời điểm này các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đang triển khai lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh đang được nghiên cứu lập song song theo phương thức phối hợp, tích hợp, nhiều nội dung quy hoạch còn chưa được xác lập, chưa rõ định hướng, khó khăn trong việc xác lập một số nội dung định hướng trong Quy hoạch Thủ đô...

Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh lý giải nguyên nhân chậm tiến độ quy hoạch Thủ đô - Ảnh 5.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi mở nhiều nội dung lớn, quan trọng tại cuộc làm việc giữa Đoàn Giám sát của Quốc hội với TP.Hà Nội. Ảnh: Quochoi.vn.

Tiến độ phải gắn liền với chất lượng quy hoạch

Cho ý kiến tại cuộc làm việc, thành viên Đoàn Giám sát và các đại biểu đánh giá cao Báo cáo của UBND TP.Hà Nội. Một số ý kiến cho rằng, báo cáo đã bám sát Đề cương yêu cầu của Đoàn giám sát; nêu rõ được những vấn đề bất cập, khó khăn/vướng mắc hiện nay đồng thời đưa ra được nhiều kiến nghị/đề xuất cụ thể, sát thực.

Chia sẻ với những khó khăn của TP.Hà Nội trong công tác lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch, các đại biểu đề nghị UBND TP.Hà Nội tập trung kiến nghị những nội dung để đẩy nhanh tiến độ quy hoạch nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng quy hoạch; đề xuất rõ hơn những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị cụ thể giải pháp để bảo đảm chất lượng các quy hoạch, vừa có tính kế thừa, vừa đồng bộ với các quy hoạch bên trên, bên dưới khi Quy hoạch Thành phố được duyệt;...

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị nêu rõ vướng mắc liên quan đến thực hiện đồng thời hai quy hoạch; đề nghị UBND TP.Hà Nội có đề xuất những nội dung cần phải thống nhất ngay trong quá trình lập quy hoạch song song; làm rõ nội hàm về quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng; …

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tham mưu cho Chính phủ và chịu trách nhiệm quản lý nhà nước tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của đại biểu Đoàn giám sát và kiến nghị của địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh thời gian còn lại không nhiều, đề nghị Chủ tịch UBND TP.Hà Nội chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện và gửi báo cáo bổ sung cho Đoàn giám sát trong thời gian sớm nhất. Các ý kiến tham gia tại phiên làm việc sẽ là cơ sở quan trọng để Đoàn giám sát nghiên cứu, chuẩn bị dự thảo Báo cáo kết quả giám sát báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp tháng 4/2022 và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem